Sau khi trở lại đơn vị làm việc, bà Bích đề nghị thanh toán tiền nghỉ phép theo quy định. Theo trả lời của bộ phận nghiệp vụ, bà Bích không được thanh toán, vì mọi chế độ ngày nghỉ lễ, phép theo quy định của Nhà nước đơn vị đã xây dựng vào đơn giá sản phẩm.
Tuy nhiên, trong hợp đồng đơn vị ký với bà Bích có ghi nhận chế độ nghỉ phép và ngày lễ theo quy định của Nhà nước và quân đội.
Bà Bích đề nghị được giải đáp, chế độ phép của bà được giải quyết như vậy có đúng quy định không?
Vấn đề bà Ngọc hỏi, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo nội dung bà Nguyễn Ngọc Bích trình bày, thì bà đang làm việc theo chế độ hợp đồng tại một đơn vị thuộc quân đội. Vào thời điểm bà Bích nghỉ phép năm 2012, chế độ ngày nghỉ hàng năm (còn gọi là nghỉ phép năm) của người lao động áp dụng quy định tại Điều 74, Điều 75 Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007).
Theo đó, người lao động có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định sau:
- 12 ngày làm việc, đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- Số ngày nghỉ hàng năm được tăng thêm theo thâm niên làm việc tại một doanh nghiệp hoặc với một người sử dụng lao động, cứ 5 năm được nghỉ thêm 1 ngày.
Chế độ phép phải được ghi nhận trong hợp đồng lao động
Ngày 21/12/2012, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 13/2012/TT-BQP quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, đơn vị quân đội có sử dụng kinh phí do Nhà nước cấp. Chế độ thanh toán tiền nghỉ phép quy định tại Thông tư này được thực hiện từ năm 2012.
Theo khoản 2 Điều 6 Thông tư này, các cơ quan, đơn vị không sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp được vận dụng chế độ quy định tại Thông tư này để thực hiện và phải được ghi nhận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước tập thể.
Khoản thanh toán tiền tàu xe đi phép; thanh toán tiền lương đối với những ngày chưa nghỉ phép hàng năm được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Khoản 1 Điều 2 Thông tư này quy định đối tượng được thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép hàng năm, cụ thể:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan, đơn vị quân đội có sử dụng kinh phí do Nhà nước cấp, đóng quân tại các địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên hoặc ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được nghỉ phép hàng năm thăm gia đình, cha mẹ cả bên chồng hoặc bên vợ), vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán.
- Cán bộ, nhân viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị quân đội có sử dụng kinh phí do Nhà nước cấp, đóng quân xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc gia đình ở đồng bằng mà đóng quân ở vùng núi xa xôi hẻo lánh và ngược lại có khoảng cách từ 300 km trở lên được nghỉ phép hàng năm thăm vợ hoặc chồng; con; cha mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ).
Thanh toán tiền phương tiện đi lại theo giá vé
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2012/TT-BQP, nội dung chi và mức thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm quy định như sau:
- Tiền phụ cấp đi đường: Cán bộ, nhân viên đi nghỉ phép được thanh toán tiền phụ cấp đi đường tương ứng với mức phụ cấp theo chế độ công tác phí hiện hành.
- Tiền phương tiện đi nghỉ phép: Cán bộ, nhân viên đi nghỉ phép sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thông thường của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật (trừ phương tiện máy bay; hoặc như đối với tàu hỏa không phải khoang máy lạnh có 4 giường trở xuống, đối với ô tô không phải ô tô tắc-xi,…), nếu có đủ vé tàu, xe được thanh toán tiền phương tiện đi lại từ cơ quan, đơn vị đến nơi nghỉ phép và ngược lại.
- Mức thanh toán: Theo giá ghi trên vé, hóa đơn mua vé, cước qua đò phà cho bản thân, không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như: tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu.
Trường hợp người đi nghỉ phép sử dụng phương tiện là máy bay, tàu hỏa khoang máy lạnh có 4 giường trở xuống, ô tô tắc-xi, khi có vé hợp pháp sẽ thanh toán tối đa theo giá cước vận tải hành khách công cộng thông thường bằng phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy phù hợp với tuyến đường đi nghỉ phép.
Trường hợp đặc biệt, đối với những đoạn đường không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà người đi nghỉ phép phải thuê phương tiện vận tải khác; hoặc tự túc phương tiện thì được cơ quan, đơn vị thanh toán tiền tàu, xe theo giá cước ô tô vận tải hành khách công cộng thông thường tại địa phương cho số km thực đi hoặc tiền thuê phương tiện mà người đi nghỉ phép đã thuê trên cơ sở hợp đồng thuê phương tiện, giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện hoặc được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện theo chế độ công tác phí hiện hành.
Trường hợp được vận dụng chế độ tiền nghỉ phép
Trường hợp bà Nguyễn Ngọc Bích, đã được Thủ trưởng đơn vị đồng ý cấp giấy nghỉ phép năm 2012 từ tháng 8/2012. Do bà Bích đã có thời gian làm việc tại đơn vị 7 năm, nên thời gian được nghỉ phép năm 2012 là 13 ngày làm việc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Lao động, trong thời gian nghỉ phép đó bà Bích được hưởng nguyên lương.
Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 6 Thông tư số 13/2012/TT-BQP, nếu đơn vị bà Bích công tác là đơn vị không sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp thì cũng được vận dụng quy định về thanh toán tiền phụ cấp đi đường, tiền phương tiện đi nghỉ phép tại Thông tư này và phải được ghi nhận trong hợp đồng lao động.
Trong hợp đồng đơn vị ký với bà Bích có thỏa thuận, ghi nhận thực hiện chế độ nghỉ phép theo quy định của pháp luật và quân đội.
Mặc dù thời gian nghỉ phép của bà Bích thực hiện trong tháng 8/2012, trước khi Thông tư số 13/2012/TT-BQP ban hành, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này thì chế độ thanh toán tiền nghỉ phép quy định tại Thông tư này được thực hiện với các trường hợp nghỉ phép năm 2012 trở đi.
Nếu đơn vị bà Bích làm việc đóng quân tại các địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên hoặc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hoặc đóng quân xa gia đình bà Bích từ 500 km trở lên, hoặc gia đình bà Bích ở đồng bằng mà đóng quân ở vùng núi xa xôi hẻo lánh và ngược lại có khoảng cách từ 300 km trở lên thì đơn vị được vận dụng để thanh toán cho bà Bích tiền phụ cấp đi đường, tiền phương tiện đi lại. Khoản tiền này đơn vị được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
- Trường hợp nghỉ phép gộp 2, 3 năm một lần
- Quy định về thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm
- Trường hợp được trả tiền nếu không sử dụng ngày nghỉ phép