In bài viết

Chèn ép những con sông cung cấp nước ngọt

Hải Phòng có 3 hệ thống sông cung cấp đầu vào sản xuất nước sạch phục vụ đời sống xã hội của thành phố là sông Rế, Đa Độ và sông Giá, với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Hiện các sông này đều đứng trước nguy cơ ô nhiễm cao, hai bên bờ bị lấn chiếm.

11/05/2011 14:20

Hải Phòng có 3 hệ thống sông cung cấp đầu vào sản xuất nước sạch phục vụ đời sống xã hội của thành phố là sông Rế, Đa Độ và sông Giá, với trữ lượng hơn 21 triệu m3. Hiện các sông này đều đứng trước nguy cơ ô nhiễm cao, hai bên bờ bị lấn chiếm.

Sông Rế dài hơn 10 km, thuộc địa bàn huyện An Dương. Ngoài việc cung cấp nước tưới cho 10.000 ha cây trồng trên địa bàn, dòng sông này còn là nguồn nước ngọt chủ yếu cung cấp nước thô cho Nhà máy Nước An Dương để sản xuất nước sạch phục vụ khu vực nội thành. Tuy nhiên, sông đang bị lấn chiếm hai bên bờ và ô nhiễm nghiêm trọng. Theo Công ty TNHH MTV quản lý thủy lợi An Hải, chỉ riêng đoạn sông dài 9km chảy qua địa bàn huyện An Dương có tới 116 trường hợp vi phạm, trong đó trọng điểm là khu vực thị trấn huyện. Đáng nói, mức độ vi phạm ngày càng tăng nghiêm trọng, không chỉ xây nhà ven bờ mà còn san lấp sông, khiến lòng sông bị teo lại chỉ còn rất nhỏ. Ngoài ra, sông Rế đang biến thành hệ thống cống hở để xả thải nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân sinh sống cạnh bờ sông. Qua khảo sát thực địa của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải, một số doanh nghiệp thép xả trực tiếp nước thải xuống mương dẫn nước ra kênh sông Mai, kênh dẫn cấp 1 nối với hệ thống kênh trục An Kim Hải. Đây là kênh dẫn nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân các phường Hùng Vương, Quán Toan (quận Hồng Bàng) và một số xã thuộc huyện An Dương; cấp nước thô cho Nhà máy nước Vật Cách. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng biểu hiện rõ khi nguồn nước ở khu vực này xuất hiện có màu vàng đậm của ô-xít sắt; lắng đọng kết tủa dẫn đến hiện tượng đọng bùn đất ở hai bờ và đáy kênh.

Sông Đa Độ dài gần 50 km là hệ thống thủy nông lớn nhất Hải Phòng hiện nay. Ngoài cung cấp nước phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho các huyện An Lão, Kiến Thụy và các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn, qua hai nhà máy nước Sông He, Cầu Nguyệt. Mỗi năm, trên 7 triệu m 3 nước của dòng Đa Độ phục vụ sản xuất công nghiệp và dân sinh của thành phố. Tuy nhiên, hệ thống này cũng đang bị lấn chiếm bởi hơn 350 hộ dân hai bên bờ và nguồn nước bị ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Hiện chất lượng nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và có độ cứng cao, hàm lượng chất hữu cơ, dầu quá tiêu chuẩn cho phép, do nước thải đồng ruộng mang theo dư lượng hóa chất của thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm, do nước thải công nghiệp, đô thị và từ các hoạt động giao thông thủy gây ra. Năm 2010, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 5 doanh nghiệp sản xuất rau câu (chế biến aga từ tảo biển) và hạt nhựa tại khu vực Quán Rẽ (xã Mỹ Đức, huyện An Lão) trong quá trình sản xuất thải các hóa chất tẩy rửa, chế biến rau câu và hạt nhựa không qua hệ thống xử lý ra thẳng sông Đa Độ, gây ô nhiễm nguồn nước thô cung ứng cho các nhà máy nước. Ngoài ra, dọc tuyến sông này, hiện có hàng chục nghĩa trang, bãi rác ven sông thải chất thải độc hại ra khu vực lòng sông. Qua quan trắc môi trường của cơ quan chức năng, một số chỉ tiêu môi trường ở sông Đa Độ vượt ngưỡng cho phép. Điển hình là chỉ tiêu vi khuẩn coliform vượt ngưỡng cho phép gần 5 lần; hay chỉ tiêu về độ ôxy hóa vượt ngưỡng cho phép 8-9 lần.

Sông Giá (Thủy Nguyên) dài 19 km, hiện được đánh giá là sông có chất lượng nước tốt nhất và sạch nhất Hải Phòng. Tuy nhiên, nỗi lo mới xuất hiện khi trong quá trình thi công xây dựng dự án tổ hợp Resort Sông Giá có tình trạng đất đá, dầu mỡ của xe vận chuyển vật liệu bị rơi, vãi xuống sông, nhất là khi mưa xuống, rất nhiều bùn, đất, đá… trôi xuống sông. Bên cạnh đó, việc chăm sóc cỏ sân gôn sử dụng không ít hóa chất. Nếu doanh nghiệp không có phương án thu gom, xử lý nước thải hiệu quả, mức độ ảnh hưởng sông Giá là rất lớn. Cùng với đó là tình trạng một số địa phương ven sông hình thành bãi rác ven sông Giá, gây ô nhiễm nguồn nước…

Vân Khánh