Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Đó là phong trào “Ngày chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” – phong trào mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng và biểu dương tinh thần hành động vì môi trường của người dân Thừa Thiên - Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ về niềm vui này.
Để biểu dương tinh thần hành động vì môi trường của người dân Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng và biểu dương sự nỗ lực sáng tạo của Đảng bộ, Chính phủ và nhân dân Thừa Thiên - Huế. Ông có thể cho biết cảm xúc và suy nghĩ của mình khi đọc bức thư này?
Trong quá trình hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa, Thừa Thiên - Huế đã chủ động để triển khai nhiều phong trào, trong đó nổi lên là phong trào “Ngày chủ nhật xanh – Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng” đã huy động được sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của chúng tôi là làm thay đổi nhận thức của người dân cũng như hành động để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và đặc biệt là phải: “Nói không với túi nilon và vật liệu nhựa sử dụng một lần”. Chúng tôi đã triển khai với quyết tâm cao, được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được nhiều bạn trẻ, người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện sôi nổi, rộng khắp, góp phần làm cho Huế đẹp hơn, thơ mộng hơn trong một không gian xanh - sạch - sáng.
Chính vì vậy, Thừa Thiên - Huế rất vui mừng khi được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, động viên sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế trong phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Đây là lời động viên hết sức quý báu để cho Thừa Thiên - Huế ngày càng quyết tâm tiếp tục triển khai có chiều sâu, lan tỏa thêm nữa không chỉ trên địa bàn Thừa Thiên -Huế mà còn trên phạm vi quốc gia, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường.
Người dân Huế đã hành động và thay đổi hành động ra sao sau khi phong trào được lan tỏa, nhân rộng?
Phong trào Ngày Chủ nhật xanh được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát động ngày 20/1/2019. Tại Thừa Thiên - Huế, phong trào đã được hưởng ứng và triển khai sâu rộng tại tất cả các địa phương, từ huyện A Lưới miền núi xa xôi đến những huyện vùng biển như Phú Lộc, mọi người dân, tất cả các lứa tuổi từ các cụ già đến các cháu thiếu nhi, từ các chiến sĩ lực lượng vũ trang đến các giáo viên đều tham gia phong trào một cách tích cực.
Phong trào đã và đang lan tỏa sâu rộng từ thành thị đến nông thôn với nhiều cách làm hay, như phong trào phụ nữ sạch nhà đẹp ngõ; xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ "vớt rác trên sông Hương"; tổ chức các hội thi làm thùng rác thân thiện trong học sinh, sáng tạo túi giấy và các vật liệu thân thiện môi trường để thay thế túi nilon; phụ nữ ở Hương Trà dùng giỏ đi chợ để hạn chế túi nilon; tiểu thương chợ Đông Ba đang dần quay trở lại với việc gói hàng bằng lá chuối, lá vả, lá sen...
Tất cả người dân đều hiểu và hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ cho cuộc sống của chúng ta và của con em chúng ta, mà bắt đầu bằng những hành động cụ thể là vệ sinh môi trường sống chung quanh chúng ta.
Để Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường”, Huế sẽ hành động như thế nào để phong trào đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả?
Chúng tôi xác định đây là phong trào lâu dài, không có chuyện “đánh trống, bỏ dùi”. Chúng tôi yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị phải có vai trò tiên phong, gương mẫu. Vai trò làm gương của người đứng đầu không phải làm thay cho người dân, mà đó phải là tấm gương tốt để người dân học và làm theo. “Ngày Chủ nhật xanh” là biểu tượng cần phải hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh, sạch, sáng. Vấn đề cốt lõi vẫn là thay đổi nhận thức, thay đổi hành động của người dân trong bảo vệ môi trường. Đến khi nào người dân đều có ý thức về nhặt rác, không sử dụng túi nilon… thì lúc đó phong trào mới thực sự đi vào cuộc sống.
Có thể nói, chưa bao giờ người dân Huế lại đồng lòng và hưởng ứng với chính quyền mạnh mẽ như vậy trong một phong trào do chính quyền phát động. Lý do là bởi chính ngay người dân Huế cũng đang mong muốn cần một "cú hích" để thay đổi, để hành động.
Vì họ nhận ra rằng, mặc dù là vùng đất cố đô một thời vàng son, xứ sở văn hóa, nhưng do trải qua nhiều biến động lịch sử và phát triển xã hội nên nếp sống văn hóa đặc trưng của người Huế ít nhiều phai nhạt, nhiều thói quen xấu đã trở thành phổ biến đến mức đáng hổ thẹn...
“Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn” – Tất cả người dân Huế đang cùng hành động để hun đúc khát vọng Huế, để Huế mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của tôi, của bạn và của mỗi người dù chưa một lần đến Huế.