Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19.
Quyết định này quy định về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19, bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe.
Quyết định nêu rõ, đối tượng áp dụng gồm: 1- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao quyền tự chủ tài chính năm 2021 theo quy định có tổng nguồn thu, bao gồm nguồn thu sự nghiệp và dự toán chi thường xuyên năm 2021 được ngân sách nhà nước cấp (nếu có) không đủ bảo đảm chi hoạt động thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19; 2- Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19.
Quyết định này không áp dụng đối với các cơ sở được thành lập để thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 gồm: bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19; bệnh viện điều trị COVID-19; bệnh viện hồi sức cấp cứu COVID-19; trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19.
Không hỗ trợ chi thường xuyên để chi thu nhập tăng thêm
Về nguyên tắc hỗ trợ, Quyết định nêu các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao quyền tự chủ tài chính năm 2021 theo quy định được xác định có tổng nguồn thu nhỏ hơn tổng chi hoạt động thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2021 thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên.
Không hỗ trợ chi thường xuyên để chi thu nhập tăng thêm và trích lập các Quỹ theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Quyết định nêu rõ số chênh lệch thu chi được xác định theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm tự chủ của một số bệnh viện.
Trường hợp đơn vị được ngân sách nhà nước thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thì đơn vị phải tổng hợp số được ngân sách nhà nước thanh toán vào số thu và số chi của đơn vị để xác định chênh lệch thu chi thường xuyên trong năm 2021.
Đối với các khoản chi phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 được ngân sách nhà nước thanh toán hoàn trả theo quy định tại Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị tổng hợp riêng, không tính vào số chi để xác định chênh lệch thu chi thường xuyên trong năm 2021.
Mức hỗ trợ chi thường xuyên năm 2021 là số được bổ sung dự toán bằng số chênh lệch thu nhỏ hơn chi thường xuyên năm 2021 của đơn vị sự nghiệp y tế công lập sau khi trừ đi số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn dư (nếu có) đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Thời gian thực hiện hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
Ngân sách trung ương hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý.
Ngân sách địa phương (bao gồm cả nguồn dự phòng, dự trữ và nguồn cải cách tiền lương còn dư) hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 thuộc địa phương quản lý.
Quyết định trên có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.
Ngày 9/7/2022, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 199/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.
Thông báo nêu rõ, tỉnh Bắc Giang thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời cũng nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, có vị trí địa lý thuận lợi, kết nối 2 vùng kinh tế: Đồng bằng Sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc; nằm trên 02 hành lang phát triển kinh tế: Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội và sát với vành đai phát triển kinh tế ven biển: Quảng Ninh - Thái Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa. Bắc Giang là tỉnh đất hẹp, người đông, có lợi thế về nguồn lực con người; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với hàng nghìn di tích văn hóa đã được xếp hạng, gắn với truyền thống văn hóa Kinh Bắc, chống giặc ngoại xâm, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tỉnh Bắc Giang có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi (có đường sắt, đường cao tốc, đường thủy nội địa, sân bay), tuyến đường bộ nối Bắc Giang - Quảng Ninh nếu được đầu tư xây dựng sẽ tạo lối đi ra biển thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Giang cũng là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; có vị trí quan trọng trong thế trận phòng thủ của khu vực phía Bắc và bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Bắc Giang có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và là cực tăng trưởng của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 7,82%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng (năm 2021 đạt 129.837 tỷ đồng, đứng thứ 15 toàn quốc). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 300 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2% so với năm 2020 và đã hình thành một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện; sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; thu ngân sách tăng nhanh nhưng cơ cấu thu thiếu bền vững và vẫn chưa tự cân đối được chi thường xuyên; tốc độ phát triển đô thị còn chậm so với cả nước. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu chưa nhiều; việc quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn, khoa học công nghệ cho nông dân, bảo quản, chế biến sau thu hoạch… còn hạn chế.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Tỉnh cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; vươn lên từ nội lực của mình, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người Bắc Giang, từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời của mình; khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phấn đấu đạt kết quả cao nhất và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng… phải có trọng tâm, trọng điểm; rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, làm việc nào dứt điểm việc đó; vấn đề càng khó, càng phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ và huy động trí tuệ tập thể.
Trong thời gian tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; vì vậy cần phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương; tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo nhưng phải bảo đảm khoa học, hiệu quả và khách quan. Những vấn đề chưa được dự báo thì phải phát hiện kịp thời, đưa ra giải pháp phù hợp, sáng tạo, thích ứng với tình hình.
Bắc Giang cần xây dựng cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội, tạo ra cơ hội mới, động lực và không gian phát triển mới cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt các nguồn lực xã hội; kết hợp hài hòa các mô hình: lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong huy động nguồn lực.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính đi đôi với phân bổ nguồn lực; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ; giải quyết các công việc, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân một cách có hệ thống, bài bản; làm việc có tâm và xem việc công như việc nhà mình.
Tập trung nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; chuyển từ giáo dục kiến thức đơn thuần sang kỹ năng, phẩm chất toàn diện của người học. Lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, làm động lực, làm mục tiêu cho sự phát triển và không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Trong thời gian tới, Tỉnh phải tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 theo phương châm chủ động, linh hoạt, thích ứng an toàn nhưng không được chủ quan, lơ là trong tổ chức thực hiện; tập trung, thần tốc, quyết liệt trong việc tổ chức tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho tất cả các đối tượng theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, nhất là các cháu học sinh đang nghỉ hè, bảo đảm an toàn, hiệu quả, khoa học, kịp thời; chú trọng công tác khám, chữa bệnh đối với lực lượng lao động; bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp và trường học; triển khai hiệu quả các hoạt động về quản lý môi trường y tế; bố trí nguồn lực phù hợp để đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Tập trung thực hiện tốt ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chú trọng công tác phát triển đào tạo, đào tạo lại và đào tạo mới nguồn nhân lực có chất lượng; thực hiện đúng quy hoạch hệ thống trường cao đẳng nghề; triển khai phân luồng học sinh trung học phổ thông hợp lý; tập trung phát triển hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa) theo thứ tự ưu tiên đầu tư hợp lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch; triển khai quy hoạch đã được phê duyệt một cách nghiêm túc, bài bản; quản lý tốt quy hoạch, đảm bảo tính ổn định, không thay đổi, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt, trừ các trường hợp được pháp luật cho phép.
Tỉnh phải triển khai tích cực, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục quan tâm xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân; đặc biệt quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế và giải quyết các chính sách xã hội tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển công nghiệp xanh, bền vững, bao trùm và đi đôi với việc giải quyết vấn đề môi trường; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Nâng cao hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư có chọn lọc, bền vững, xanh, sạch. Chú trọng đầu tư cho an sinh xã hội, hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm công trình nào dứt điểm công trình đó, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không manh mún, dàn trải, chia cắt; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thường xuyên nắm và quản lý tốt tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; tập trung đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm; không sơ hở, mất cảnh giác và không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 công bố danh mục cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng biển.
Theo danh mục, trong 34 cảng biển Việt Nam có 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
11 cảng biển loại I gồm: Cảng biển Quảng Ninh, Cảng biển Thanh hóa, Cảng biển Nghệ An, Cảng biển Hà Tĩnh, Cảng biển Đà Nẵng, Cảng biển Quảng Ngãi, Cảng biển Bình Định, Cảng biển Khánh Hòa, Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Cảng biển Đồng Nai, Cảng biển Cần Thơ.
7 cảng biển loại II gồm: Cảng biển Quảng Bình, Cảng biển Quảng Trị, Cảng biển Thừa Thiên Huế, Cảng biển Bình Thuận, Cảng biển Đồng Tháp, Cảng biển Hậu Giang và Cảng biển Trà Vinh.
Danh sách 14 cảng biển: Nam Định, Thái Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang là cảng biển loại III.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa phê duyệt Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục rà soát, chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của thông tin và số liệu; chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 806/QĐ-TTg ngày 9/7/2022 giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 432,78 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Phước để hỗ trợ người dân do mất mùa năm 2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.
UBND tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định./.