Việc chọn rượu để làm rượu thuốc phải tuân thủ theo các nguyên tắc: Phải là rượu mạnh, tối thiểu là 45 độ cồn, vì nếu độ cồn thấp hơn sẽ không thể chiết suất được các vị thuốc. Không dùng rượu mới nấu để ngâm thuốc vì chất aldehid còn cao, có thể gây độc.
Trong các loại rượu thuốc, nổi tiếng nhất vẫn là các loại rượu ngâm với những con vật biểu trưng cho sức mạnh cơ bắp và sinh lực như hổ, rắn, bìm bịp, tắc kè... Có thể kể ra đây một số loại rượu tiêu biểu:
Rượu rắn: Rắn càng độc càng quý, như hổ mang, cạp nong, cạp nia... Theo Bản thảo cương mục, rắn có tác dụng vào can và thận, vì thế, ăn rắn và uống rượu rắn sẽ trị phong thấp, đau xương và rút gân. Mật rắn quí vì bao nhiêu tinh chất của rắn cô đọng trong túi mật.
Rượu bìm bịp: Đây là một rượu quí vì trị nhức mỏi và cứng gân cốt. Dân quê thường đến tổ bìm bịp mới sinh con, bẻ gẫy chân những bìm bịp non, sau đó rình cho mẹ chúng tha những cây thuốc về trị bệnh để bắt chim non về ngâm rượu, vì cho rằng trong con bìm bịp non đó chứa những cây thuốc có đặc tính tiếp cốt thần kỳ được bìm bịp mẹ mớm cho.
Ruợu ngâm dạ dày nhím: Nhím là loài hay bới đào để ăn rễ những cây thuốc mọc sâu dưới đất, nên bao tử ngâm rượu được cho rằng rất tốt. Thịt của nhím chồn tiêu cổ trướng (bụng báng nước), trị nhiệt phong; còn da nhím chuột (nhím gai) trị được trùng bệnh trĩ, đau lưng, đau bụng không có nguyên nhân.
Ruợu nhung: Nhung là gạc non của hươu, có màu đen xám hay vàng mơ, nếu mọc vào tiết Hạ chí thì gọi là mê nhung, bổ phần âm huyết; còn mọc vào tiết Đông chí thì gọi là lộc nhung, bổ phần dương khí. Mê nhung thường lớn hơn lộc nhung. Nhung tư âm bổ thận, chữa bệnh âm hư lao tổn và những chứng thuộc phần huyết hoặc gân xương lưng gối đau nhức.
Rượu hổ cốt: Đây là loại rượu có thể chữa đau trong ống chân, nhức các khớp xương và chữa thận, bàng quang lạnh. Ngoài xương hổ, để rượu thêm bổ, người ta còn ngâm thêm nhân sâm, lộc nhung, xạ hương, hồng hoa, mộc qua, nguyên hoạt, ngưu tất...
Rượu rùa: Con rùa có thể sống đến 500 năm, nhịn đói 2 tháng cũng không chết, vì thế rượu rùa được coi là bài thuốc giúp trường thọ. Thịt rùa hòa lẫn với men, rồi ủ cho thành rượu có thể chữa chứng ho lâu năm, chứng phong co quắp tay chân hay bại liệt. Mu rùa chữa khỏi bệnh trĩ và thóp trẻ con không liền.
Rượu tắc kè: Muốn rượu có công hiệu phải ngâm tắc kè còn nguyên đuôi, nếu có cả con đực và con cái đang dính chặt với nhau thì càng tốt. Tắc kè vị mặn, tính bình, hơi độc, công dụng trị hư lao, ho lao, ho ra máu, hen suyễn, tiêu khát (tiểu đường), suy nhược thần kinh, liệt dương, di mộng tinh, suy giảm khả năng tình dục...
Khi dùng bỏ mắt và kỳ trên sống lưng, tẩm rượu nướng khô mới dùng. Khi ngâm tắc kè bao giờ người ta cũng ngâm thêm với một số vị thuốc khác. Tuỳ từng vị thuốc sẽ cho công dụng khác nhau.
Điều cần lưu ý là các loại rượu tắc kè nói trên nhìn chung đều có tính ôn ấm để trợ dương và bổ khí, cho nên những người tăng huyết áp hoặc đang mắc các bệnh ngoại cảm phát sốt thì không nên sử dụng.
Anh Kiên (tổng hợp)