Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.
Vật liệu nổ công nghiệp phải được bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy
Về quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, Nghị định nêu rõ: Vật liệu nổ công nghiệp được bảo quản trên phương tiện vận chuyển, vị trí trung chuyển và tại khu vực nổ mìn phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Kho vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Chỉ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và dịch vụ nổ mìn được sử dụng, quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp. Việc đầu tư, xây dựng, mở rộng, cải tạo kho bảo quản vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp luật liên quan.
Nghị định cũng yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện:
a) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho vật liệu nổ công nghiệp;
b) Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho vật liệu nổ công nghiệp;
c) Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
d) Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập vật liệu nổ công nghiệp trong kho, phân loại vật liệu nổ công nghiệp không bảo đảm chất lượng theo quy định;
đ) Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho vật liệu nổ công nghiệp;
e) Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương án bảo đảm an ninh, trật tự và kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định;
g) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Kiểm soát điều kiện an toàn với người, phương tiện ra, vào khu vực kho tiền chất thuốc nổ
Về quản lý, bảo quản tiền chất thuốc nổ, Nghị định quy định: Tiền chất thuốc nổ phải được bảo quản tại vị trí, địa điểm đáp ứng yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Kho tiền chất thuốc nổ phải đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chống sét, kiểm soát tĩnh điện và bảo vệ môi trường theo quy định quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nghị định yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kho tiền chất thuốc nổ phải:
a) Xây dựng và ban hành nội quy, quy định về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với kho tiền chất thuốc nổ;
b) Bố trí lực lượng bảo vệ và tổ chức canh gác 24/24 giờ trong ngày, kiểm tra, kiểm soát điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với người, phương tiện ra, vào và làm việc trong khu vực kho tiền chất thuốc nổ;
c) Có biển cấm, biển báo, chỉ dẫn các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
d) Xây dựng và niêm yết quy trình sắp xếp, bảo quản, xuất, nhập trong kho, phân loại tiền chất thuốc nổ không bảo đảm chất lượng theo quy định;
đ) Không được bảo quản chung tiền chất thuốc nổ với các loại hóa chất có khả năng phản ứng với nhau hoặc có biện pháp chữa cháy khác nhau;
e) Nhận diện nguy cơ mất an toàn và đánh giá rủi ro liên quan đến kho tiền chất thuốc nổ;
g) Xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, phương án chữa cháy; phương án bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật;
h) Trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Nghị định 181/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch).
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, với 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Quy mô lập quy hoạch khoảng 3.359,84 km2. Thời hạn quy hoạch trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045; tầm nhìn đến năm 2065.
Xây dựng thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới
Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2065: Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2045: Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. Thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.
Về tính chất đô thị, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là nơi tập trung, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể; là Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng.
Đây cũng là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, hạnh phúc; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là một trong những trung tâm kinh tế - giao dịch - du lịch và thương mại của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.
Phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị
Quyết định nêu rõ, dự báo phát triển về dân số của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 dự kiến là 12 triệu người (trong đó thường trú khoảng 10,5 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt 65% - 70%. Đến năm 2045 là 14,6 triệu người (trong đó thường trú khoảng 13 triệu người); tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%.
Về sử dụng đất, đến năm 2030, đất xây dựng khoảng 148.000 - 150.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 89.000 - 90.000 ha (chiếm 26 - 27% diện tích toàn thành phố), đất xây dựng khu vực nông thôn khoảng 59.000 - 60.000 ha.
Đến năm 2045, đất xây dựng khoảng 198.000 - 200.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 124.000 - 125.000 ha (chiếm 37 - 38% diện tích toàn thành phố), đất xây dựng khu vực nông thôn khoảng 74.000 - 75.000 ha.
Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín.
Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm.
Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây.
Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
5 trục không gian quan trọng
Cấu trúc khung không gian theo các trục giao thông vành đai và hướng tâm: Kết nối đô thị trung tâm, các vùng đô thị và các đô thị vệ tinh thông qua các vành đai (vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5, cao tốc Tây Bắc...).
Các trục hướng tâm gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 1B; quốc lộ 2; quốc lộ 3; quốc lộ 5; quốc lộ 6; quốc lộ 32; trục Hà Đông - Xuân Mai; đại lộ Thăng Long; trục đường Tây Thăng Long; trục đường Hồ Tây - Ba Vì; đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình; trục kinh tế phía Nam; trục Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp...).
5 trục không gian quan trọng được định hướng gồm trục sông Hồng: kết hợp với sông Đuống, phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Thành phố sẽ phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.
Trục Hồ Tây - Ba Vì: kết hợp đồng bộ không gian Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, kết nối trung tâm Thủ đô với thành phố phía Tây và kết nối các tỉnh lân cận phía Tây, Tây Bắc, vùng miền núi và trung du phía Bắc.
Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối Hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa. Thành phố sẽ bố trí các công trình văn hóa, triển lãm, công trình biểu tượng dọc trục này, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa trở thành không gian lịch sử và văn hóa đặc sắc trong vùng đô thị phía Bắc.
Trục Nhật Tân - Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long - Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và thành phố phía Bắc.
Trục Nam Hà Nội phát triển mới gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, đồng bộ với trục quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc Tây Bắc và các tỉnh phía Nam, tạo không gian và động lực phát triển mới.
Phát triển cụm công nghiệp, làng nghề theo hướng cụm công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại
Về định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Quy hoạch nêu rõ: Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội gồm các khu cụm công nghiệp, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, công sở, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao..., tạo nền tảng cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển theo từng giai đoạn, tái sắp xếp không gian cơ sở hạ tầng theo mô hình tổ chức không gian đô thị và nông thôn. Dự trữ các không gian tại các khu vực đô thị mở rộng, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái để hình thành các trung tâm chức năng mới cho thành phố, quốc gia và thu hút các chức năng quốc tế.
Quy hoạch phát triển 23 khu công nghiệp (gồm 08 khu công nghiệp đang hoạt động, 02 khu công nghiệp đang trong triển khai, 13 khu công nghiệp quy hoạch mới), tổng diện tích khoảng 5.800 ha, dự trữ quỹ đất khoảng 800 ha tại khu vực huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Sóc Sơn phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp.
Phát triển cụm công nghiệp, làng nghề theo hướng cụm công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, gắn với khu vực có điều kiện hạ tầng thuận lợi. Chuyển đổi và di dời các khu cụm, làng nghề sản xuất gây ô nhiễm. Kiểm soát chặt các cụm công nghiệp, làng nghề nằm trong vùng hành lang xanh, đảm bảo tiêu chí phát triển mới được hình thành như: phải đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ; ngoài ra phải đáp ứng các yêu cầu khác về nhu cầu, đất đai, vệ sinh môi trường...; đối với việc hình thành các cụm công nghiệp sau giai đoạn 2030 cần được xem xét rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, tỷ lệ lấp đầy theo quy định.
Khu vực đô thị trung tâm, phát triển các khu thương mại - dịch vụ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; các tuyến phố thương mại văn minh, hiện đại; hình thành và mở rộng các tuyến phố đi bộ và phát triển mô hình kinh tế ban đêm gắn với hoạt động du lịch. Phát triển dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ hội chợ triển lãm thương mại và các dịch vụ khác; hình thành các trung tâm mua sắm, dịch vụ, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, mang tầm khu vực và thế giới. Hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ có chức năng đầu mối (chợ đầu mối, trung tâm logistics)...
Không gian du lịch Hà Nội gồm 04 cụm: (1) Cụm Trung tâm gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trung, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức; (2) Cụm phía Bắc gồm: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn gắn với thành phố trực thuộc Thủ đô phía Bắc sông Hồng; (3) Cụm phía Tây gồm: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ọuốc Oai, Chương Mỹ; (4) Cụm phía Nam gôm Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tăng cao dịch vụ du lịch của cả vùng.
Tổ chức không gian phát triển các hành lang du lịch, gồm: Hành lang du lịch dọc theo hành lang trục sông Hồng, sông Đuống; hành lang du lịch theo trục sông Đáy, sông Tích; hành lang du lịch theo sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Gắn với hành lang các tuyến sông phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, các loại hình sản xuất kết hợp du lịch và hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch.
Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm y tế lớn của cả nước
Về y tế, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm y tế lớn của cả nước, tập trung phát triển một số lĩnh vực trình độ công nghệ thế giới; gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Bố trí quỹ đất xây dựng các bệnh viện khoảng 650 - 700 ha.
Phát triển hệ thống bệnh viện chuyên khoa và các tổ hợp công trình y tế tại một số khu vực đô thị vệ tinh. Phát triển các trung tâm y tế khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tại các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn giải quyết vấn đề khám chữa bệnh cho địa phương sở tại. Bố trí quỹ đất cho các tổ hợp công trình y tế, cụm công trình y tế tại các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái phục vụ cho Thành phố và cấp vùng.
Nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế hiện có trong nội đô, khai thác phục vụ cộng đồng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; di chuyển các cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm, mức độ lây nhiễm cao ra khỏi nội đô. Dành quỹ đất cho các cơ sở nghiên cứu - đào tạo - khám chữa bệnh chất lượng cao...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1707/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), thành phố Cần Thơ.
Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), thành phố Cần Thơ; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ.
Quy mô diện tích của dự án là 540,58 ha. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Vĩnh Trinh và xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Vốn đầu tư của dự án là 7.850 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 1.177,5 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo dự án nằm trong phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch thành phố Cần Thơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai; được phân bổ đủ chỉ tiêu đất khu công nghiệp để thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; quản lý chặt chẽ phần diện tích còn lại (khoảng 65,72 ha) được quy hoạch là khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan, không được chuyển mục đích sử dụng của phần diện tích này sang mục đích khác khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án; bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định.
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan; thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phù hợp định hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1696/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở Tòa án nhân dân các cấp (giai đoạn 1).
Quyết định nêu rõ mục tiêu đầu tư nhằm sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các trụ sở Tòa án nhân dân đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ tốt hoạt động của Tòa án, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Theo đó, đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng trụ sở làm việc và các hạng mục phụ trợ các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tại 49 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm: 15 dự án trụ sở Tòa án nhân dân cấp tỉnh; 75 dự án trụ sở Tòa án nhân dân cấp huyện.
Đây là dự án nhóm A, được đầu tư theo hình thức đầu tư công. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.873 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn gồm vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hệ thống Tòa án nhân dân và nguồn vốn địa phương hỗ trợ. Thời gian thực hiện Dự án 06 năm dự kiến bắt đầu từ năm 2025.
Dự án được phân chia thành các dự án thành phần, nội dung cơ bản của từng dự án được chi tiết theo Phụ lục đính kèm Quyết định này.
Triển khai Dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí
Thủ tướng Chính phủ giao Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, cũng như các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Dự án.
Tổ chức việc giao chủ đầu tư để quản lý thực hiện các dự án thành phần. Chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật về xây dựng.
Nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 10626/BC-BKHĐT ngày 23 tháng 12 năm 2024; chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong quá trình lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và triển khai các dự án theo đúng quy định.
Đồng thời cân đối, bố trí đủ vốn để triển khai đầu tư các dự án thành phần và tổ chức triển khai dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Tòa án nhân dân tối cao rà soát, cân đối đủ vốn cho Dự án trong tổng mức vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định pháp luật.
Các Bộ Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp theo chức năng và nhiệm vụ của mình trong quá trình triển khai dự án.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án và chịu trách nhiệm: Bố trí cấp đất phù hợp với quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ khẩn trương tham gia ý kiến khi được đề nghị. Trong quá trình thực hiện dự án chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục: phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng; thỏa thuận đấu nối hạ tầng, điện, nước...; đánh giá tác động môi trường; thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ dự án... đảm bảo tiến độ của dự án. Cân đối nguồn ngân sách địa phương trong khả năng để đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp đất sạch và hỗ trợ kinh phí đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Ninh, thành phố Đà Nẵng.
Theo Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Ninh. Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm c khoản 2 Điều 68 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP).
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Quy mô diện tích của dự án 400,02 ha. Về vốn đầu tư của dự án, giao Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định tổng mức đầu tư của Dự án, đảm bảo phù hợp với quy mô sử dụng đất của Dự án và quy định của pháp luật về xây dựng.
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất. Dự án được thực hiện tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 42 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và các điều kiện áp dụng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án
Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Hòa Ninh để đảm bảo tỷ lệ đất giao thông trong cơ cấu sử dụng đất của dự án tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch.
Đồng thời thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 30 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (được sửa đổi tại điểm c khoản 2 Điều 68 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP). Trong đó, lưu ý nhà đầu tư được lựa chọn phải đảm bảo: Sử dụng vốn góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo Quyết định này; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Hòa Ninh được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Hòa Ninh đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Yêu cầu nhà đầu tư được lựa chọn: (i) trong quá trình triển khai dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản; (ii) tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo việc thực hiện dự án không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân xung quanh; (iii) phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1709/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng (giai đoạn 2), thành phố Hải Phòng.
Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng (giai đoạn 2), thành phố Hải Phòng; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần KCN quốc tế Hải Phòng.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo loại hình khu công nghiệp sinh thái. Quy mô diện tích của dự án là 197,16 ha; vốn đầu tư của dự án là 2.782,72 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 425 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án tại các xã An Hưng, An Hồng, Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm toàn diện về việc phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng (giai đoạn 2) phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật khác có liên quan về trình tự, thủ tục và các nội dung của quy hoạch.
Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện Dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án; bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 182 Luật Đất đai.
Trường hợp trong khu vực thực hiện dự án có tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không làm thất thoát tài sản nhà nước. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý (nếu có) cần đảm bảo đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP.
Giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Nomura – Hải Phòng (giai đoạn 2) đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Kiểm tra, xác định Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, việc sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án, việc đáp ứng đủ các điều kiện đối với tổ chức khi kinh doanh bất động sản theo quy định.
Công ty cổ phần KCN quốc tế Hải Phòng (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo quy hoạch, chủ trương đầu tư được phê duyệt; góp đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; sử dụng vốn góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án theo đúng cam kết và tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan; đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với tổ chức khi kinh doanh bất động sản./.