Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, sắp tới, khi sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan, sẽ chỉ rõ trách nhiệm và nguyên nhân do nhà cung cấp hay ngư dân trong vấn đề lắp đặt, quản lý thiết bị VMS để xử lý triệt để - Ảnh VGP/Đức Tuân |
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ sau cuộc họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì vào sáng nay (13/7), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sẽ sửa đổi một số chính sách để tiến tới giảm và chấm dứt tình trạng tàu cả vi phạm IUU.
Tại cuộc họp, các địa phương nhìn nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU. Vậy việc chỉ rõ trách nhiệm có ý nghĩa như thế nào đối với thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng” vào năm 2022 như Phó Thủ tướng đã đưa ra?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việc EC rút “thẻ vàng” đối với thủy sản của chúng ta đến nay được gần 4 năm. Như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã kết luận cuộc họp hôm nay, thời gian qua, có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị (trong việc gỡ “thẻ vàng”). Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế vẫn còn.
Tại cuộc họp thứ 5 này (của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU), tinh thần là chỉ rõ những tồn tại, khuyết điểm của các bộ, ngành, địa phương. Báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra tại cuộc họp cũng rất rạch ròi, đánh giá đúng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật và có giải pháp hiệu lực, hiệu quả.
Chúng ta thấy rằng tỉ lệ tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên cả nước đạt 87%, đánh dấu màu sơn đạt trên 90% nhưng có những tỉnh chỉ đạt trên dưới 50%, làm ảnh hưởng chung đến việc chống khai thác IUU của Việt Nam. Tình trạng tàu cá vi phạm IUU có chuyển biến tích cực nhưng số tàu vi phạm, bị bắt vẫn còn (32 tàu). Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu cá còn có hạn chế, ví dụ như tháo gỡ và lắp cho tàu khác hay chủ tàu ngắt kết nối thiết bị… Sắp tới, khi sửa văn bản quy phạm pháp luật liên quan, phải chỉ rõ trách nhiệm và nguyên nhân do nhà cung cấp hay ngư dân để chúng ta xử lý cho triệt để vấn đề này.
Với tinh thần hết sức thẳng thắn của Chính phủ, của các bộ, ngành và đặc biệt là 28 tỉnh, thành phố, chúng ta nhìn rõ thực trạng và cùng với các giải pháp mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận, gồm 7 điểm, trong đó có 5 điểm nhấn mạnh thì chúng ta quyết tâm thực hiện để đến năm 2022, gỡ được “thẻ vàng”.
Từ việc chỉ rõ trách nhiệm thì các địa phương cần tiếp tục thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta nêu rõ quan điểm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp lãnh đạo Bộ đã đến thị sát nhiều cảng cá, bến cá của 28 tỉnh, thành phố. Mỗi lần kiểm tra đều có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở. Tuy nhiên, có thể thấy rằng sự chuyển biển chưa tích cực, sự quan tâm vào cuộc của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt theo đúng tinh thần của Ban chỉ đạo. Do vậy, lần này phải chỉ thẳng các địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ như việc lắp VMS, vẫn để tàu cá vi phạm, chưa bảo đảm lưu hành của tàu trên biển về hải trình, nguồn gốc, xuất xứ hải sản….
Một việc nữa là về thực thi pháp luật, có tỉnh phạt nặng, có tỉnh phạt ở mức độ vừa phải, có tỉnh chỉ lập biên bản, có tỉnh chỉ nhắc nhở. Vì vậy, phải có sự đồng bộ giữa các tỉnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Như vậy, những hành vi vi phạm IUU sẽ được hạn chế và chấm dứt.
Trong báo cáo tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đang sửa Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, với chế tài đủ sức răn đe. Thứ trưởng có thể chia sẻ về vấn đề này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Liên quan đến các khuyến nghị mà EC đưa ra, chúng ta có Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực vào đầu năm 2019 với 2 nghị định hướng dẫn là Nghị định 42 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 26 hướng dẫn Luật Thủy sản và 8 thông tư.
Quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đều có sự tham vấn của phía châu Âu. Đối với xử lý hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 42 thì châu Âu cho rằng mức phạt chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, trong điều kiện thu nhập và kinh tế xã hội của chúng ta, thì chúng tôi giải thích với phía châu Âu rằng như thế là có hiệu lực, hiệu quả. Dù vậy, khi thanh tra kiểm tra, phía châu Âu vẫn nhắc là mức phạt cần cao hơn lợi ích mà vi phạm mang lại.
Sắp tới, tiếp thu ý kiến của các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành và kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, chúng tôi sẽ sửa lại Nghị định 42, theo hướng lực lượng tham gia giám sát, chấp pháp, xử phạt cũng sẽ toàn diện hơn, mức phạt bảo đảm tính răn đe hơn. Bên cạnh đó, Nghị định 26 cũng sẽ được sửa đổi.
Về chính sách, chúng tôi đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định 67 (về chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển). Việc sửa đổi này một mặt hỗ trợ ngư dân, bảo đảm khai thác trên biển, giữ vững quốc phòng an ninh và đồng thời thực thi việc chống khai thác IUU.
Đức Tuân