Ông Nguyễn Hải Xuân (khachiep321@....) là giáo viên đã nghỉ hưu năm 2005, có 40 năm công tác trong ngành Giáo dục, trong đó có 20 năm công tác ở vùng rẻo cao đặc biệt khó khăn (từ năm 1965-1985).
Ông Xuân được biết về chế độ chính sách thanh toán thời gian công tác ở vùng núi cho những đối tượng chưa được hưởng chế độ theo Nghị định 122/2008/NĐ-CP của Chính phủ, vì vậy ông đã liên hệ với BHXH tỉnh Bắc Ninh nhưng được cho biết, ông nghỉ hưu từ năm 2005, còn Nghị định 122/2008/NĐ-CP được thực hiện đối với người nghỉ hưu từ 1/1/2007 trở đi nên ông Xuân không được hưởng chế độ này.
Ông Xuân hỏi việc ông không được hưởng như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp thắc mắc của ông Xuân như sau:
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 4/12/2008 của Chính phủ về thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, BHXH một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, được hướng dẫn tại Mục I Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/1/2009 của Bộ Lao đông- Thương binh và Xã hội thì đối tượng và chế độ áp dụng Nghị định này như sau:
- Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần kể từ ngày 1/1/2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH.
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 1/1/2007, đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.
Mức hưởng phụ cấp khu vực hàng tháng
Khoản 2, Mục II Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH quy định mức phụ cấp khu vực thực hiện từ ngày 1/1/2008 trở đi đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 1/1/2007, hiện đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực như sau:
Nơi đăng ký thường trú có hệ số phụ cấp khu vực | Mức hưởng phụ cấp khu vực thực hiện từ ngày 1/1/2008 trở đi (đồng/tháng) |
0,1 | 54.000 |
0,2 | 108.000 |
0,3 | 162.000 |
0,4 | 216.000 |
0,5 | 270.000 |
0,7 | 378.000 |
1,0 | 540.000 |
Trường hợp thay đổi nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu ở nơi có phụ cấp khu vực thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức tương ứng với hệ số phụ cấp khu vực tại nơi mới đến; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực.
Phụ cấp khu vực được xác định, chi trả theo nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng và được trả cùng thời điểm chi trả lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Trường hợp ông Nguyễn Hải Xuân là giáo viên đã nghỉ hưởng lương hưu từ năm 2005 (trước ngày 1/1/2007), vì vậy ông Xuân không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định 122/2008/NĐ-CP.
Nếu nơi ông Xuân đang hưởng lương hưu và đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực thì mức phụ cấp khu vực hiện hưởng được quy định tại khoản 2, Mục II Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên. Nếu nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu của ông Xuân hiện nay không có phụ cấp khu vực thì ông không được hưởng phụ cấp khu vực theo quy định này.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.