Bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trong đó quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đường thủy nội địa.
Trong đó, về bảo vệ môi trường trong đầu tư xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chủ dự án các công trình xây dựng, bảo trì, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, xác định và bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong tổng mức đầu tư của dự án; đưa biện pháp xử lý chất thải, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận vào thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và hồ sơ mời thầu, hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng của dự án.
Tổ chức quản lý, giám sát và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thi công xây dựng dự án theo quy định của pháp luật xây dựng và bảo vệ môi trường.
Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hợp đồng đã ký với chủ dự án.
Nhà thầu tư vấn quan trắc, giám sát môi trường phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường và chịu trách nhiệm trước chủ dự án, trước pháp luật về các thông tin, số liệu do mình tạo lập trong thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường.
Bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa
Nghị định cũng quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trong khai thác cảng, bến thủy nội địa. Theo đó, người quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa có trách nhiệm xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định đối với cảng thủy nội địa và bến thủy nội địa kinh doanh xăng dầu; bố trí nhân sự quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảng, bến.
Thu gom, xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện quan trắc định kỳ nước thải trước và sau khi xử lý theo yêu cầu trong hồ sơ được duyệt; lưu giữ số liệu quan trắc để phục vụ kiểm tra hoạt động của hệ thống xử lý nước thải.
Thu gom, phân loại, lưu giữ các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của cảng, bến để xử lý hoặc thuê tổ chức có chức năng xử lý chất thải để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Bố trí phương tiện, dụng cụ, thiết bị tại cảng, bến để tiếp nhận chất thải rắn thông thường từ phương tiện, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ; niêm yết, cung cấp danh sách tổ chức có chức năng xử lý chất thải nguy hại để tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại phát sinh từ phương tiện tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài, thủy phi cơ.
Giảm thiểu bụi và hạn chế tiếng ồn, độ rung gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động; bố trí cách ly và bảo đảm khoảng cách an toàn trong tiếp nhận, lưu kho hàng hóa nguy hiểm, hàng hóa dễ cháy nổ theo quy định.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi và phá dỡ phương tiện; bảo vệ môi trường đối với phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài hoạt động trên đường thủy nội địa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký các quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung, miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Cụ thể, tại Quyết định số 139/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 8, HĐND tỉnh - khóa X đã thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền. Ông Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã được giới thiệu để bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Kết quả, có 50/51 đại biểu tham dự kỳ họp bỏ phiếu bầu ông Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Lê Tuấn Phong, sinh năm 1974, quê quán xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Kỹ thuật xây dựng; lý luận chính trị: Cao cấp.
Ông Lê Tuấn Phong từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận; Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016 – 2021.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Ngọc Hai, để nghỉ hưu trước tuổi và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.
Theo quy định, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn và hỗ trợ vốn (hỗ trợ tài chính) cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ
Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Mục đích hoạt động của Quỹ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, giải mã công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính tài trợ hợp pháp, các khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tổ chức xét chọn nhiệm vụ, dự án để Quỹ hỗ trợ tài chính. Xây dựng quy định về hỗ trợ tài chính và quyết định mức hỗ trợ tài chính một cách minh bạch; thẩm định tài chính, kiểm tra, quản lý quá trình thực hiện nhiệm vụ, dự án và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, dự án được Quỹ hỗ trợ tài chính.
Đình chỉ việc hỗ trợ tài chính hoặc thu hồi kinh phí đã hỗ trợ khi phát hiện doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ, dự án vi phạm các quy định về sử dụng vốn của Quỹ; giải quyết các khiếu nại; khởi kiện đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm hợp đồng và cam kết với Quỹ theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ vốn đối với các nhiệm vụ do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Quỹ thông qua các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo đảm nguyên tắc ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí cho các nhiệm vụ, Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia trong trường hợp các nhiệm vụ, Chương trình này đã được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ trong cùng một thời điểm…
Cơ cấu tổ chức của Quỹ bao gồm: 1. Hội đồng quản lý Quỹ; 2. Kiểm soát viên; 3. Giám đốc Quỹ và bộ máy giúp việc.
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam như sau: Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300 ha tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; Khu công nghiệp Phú Bình với diện tích 675 ha tại xã Tân Hòa, xã Lương Phú và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 886/TTg-KTN ngày 12 tháng 6 năm 2014 không thay đổi.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 và khu công nghiệp Phú Bình; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; tuyệt đối không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.
Đồng thời, chịu trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên xem xét thông qua và quyết nghị việc điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp nêu trên trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Thái Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2018 và điều chỉnh bổ sung theo Nghị quyết số 187/NQ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2020 theo quy định của pháp luật về đất đai.
UBND tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tương ứng với chỉ tiêu diện tích đất khu công nghiệp được điều chỉnh tại văn bản số 1865/TTg-NN ngày 30 tháng 12 năm 2020 và vản bản số 1866/TTg-NN ngày 30 tháng 12 năm 2020. Chỉ đạo thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng khu công nghiệp phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật khác có liên quan.
Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân, người lao động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý thông tin VTV phản ánh về tín chỉ carbon rừng.
Ngày 22/1/2021, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phản ánh: Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon và tính theo giá 5 USD/tín chỉ, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Các chuyên gia cho rằng cần coi đây là tài nguyên mới, khai thác tốt tạo nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xử lý.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng giải quyết kiến nghị của các hộ dân khu Đầm Tôm, thành phố Hải Phòng liên quan đến việc thu hồi 14,2 ha đất tại phường Thành Tô, quận Hải An.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có Phiếu chuyển đơn ngày 12/1/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ kèm theo đơn của các hộ dân khu Đầm Tôm, Đông Xá, phường Thành Tô, quận Hải An, thành phố Hải Phòng kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thu hồi 14,2 ha đất tại phường Thành Tô, quận Hải An.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo như sau:
UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng kiểm tra, xử lý dứt điểm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng 14,2 ha đất tại phường Thành Tô, quận Hải An và xem xét, giải quyết kiến nghị của công dân theo quy định pháp luật; có văn bản trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết đến Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên; qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội DNNVV.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội.
Thông báo nêu rõ, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là rất lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, suy giảm thị trường tiêu thụ và dự báo sẽ vẫn chưa thể khắc phục ngay.
Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các Hiệp định thương mại vừa ký kết đang tạo ra cơ hội chưa bao giờ có nhưng cũng đi kèm rất nhiều thách thức và yêu cầu mới. Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên cần tập trung vào một số nội dung.
Cụ thể, đẩy mạnh phát triển tổ chức, phấn đấu 63/63 tỉnh, thành có tổ chức của Hiệp hội DNNVV; qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội DNNVV phải thực sự đại diện cho nguyện vọng của các thành viên Hiệp hội DNNVV, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; giữa các địa phương trên cả nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương phát động phong trào Khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đầy hoài bão.
Đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị công nghệ cao vào sản xuất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Phát huy vai trò là đại diện cho các DNNVV để phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng các cơ chế chính sách tốt, phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp hội viên; qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội DNNVV; đặc biệt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển.
Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về việc gửi Báo cáo tóm tắt đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" tới Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đề nghị đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ Di sản thế giới.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) tới Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào Danh sách dự kiến lập Hồ sơ di sản thế giới (thay cho Báo cáo tóm tắt Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang) đã được UNESCO đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Di sản Thế giới); bảo đảm thời gian theo quy định.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng Hồ sơ đề cử "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử" trình UNESCO xem xét, ghi vào Danh mục Di sản Thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có ý kiến về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2021 – 2030.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các cơ quan, nghiên cứu việc lồng ghép, bổ sung các nội dung cần thiết trong dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 vào Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; xác định nguồn lực phù hợp để bảo đảm tính khả thi của chính sách và bảo đảm không trùng lặp với các chương trình, kế hoạch hành động đang được thực hiện.
Về việc chuẩn bị cơ sở cho việc xây dựng dự án Luật BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các cơ quan liên quan để thực hiện cụ thể.
Việt Nam đã ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris về BĐKH. Để triển khai thực hiện Thỏa thuận này, Việt Nam đã cập nhật và gửi Ban thư ký Công ước khung liên hợp quốc về BĐKH nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam. Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH (NAP) giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg. NDC cập nhật của Việt Nam thể hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và thích ứng với BĐKH của quốc gia ở cấp chiến lược. Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH đề ra các nhiệm vụ chiến lược thích ứng với BĐKH thực hiện những cam kết đóng góp được nêu trong NDC cả về trung hạn và dài hạn.
Kế hoạch hành động sẽ tập trung triển khai thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK cụ thể, ưu tiên và cấp thiết ở ngắn hạn nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn đã được xác định trong NDC và NAP. Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030 cũng là định hướng cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương tiếp tục xây dựng và triển khai các hành động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK …/.