Thủ tướng đôn đốc triển khai nhiệm vụ cấp bách phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 290/CĐ-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp bách triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Công điện nêu rõ: Để bảo đảm triển khai quyết liệt, đồng bộ, phát huy ngay hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022 và Công điện số 252/CĐ-TTg ngày 16/3/2022 yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022.
Trong thời gian qua, các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tuy nhiên tiến độ thực hiện nhiều nhiệm vụ đến nay còn chậm, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra tại Chương trình. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, cơ quan chậm hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong tháng 3/2022 nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để tiếp tục chậm trễ.
Để bảo đảm phát huy ngay hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1- Các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ và văn bản sau để trình cấp có thẩm quyền chậm nhất trước ngày 10/4/2022:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương:
- Hoàn thiện danh mục nhiệm vụ, dự án và phương án bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 75/TB-VPCP ngày 17/3/2022, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công của Chương trình trong năm 2022-2023, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1971/VPCP-KTTH ngày 30/3/2022, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục, mức lãi suất cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương sửa đổi Thông tư số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 đối với các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai việc trang bị máy tính bảng theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em" từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
2- Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2022.
3- Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 11/NQ-CP; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng yêu cầu đề ra.
3 định hướng lớn phát triển Bình Phước
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 31/3/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Bình Phước là tỉnh đất đai màu mỡ, khí hậu hiền hòa và ít xảy ra bão lụt, "đất rộng, người thưa", người dân có truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường, thân thiện, yêu lao động; với nhiều di tích lịch sử như căn cứ cách mạng Tà Thiết, có địa danh Phú Riềng là một trong cái nôi của giai cấp công nhân phía nam.
Tỉnh còn là nơi sinh sống của đồng bào 41 dân tộc anh em; là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với TPHCM, vùng Đông Nam Bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Bình Phước hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hiện đại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.
Sau 25 năm tái lập tỉnh Bình Phước, diện mạo và tiềm lực kinh tế của Tỉnh có chuyển biến đáng kể, từng bước khẳng định vị thế trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, góp phần ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, con người của Tỉnh; kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng và chất lượng còn hạn chế. Phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hiệu quả sử dụng đất chưa cao; chưa xây dựng được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm lớn, chất lượng cao trong nước và quốc tế....
Các cấp chính quyền Bình Phước phải nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đoàn kết, đồng lòng hơn nữa
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, Tỉnh cần xác định những thách thức, khó khăn còn nhiều ở phía trước, từ đó để nâng cao nhận thức trong người dân, doanh nghiệp và nhất là các cấp chính quyền phải nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đoàn kết, đồng lòng hơn nữa để quyết tâm xây dựng tỉnh Bình Phước ngày càng phát triển xứng đáng với vị trí quan trọng của Vùng, với tiềm năng sẵn có của thiên nhiên và đặc biệt với tiềm năng về con người cần cù, thân thiện và truyền thống đoàn kết của người dân với lịch sử oai hùng được thử thách qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của Tỉnh trong sự phát triển chung của Vùng, không chỉ với Vùng Đông Nam Bộ mà còn kết nối với vùng Tây Nguyên, cửa ngõ cho các địa phương Tây Nguyên với Vùng Đông Nam Bộ, với TPHCM - cực tăng trưởng lớn của đất nước. Phấn đấu sớm đưa Bình Phước trở thành một động lực phát triển quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.
Cụ thể hóa chỉ đạo ba định hướng lớn: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; có giải pháp, kế hoạch thu hút tận dụng các nguồn lực cho phát triển và tập trung nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp... bảo đảm hiện đại, bền vững, hiệu quả, phát triển xanh; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thành dứt điểm, không dàn trải, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với trọng tâm là các đột phá chiến lược về: Hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đất đai, với quan điểm phát triển bền vững, đồng bộ, hiệu quả.
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trước mắt, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân theo yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.
Phát huy cao độ các lợi thế của Tỉnh
Nhiệm vụ, giải pháp khác là phát huy cao độ các lợi thế của Tỉnh về nguồn lực đất đai, vị trí địa lý trong Vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại-dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ.
Phát huy thế mạnh của Tỉnh để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khẩn trương rà soát các Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phân cấp, gửi bộ, ngành hướng dẫn thực hiện, bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định pháp luật theo chỉ đạo tại Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 26/1/2021 và Công văn số 1643/VPCP-QHĐP ngày 15/3/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Cùng với đó, chú trọng công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải các khó khăn, thách thức của địa phương, cần quy hoạch và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời phải bảo vệ môi trường.
Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; không ngừng cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chuyển đổi số, xã hội số, công dân số, kinh tế số.
Ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông vận tải
Cùng với nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ và đặc biệt là đường cao tốc. Cần tập trung ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề người lao động, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tỉnh. Quan tâm công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ gia đình nghèo không có khả năng lao động để thoát nghèo.
Đồng thời, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần mỗi người dân là một cột mốc.
Nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)
Về đề nghị nâng cấp mở rộng tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép, Thị Vải, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai chuẩn bị đầy đủ hồ sơ; giao Bộ Giao thông vận tải (Bộ cử một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp thực hiện) khẩn trương chủ trì, làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2022.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư Dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) trong giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Về đề nghị lập và bổ sung 1 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 200 ha vào Quy hoạch tổng thể các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương kiến nghị của Tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, trong đó có tích hợp nội dung đầu tư phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2022.
UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương xây dựng hồ sơ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo đúng quy định của Luật Công nghệ cao và pháp luật khác liên quan.
Tổ chức truyền thông chính sách tạo đồng thuận xã hội
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027".
Theo đó, năm 2022, hoàn thành việc quán triệt, hướng dẫn, tập huấn, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trên phạm vi toàn quốc; 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề án áp dụng với dự thảo chính sách có đủ 4 tiêu chí
Truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (dự thảo chính sách) là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.
Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin rộng rãi về nội dung của dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp, đúng quy định pháp luật đến đối tượng chịu sự tác động và toàn xã hội trên cơ sở tương tác, thông tin đa chiều; công khai, minh bạch nội dung tiếp thu, giải trình, dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm bám sát mục tiêu của Đề án.
Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau:
1- Là các chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
2- Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
3- Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách.
4- Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài các dự thảo chính sách được quy định nêu trên, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật căn cứ nội dung dự thảo chính sách hoặc dự thảo quy định, yêu cầu và điều kiện thực tiễn, chủ động thực hiện việc truyền thông các chính sách do mình tham mưu xây dựng hoặc trực tiếp ban hành.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2022 đến năm 2027.
Xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách ngắn gọn, dễ hiểu
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án là xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách. Cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động để đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương, Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách.
Nội dung truyền thông dự thảo chính sách gồm các vấn đề chủ yếu:
- Sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách.
- Nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau.
- Các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội (nếu có).
Linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách
Căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách.
Cụ thể, về truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy vai trò của cơ quan quản lý thông tin, báo chí trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, báo chí tham gia truyền thông dự thảo chính sách thông qua việc xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút khán, thính giả để truyền thông về dự thảo chính sách trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam và cơ quan thông tin, báo chí của các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương.
Bên cạnh đó, xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông phù hợp với từng đối tượng, địa bàn để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát huy đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ làm công tác thực tiễn và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến chính sách này tham gia đóng góp ý kiến.
Tổ chức truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, màn hình tại khu dân cư, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở và các hình thức phù hợp khác.
Thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách; Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, các ứng dụng phần mềm về phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thống nhất, liên thông, cập nhật, tăng cường tương tác với người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác.
Bổ sung 449 tỷ đồng chuẩn bị tổ chức SEA Games 31
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 1/4/2022 bổ sung 449 tỷ đồng để chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31.
Quyết định nêu rõ: Bổ sung 449 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao của ngân sách Trung ương năm 2022 để chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31, trong đó: Bổ sung cho 4 bộ, cơ quan Trung ương là 378,3 tỷ đồng; bổ sung cho TP. Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 70,7 tỷ đồng.
Các Bộ: Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, đúng chế độ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.
Ông Phạm Quang Hiệu đảm nhận Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 phân công Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.
Quyết định trên có hiệu lực từ 30/3/2022, thay thế nội dung phân công Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tại Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam./.