Vắng 4 trụ cột vì thẻ phạt và lại phải thi đấu trên sân Arena của chính đối phương, việc Chelsea không được đánh giá cao trong trận chung kết cũng là điều dễ hiểu. Hơn thế, trước một đội chủ nhà Bayern Munich đã từng có 4 chức vô địch từ Cúp C1 trước kia đến Champions League sau này, thì đại diện của nước Anh lại chưa từng 1 lần đăng quang ở cái sân chơi danh giá này.
Những con số thống kê sau 90 phút thi đấu chính thức đã chỉ ra sự chênh lệch đó: Bayern Munich kiểm soát bóng tới 55,8% thời gian của trận đấu so với 44,2%; Bayern cũng có 35 pha dứt điểm, trong khi Chelsea chỉ là 7; phạt góc 17-1, được hưởng 1 quả penalty…nhưng một lần nữa, bóng đá lại chứng minh cái quy luật khắc nghiệt riêng của mình, đội mạnh hơn, áp đảo hơn không phải lúc nào cũng chiến thắng.
Những chiếc áo đỏ của Bayern Munich cứ ào ạt tấn công và rồi bỏ lỡ từng cơ hội này đến cơ hội khác. Thế bế tắc chỉ được phá vỡ vào phút 83, khi Mueller đánh đầu đập đất rất hiểm hóc, khiến thủ thành Cech không thể cản phá. Bayern dẫn 1-0.
Nếu nhìn vào thế trận áp đảo của đội chủ nhà cùng quãng thời gian ngắn ngủi còn lại, chức vô địch những tưởng đã ở lại với sân Allianz Arena. Nhưng đúng là bóng đá, cao trào của trận chung kết thực ra mới chỉ bắt đầu. Chỉ 5 phút sau, ở pha đá phạt góc đầu tiên được hưởng, tiền đạo Drogba bay người đánh đầu uy lực và đẹp mắt giúp Chelsea cân bằng tỷ số 1-1. Hai đội bước vào thi đấu hiệp phụ.
Phải giải quyết bằng 2 hiệp phụ và vẫn là thế trận 1 chiều khi Bayern Munich dồn dập tấn công, còn Chelsea chơi phòng thủ co cụm hòng đẩy trận đấu tới chấm đá luân lưu 11m mà ở đó, họ mới là những người có lợi thế.
Kịch tính tiếp tục được đẩy lên, phút 93, từ pha phạm lỗi của chính Drogba, Bayern được hưởng quả đá 11m, nhưng đáng tiếc là tiền vệ chơi hay nhất của đội chủ nhà Robben đã không thể thắng nổi thủ thành người CH Czech của đội khách.
Cũng sau pha đá phạt 11m không thành công này, Chelsea chơi như bình tình để tạo nên thế trận cân bằng hơn và đội bóng nước Anh đã đạt được cái mục tiêu mong đợi, bước vào loạt đá luân lưu 11m.
Và trong loạt đá phạt đầy may rủi ở chấm 11m, kịch tính còn trở nên cao trào hơn nhiều.
Tiền vệ Mata của Chelsea thực hiện không thành công ở loạt đá luân lưu đầu tiên và sau loạt đá thứ 3, Bayern dẫn trước 3-2. Tuy nhiên, ở loạt đá thứ 4, cú đá của Olic đã bị Piter Cech cản phá. Sau đó hậu vệ Ashley Cole thực hiện cú sút quyết đoán, gỡ hòa 3-3 cho Chelsea. Loạt đấu súng cuối cùng, Schweinsteiger sút bóng đập cột dọc ra ngoài và chính là Droga, bằng pha dứt điểm lạnh lùng, giúp Chelsea lên ngôi với tỷ số luân lưu chung cuộc 4-3.
9 năm kể từ khi được ông chủ người Nga Abramovich nắm quyền và đầu tư lên tới 1 tỷ bảng Anh, cuối cùng Chelsea cũng có được cho mình chức vô địch Champions League sau thất bại ở trận chung kết năm 2008 để chính thức trở thành tên tuổi lớn của làng cầu cựu lục địa.
Chiến thắng của Chelsea có thể có sự trợ gúp của thần may mắn, nhưng chẳng thể phủ nhận ý chí, tinh thần của đội bóng thành London, nếu biết ở đầu mùa giải họ chìm trong khủng hoảng và mới chỉ được dẫn dắt trong 3 tháng bởi HLV phó tạm quyền Roberto Di Matteo.
Còn với Bayern, họ đã thiếu một chút may mắn nên chưa thỏa mong ước lần thứ 5 đoạt cúp.
Hoàng Hà