Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 4/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Chỉ thị nêu rõ, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao và ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 và Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Để đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big data), Chuỗi khối (Blockchain) cho phát triển đất nước trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tích cực tổ chức triển khai Chiến lược và Chương trình nêu trên.
Khẩn trương ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn (hoàn thành trong Quý I/2025); rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với người học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trong và ngoài nước (hoàn thành trong Quý IV/2025).
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp.
Khẩn trương hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án, chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.
Tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi chuyên gia, giảng viên chuyên môn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi ở các cơ sở giáo dục đại học.
Đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.
Dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ số cốt lõi đến năm 2030 làm cơ sở cho việc đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học (hoàn thành trong Quý IV năm 2025).
Xây dựng nền tảng, công cụ dùng chung phục vụ đào tạo chuyên gia thiết kế, phát triển chip bán dẫn (hoàn thành trong Quý IV năm 2025).
Tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi
Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ về các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi (hoàn thành trong Quý I năm 2025).
Tăng cường hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ gắn với đào tạo nhân lực trình độ cao để hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ và các dự án khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng phát triển trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.
Ưu tiên bố trí các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi gắn với đào tạo nhân lực tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp.
Ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ đào tạo, nghiên cứu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư các phòng thí nghiệm bán dẫn phục vụ đào tạo, nghiên cứu theo giai đoạn phù hợp với nhu cầu của thị trường theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư, huy động nguồn lực, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, cơ chế dùng chung phòng thí nghiệm, thu hút nhân tài, chuyên gia, giảng viên để phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà trường, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, phát triển nguôn nhân lực, đặc biệt cho các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc nghiên cứu thành lập các đơn vị chuyên môn chuyên biệt (trường, khoa, bộ môn,...) để ưu tiên tập trung đào tạo và nghiên cứu về vi mạch bán dẫn và các công nghệ số cốt lõi (trong Quý IV/2024).
Huy động, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dự báo nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi trên địa bàn và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đến năm 2030 để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đẩy mạnh các giải pháp nhằm huy động, đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi; bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển nhân lực các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi của ngành và địa phương.
Tạo môi trường thuận lợi trong việc hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi và chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ số cốt lõi giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trên địa bàn và trong cả nước.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.
Quyết định phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3 (sau đây gọi chung là bão số 3) như sau:
I. Phân loại tài sản có
1- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc, lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước ngày 07 tháng 9 năm 2024 trong thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
2- Khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Mục I.1 còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3- Khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Mục I.1 quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc không còn số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
II. Mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro
1- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Mục I.1 như sau:
a- Căn cứ quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập số tiền dự phòng cụ thể đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo Mục I đối với khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ và theo kết quả phân loại nợ đối với dư nợ còn lại của khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
b- Căn cứ quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không áp dụng giữ nguyên nhóm nợ theo Mục I.
c- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung theo công thức sau:
Số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung = A - B.
Trong đó:
A: Số tiền dự phòng cụ thể phải trích theo Mục II.1.b;
B: Số tiền dự phòng cụ thể đã trích Mục II.1.a.
d- Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung được xác định theo Mục II.1.c là dương, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể như sau:
(i) Đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2024: Tối thiểu 35% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
(ii) Đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2025: Trích thêm để đạt tối thiểu 70% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Đối với các khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 trước ngày 01 tháng 01 năm 2025, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trích lập trong năm 2025 tối thiểu theo tỷ lệ tại điểm d (i) Mục này.
(iii) Đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2026: Trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Đối với các khoản nợ được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 trước ngày 01 tháng 01 năm 2026, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trích lập trong năm 2026 tối thiểu theo tỷ lệ tại điểm d (ii) Mục này.
2- Căn cứ quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng chung đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ được xác định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không áp dụng giữ nguyên nhóm nợ theo Mục I.
Quyết định cũng nêu rõ: Về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và các nội dung về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 không được nêu tại Quyết định này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 545/TB-VPCP ngày 4/12/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hạ tầng kết nối và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay Long Thành và vùng phụ cận.
Thông báo kết luận nêu rõ, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã 04 lần trực tiếp đến công trường kiểm tra, đôn đốc, có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành. Mặc dù có bước khởi động rất chậm so với tiến độ yêu cầu, đến nay Dự án đã đạt được rất nhiều tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng thi công cũng như an toàn lao động, trong đó có thể kể đến như: Đài kiểm soát không lưu của Dự án thành phần 2; Nhà ga hành khách và Đường cất hạ cánh của Dự án thành phần 3. Kết quả tích cực này cần được tiếp tục phát huy.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả tích cực nêu trên và đánh giá cao nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), các nhà thầu, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn và hơn 6.000 kỹ sư, công nhân, người lao động và đã huy động trên 2.000 thiết bị để thi công "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "làm việc 3 ca, 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương"; góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các công trình về đích vượt tiến độ đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Dự án vẫn còn không ít những tồn tại, vướng mắc và chậm chễ trong thực thi, đòi hỏi từng cơ quan, chủ thể, đơn vị có liên quan và cá nhân phải nghiêm túc quán triệt để nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, xử lý các khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định và thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp trên khi có vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền để quyết tâm cùng nhau hoàn thành Dự án trước 31 tháng 12 năm 2025.
Khẩn trương có giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ các dự án thành phần
Thủ tướng yêu cầu đối với một số công việc đang triển khai rất chậm, không đáp ứng yêu cầu cần có ngay giải pháp phù hợp, hiệu quả để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ:
Về Dự án thành phần 4, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh kế hoạch thực hiện Dự án cho phù hợp quy định và yêu cầu thực tế, trong đó lưu ý phải làm rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị và rõ người thực hiện, rõ sản phẩm, rõ thời hạn hoàn thành là ngày 31 tháng 12 năm 2025; làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phân công thực hiện và kiểm điểm trước 15 tháng 12 năm 2024.
Đối với dự án mở rộng đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành: Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu liên quan đến các khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, xử lý dứt điểm trước ngày 10 tháng 12 năm 2024 (trong đó lưu ý, để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, việc tăng vốn điều lệ của VEC cần được tính đến nhiều phương án, trong đó có phương án tăng vốn theo lộ trình nhiều bước phù hợp với yêu cầu thực tế, khả năng tiếp nhận quản lý, phương án tham gia tài chính của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC...); chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm việc tổ chức, cá nhân triển khai chậm trễ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Về công tác giải phóng mặt bằng: UBND tỉnh Đồng Nai cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến sân bay, đường cao tốc phục vụ khai thác sân bay phải thực hiện xong trong tháng 12 năm 2024, bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ dân.
Về đường cất hạ cánh thứ 2, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn tất các quy trình, thủ tục và hồ sơ theo quy định trong tháng 12 năm 2024 để có thể tiến hành khởi công ngày 01 tháng 01 năm 2025, không chậm chễ.
Nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất
Về một số dự án, công trình có tính kết nối với Sân bay Long Thành:
Tuyến giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu phương án giao thông kết nối bằng đường sắt hoặc tàu điện ngầm theo hướng tuyến ngắn nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2025.
Về các dự án tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh và nút giao An Phú: Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, VEC chịu trách nhiệm triển khai nhanh, khẩn trương hoàn thành các tuyến đường, bảo đảm tiến độ, chất lượng để khai thác đồng bộ với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngay sau khi đưa vào sử dụng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động, khẩn trương hoàn thành các dự án đường giao thông kết nối với sân bay Long Thành; nghiên cứu để triển khai các tuyến giao thông kết nối thẳng từ Hồ Tràm về sân bay Long Thành hoặc phương án nhanh nhất, ngắn nhất để phát triển khu vực Hồ Tràm hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Ban Quản lý Dự án cần rút kinh nghiệm thực tế, khẩn trương tổ chức lại thi công trên công trường, thi công nhịp nhàng, đồng thời nhiều vị trí theo nguyên tắc "cuốn chiếu"; xây dựng lại và hoàn thiện đường găng (gantt) tiến độ; đôn đốc, huy động tổng lực lượng của nhà thầu chính, các nhà thầu phụ, triển khai 24/24 giờ các công việc thực hiện bằng máy móc, thiết bị hiện đại; huy động thanh niên, quân đội, công an… làm công ích các công việc thực hiện bằng thủ công (giao Bộ trưởng, Thủ tưởng các cơ quan quốc phòng, công an, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…); khẩn trương vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhưng phải đảm bảo an toàn lao động trên công trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
Theo Quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng là khu kinh tế ven biển có quy mô diện tích 20.000 ha (trong đó khoảng 2.909 ha là đất lấn biển), nằm ở khu vực phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng; có toạ độ địa lý từ 20°35'50" đến 20°45'35" vĩ độ Bắc và từ 106°32'8" đến 106°49'15" độ kinh Đông.
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo mô hình tăng trưởng xanh
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng là khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, xây dựng và phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại; là động lực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của thành phố Hải Phòng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, trong đó có khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới; là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, có chức năng tương hỗ, kết nối với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.
Lộ trình, kế hoạch phát triển
Theo Quyết định, giai đoạn đến năm 2025: Tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế; các dự án cảng Nam Đồ Sơn, các dự án phát triển đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án giao thông đường bộ, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội khác.
Giai đoạn sau năm 2030: Triển khai các hạng mục đầu tư còn lại.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo liên quan đến Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; đảm bảo tính khả thi của phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xây dựng danh mục cụ thể các dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế, giao thông kết nối trong và ngoài Khu kinh tế.
UBND thành phố Hải Phòng đảm bảo hiệu quả - kinh tế xã hội của Khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững thông qua giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa các giải pháp, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong phương án bố trí không gian phát triển của Khu kinh tế; thực hiện cam kết trồng rừng thay thế, đảm bảo tính đa dạng và hệ sinh thái rừng ngập mặn; giám sát chặt chẽ việc lấn biển, hoạt động đầu tư xây dựng, xả thải vào môi trường trong Khu kinh tế theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường biển.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8924/VPCP-KGVX ngày 4/12/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xử lý thông tin phản ánh của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Báo cáo số 818/2024/TTĐT ngày 28/11/2024 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu thông tin phản ánh một số khó khăn, thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo hiện nay, trong đó có sự thiếu hợp lý trong quản lý nhà nước với khởi nghiệp sáng tạo, chẳng hạn như tình trạng một doanh nghiệp có đến 4 Bộ quản lý: Ngân hàng nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo phản ánh, mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có bộ chủ quản. Do đó, khi triển khai một sản phẩm, doanh nghiệp phải xử lý một quy trình "rất phức tạp", cũng như phải tuân thủ rất nhiều quy định vì mỗi Bộ có quy định khác nhau và cách thức xử lý khác nhau về sản phẩm...
Trước thông tin phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.