Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 4/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và Chủ tịch các Hội, Hiệp hội: Thủy sản Việt Nam, Cá ngừ Việt Nam, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản.
Công điện nêu: Sau 07 năm chống khai thác IUU, các ban, bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đến nay, qua 04 đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC), kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến, đạt được những kết quả cụ thể, được phía EC ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn nhiều mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt, chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của EC liên quan đến các nội dung về đăng ký, cấp Giấy phép khai thác thủy sản, xử lý tàu cá "03 không"; vi phạm quy định về lắp đặt và quản lý, vận hành thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do khâu tổ chức triển khai thực hiện tại một số địa phương; người đứng đầu tại một số nơi thiếu sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; một số lực lượng chức năng có tình trạng trục lợi, bao che, tiếp tay cho hành vi khai thác IUU… Một số địa phương, cơ quan, tổ chức và một bộ phân ngư dân chưa nhận thức đầy đủ việc thực hiện IUU là cơ hội để bảo vệ, phát triển nguồn lợi, đánh bắt thủy sản bền vững do đó mới chủ yếu tập trung thực hiện các giải pháp mang tính đối phó để gỡ thẻ vàng IUU. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của một số Bộ, ngành trung ương chưa làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước được giao, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và chưa có sự tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài liên quan đến chống khai thác IUU.
Để quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10 tháng 4 năm 2024, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2024, Thông báo kết luận số 403/TB-VPCP ngày 31 tháng 8 năm 2024 và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan; từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 5 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách sau:
1. Các Ban, Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức quán triệt, phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được để triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; kịp thời động viên, khen thưởng và kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm các trường hợp không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chủ động, phối hợp kịp thời giữa các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng trong công tác chia sẻ thông tin, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU. Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật trực thuộc trong tháng 11 mở đợt cao điểm đồng loạt triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý tàu cá "03 không", tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản trái phép, tàu cá đã xóa đăng ký nhưng vẫn còn hoạt động… Xử lý dứt điểm tàu cá "03 không" hoàn thành trước ngày 20 tháng 11 năm 2024.
Ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, rà soát, xác định các khu vực, các tàu cá thường xuyên vi phạm đánh bắt ở các vùng biển nước ngoài để tập trung lực lượng kiểm soát, ngăn chặn xử lý nhất là tại các tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Cà Mau (còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài); kiểm tra, điều tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, đề xuất bổ sung, hoàn thiện pháp luật, giải pháp kỹ thuật, các chính sách phù hợp để quản lý hiệu quả, thực chất.
Đảm bảo nguồn lực, kinh phí, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5; không để bị động, bất ngờ ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của cả nước.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tiếp tục nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15 tháng 12 năm 2024.
- Chủ trì với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị, gắn thiết bị kết nối trên các tàu cá để đảm bảo chất lượng và phòng ngừa các hành vi tháo gỡ, tắt thiết bị giám sát sát hành trình tàu cá.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin quản lý nghề cá, cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase), hệ thống giám sát tàu cá (VMS), ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích, theo dõi, giám sát, xử phạt hành vi khai thác IUU; hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) khai báo, cập nhật sản lượng, nguồn gốc thủy sản khai thác, quản lý lao động nghề cá… theo quy định; đảm bảo dữ liệu kết nối đồng bộ, thống nhất, liên thông từ trung ương đến địa phương và giữa các lực lượng chức năng; phát triển các ứng dụng (app) để ngư dân cập nhật, khai báo nguồn gốc thủy sản đánh bắt và phục vụ phân tích; các ứng dụng để phân tích xác định các tàu thường xuyên vi phạm, gửi thiết bị,... khoanh vùng tăng cường kiểm soát.
- Kiện toàn hệ thống kiểm ngư từ trung ương đến địa phương, đảm bảo đủ nguồn lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển thuỷ sản bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thiết lập cơ sở chỉ huy chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến các chi cục Kiểm ngư Vùng và Kiểm ngư địa phương 28 tỉnh, thành phố ven biển.
- Chủ trì, phối hợp với các địa phương sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét các dự án đầu tư, nâng cấp các cảng cá trọng điểm, phục vụ cho công tác thu mua, xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; triển khai thực hiện có kết quả Quy hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển bền vững ngành thủy sản theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW.
- Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, xử lý tàu cá "03 không", đảm bảo hoàn thành trước ngày 20 tháng 11 năm 2024; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
3. Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với kiểm ngư và các lực lượng chấp pháp trên biển tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước thường xuyên có tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp; nghiên cứu triển khai việc hỗ trợ sửa chữa, cung cấp thiết bị giám sát sát hành trình tàu cá (VMS) thay thế trong trường hợp bị hỏng trên biển. Chỉ đạo lực lượng biên phòng kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện xuất, nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản.
4. Bộ Công an: Tập trung chỉ đạo công an các lực lượng và công an 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển kiểm soát tình trạng tàu cá mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, tàu cá "03 không", tàu cá, ngư dân địa phương khác hoạt động trên địa bàn quản lý không theo quy định pháp luật; tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm khai thác IUU, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, các hành vi vi phạm ngắt, gửi thiết bị VMS và các hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 6 năm 2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tích hợp định danh tàu cá, thuyền trưởng, công dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để theo dõi, quản lý tàu cá.
5. Bộ Ngoại giao: Chỉ đạo Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các nước có liên quan tăng cường hợp tác với nước sở tại trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam, cung cấp kịp thời cho lực lượng chức năng trong nước để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác song phương về chống khai thác IUU với các nước bắt giữ, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam; ký kết, thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam và các nước để xử lý các vấn đề liên quan đến tàu cá, ngư dân hai nước hoạt động trên biển.
6. Bộ Tài chính: Tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí cho các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" theo quy định.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và nguồn vốn khác theo quy định để triển khai thực hiện Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển bền vững ngành thủy sản theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 32-CT/TW.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết bị VMS để đảm bảo chất lượng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo tín hiệu kết nối VMS theo dõi, quản lý hoạt động tàu cá. Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xác minh, xử lý nghiêm các đơn vị cung cấp dịch vụ không đảm bảo theo quy định.
9. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của địa phương mình. Cụ thể:
- Phân công 01 đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra thực tế công tác chống khai thác IUU tại cơ sở; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế.
- Khẩn trương tổng rà soát, phân loại đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá "03 không", tàu cá mua bán, chuyển nhượng chưa sang tên, đổi chủ; tàu cá còn hoạt động hay không còn hoạt động, đã xóa đăng ký, tàu cá địa phương đang hoạt động ở tỉnh khác…; đảm bảo nắm rõ thực trạng, quản lý chặt chẽ; cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); hoàn thành trước ngày 20 tháng 11 năm 2024.
- Rà soát, điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi ngắt, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài… từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 đến nay; đảm bảo có số liệu chứng minh cụ thể; trong tháng 11 năm 2024 hoàn thành, báo cáo kết quả thực hiện cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU để kịp thời, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
- Tập trung cao điểm nguồn lực, tăng cường các lực lượng công an, biên phòng phối hợp với chính quyền cơ sở (xã/phường/thị trấn) tăng cường công tác nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm, tuyên truyền vận động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa tàu cá, ngư dân có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chia sẻ dữ liệu, kiểm soát hoạt động tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, tàu cá tham gia hoạt động khai thác trên biển, giám sát sản lượng thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý trách nhiệm Ban quản lý cảng cá, Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá để tàu cá vi phạm khai thác IUU ra vào cảng, bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác mà không xác minh, xử lý theo quy định.
- Tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT) để đảm bảo tính minh bạch, hợp pháp trong xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiên quyết xử lý hành vi hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
- Rà soát, đề xuất dự án đầu tư cho các cảng cá trọng điểm phục vụ cho công tác xác nhận, truy xuất nguồn gốc, chống khai thác IUU. Ưu tiên bố trí nguồn lực (nhân lực, kinh phí, trang thiết bị…) cho các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; điều động, bố trí cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn nghiệp vụ để tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
10. Các Hội, Hiệp hội thủy sản và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản: Ban hành nội quy quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải tuân thủ quy định về chống khai thác IUU; nghiêm cấm hành vi thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác vi phạm IUU. Thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng nếu phát hiện ra các doanh nghiệp không tuân thủ quy định. Xây dựng chuỗi liên kết trong thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thủy sản khai thác gắn với từng đội tàu cá và sản phẩm thủy sản khai thác, đảm bảo ổn định giá cả, thị trường giúp ngư dân yên tâm sản xuất, không vi phạm IUU.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Công điện này.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 4/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch gồm: 1- Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; 2- Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; 3- Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị; 4- Phát triển các lĩnh vực xã hội; 5- Quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu; 6- Phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết vùng, nội vùng; 7- Phát triển hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; 8- Quốc phòng, an ninh; 9- Đánh giá thực hiện các mục tiêu quy hoạch.
Trong đó, vùng Đông Nam Bộ sẽ phát triển mạnh một số ngành công nghiệp: cơ khí chế tạo, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như: điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất rô bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, vaccine, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, tập trung phát triển các cụm liên kết ngành;
Phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng Đông Nam Bộ phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, hàm lượng giá trị gia tăng thấp sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Phát triển dịch vụ có chất lượng và có giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; công nghệ thông tin - viễn thông; khoa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế; du lịch; logistics.
Đồng thời, vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Ninh. Tập trung xây dựng Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững trên cơ sở áp dụng quy trình sản xuất an toàn. Phát triển, mở rộng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện hữu. Xây dựng mới một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ nhằm hình thành động lực phát triển các ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nông nghiệp; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; gắn với phát triển công nghiệp, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí và du lịch biển. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, vui chơi giải trí chất lượng cao.
Về hạ tầng, vùng Đông Nam Bộ ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là các dự án giao thông kết nối, các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối của khu vực; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; quan tâm phát triển giao thông đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các Khu du lịch, đặc biệt các địa điểm có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Cùng với đó, vùng Đông Nam Bộ nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh và kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh; thực hiện hiệu quả mô hình thành phố trực thuộc thành phố; phát triển các khu kinh tế gắn với các đô thị trọng điểm và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực. Nghiên cứu chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất, không phù hợp với quy hoạch. Tập trung xây dựng nhà ở để bảo đảm điều kiện sống cho người lao động có thu nhập thấp và lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Vùng Đông Nam Bộ hình thành 3 tiểu vùng đô thị trong đó: (1) Tiểu vùng trung tâm gồm các đô thị: Thành phố Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai); đô thị Bình Dương trên cơ sở cụm các đô thị gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và đô thị Bàu Bàng. (2) Tiểu vùng ven biển gồm các đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu); Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh); (3) Tiểu vùng phía Bắc gồm các đô thị: Đồng Xoài, Chơn Thành (Bình Phước); Trảng Bàng (Tây Ninh)./.