Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 27/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc.
Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em
Mục đích của Kế hoạch nhằm giúp các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương xác định rõ trách nhiệm thực hiện các Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (Ủy ban); tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm thực hiện quyền trẻ em một cách đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Kế hoạch yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện Khuyến nghị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, phối hợp; lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, chính sách về trẻ em; xác định trách nhiệm cụ thể, lộ trình thực hiện Khuyến nghị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình của bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; thường xuyên kiểm tra, đánh giá định kỳ việc thực hiện quyền trẻ em và thực hiện Khuyến nghị.
7 nhiệm vụ, giải pháp
Kế hoạch sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gồm:
1- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các Công ước, Điều ước quốc tế liên quan đến trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
2- Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiến thức và kỹ năng thực hiện quyền trẻ em.
3- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, người làm công tác bảo vệ trẻ em và liên quan đến công tác trẻ em ở các cấp, các ngành; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, triển khai các hoạt động, mô hình về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
4- Phát triển hệ thống dịch vụ bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
5- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quyền trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em. Xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu về trẻ em liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
6- Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách nhà nước theo quy định.
7- Tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để xây dựng kế hoạch, thời gian, lộ trình tổ chức thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Chủ động bố trí nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em thuộc trách nhiệm và thẩm quyền; đồng thời lồng ghép, tích hợp hiệu quả nhiệm vụ thực hiện Khuyến nghị trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt có liên quan; tập trung chỉ đạo, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình).
Mục đích của Chương trình nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh nhằm nâng cao năng lực tự phòng ngừa, tự bảo vệ của học sinh trước nguy cơ bị đuối nước; bảo đảm điều kiện và tổ chức hiệu quả việc dạy bơi an toàn cho học sinh để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi và biết kỹ năng phòng, chống đuối nước, góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh bị đuối nước.
Đến năm 2035, 90% học sinh được thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước
Chương trình phấn đấu đến năm 2030, 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh và đạt tỷ lệ 100% vào năm 2035.
Đến năm 2030, 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2035.
Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học có bể bơi
Đến năm 2035, tối thiểu 30% trường tiểu học, 25% trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có bể bơi (cố định hoặc di động) và duy trì hoạt động hiệu quả. 70% xã/phường/thị trấn có ít nhất một bể bơi để phục vụ việc dạy bơi an toàn cho trẻ em, học sinh trên địa bàn.
Đến năm 2030, mỗi trường có ít nhất 02 giáo viên được bồi dưỡng, cấp chứng nhận và có đầy đủ năng lực để tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh và đạt ít nhất 03 giáo viên vào năm 2035.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh; giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho học sinh; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc tổ chức dạy bơi an toàn trong trường học; đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người làm công tác y tế trường học; tăng cường phối hợp liên ngành giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân liên quan; xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết liên quan đến nhiệm vụ tổ chức giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho học sinh; ban hành chương trình, tài liệu, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá việc tổ chức dạy bơi an toàn cho học sinh; xây dựng tài liệu và hướng dẫn thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống đuối nước học sinh trong trường học...
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng công cụ và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình nếu cần thiết; tổ chức sơ kết Chương trình vào năm 2030 và tổng kết Chương trình vào năm 2035.
Ngày 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ có các Quyết định bổ nhiệm 3 Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng và 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bổ nhiệm 3 Trợ lý Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ
Cụ thể, tại Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ giữ chức Trợ lý đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Tại Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Lê Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ giữ chức Trợ lý đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.
Tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Đỗ Hoàng Minh, Vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao, biệt phái công tác tại Văn phòng Chính phủ, giúp việc Phó Thủ tướng Chính phủ giữ chức Trợ lý đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bổ nhiệm 2 Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
Tại Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm đồng chí Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 5 giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 6/1/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm đồng chí Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu 3 giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 6/1/2025 công nhận huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Triệu Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.