Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 442/TB-VPCP ngày 1/10/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi.
Thông báo nêu: Điện là yếu tố đầu vào nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Đầu tư phát triển ngành điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước; điện phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cả cho hiện tại và tương lai. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội nước ta có sự phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu tăng trưởng nguồn điện phải ở mức 10 - 12%/năm. Do đó, chúng ta cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch như điện gió ngoài khơi, điện khí để hướng tới mục tiêu Net Zezo vào năm 2050.
Đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW
Theo Quy hoạch điện VIII, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, lên đến 600.000 MW. Mục tiêu đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024) mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng: (i) Bắc Bộ: 2.500 MW; (ii) Trung Trung Bộ: 500 MW; (iii) Nam Trung Bộ: 2.000 MW; (iv) Nam Bộ: 1.000 MW. Kế hoạch chưa xác định dự án điện gió ngoài khơi cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.
Thời gian từ nay đến 2030 không còn nhiều, do đó việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi tại dự án cụ thể theo Thông báo kết luận 412/TB-VPCP của cuộc họp Thường thực Chính phủ ngày 12 tháng 9 năm 2024, báo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 10 năm 2024.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoàn thiện dự án Luật điện lực (sửa đổi) hoặc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất trong dự án một Luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội 15, tháng 10 năm 2024, củng cố hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi.
Kết luận Phiên họp thứ 3 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 443/TB-VPCP ngày 1/10/2024 kết luận Phiên họp thứ 3 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông vận tải và Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị Đề án bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kỹ lưỡng, công phu, bài bản. Về cơ bản thống nhất với lộ trình, tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/BCT của Bộ chính trị như đề xuất của hai Thành phố và Bộ Giao thông vận tải (đến năm 2035, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, với tổng chiều dài 580,8km).
Để bảo đảm chất lượng, tiến độ Đề án trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu tại cuộc họp và ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan để tiếp tục hoàn thiện các nội dung của Đề án, gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 05 tháng 10 năm 2024, trong đó tập trung làm rõ bối cảnh, tình hình triển khai, những vấn đề đặt ra và hướng xử lý của các dự án đường sắt đô thị trong quá trình xây dựng Đề án tại mỗi địa phương, nhất là về huy động nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù (Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sớm bổ sung ý kiến thống nhất của Thường trực Thành ủy).
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 trình Thường trực Chính phủ trước ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Trong quá trình rà soát, hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan lưu ý các vấn đề sau:
1- Về nội dung Đề án:
- Rà soát bổ sung làm rõ căn cứ xác định suất đầu tư của từng kilomet đường sắt đô thị (đi trên cao và đi ngầm); cơ sở lựa chọn công nghệ; khả năng làm chủ công nghệ, vận hành, khai thác (xác định cơ quan chủ trì tiếp nhận công nghệ, thiết bị, đầu máy, toa xe); nhu cầu và phương án đào tạo nhân lực...
- Rà soát, làm rõ phương án huy động nguồn vốn đầu tư; cơ chế, chính sách để huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác; đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc huy động vốn vay đối với sự an toàn, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Về mô hình tổ chức triển khai, quản lý các tuyến đường sắt đô thị: Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thống nhất với hai Thành phố để đề xuất mô hình phù hợp, hiệu quả.
- Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương sớm tổ chức quy hoạch không gian ngầm, trong đó có mạng lưới đường sắt đô thị ngầm để phục vụ cho công tác xây dựng Đề án và chuẩn bị đầu tư các dự án.
2- Về cơ chế đặc thù:
Hai Thành phố tập trung rà soát đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để phát triển đường sắt đô thị cho hai thành phố. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, cập nhật vào các cơ chế, chính sách đặc thù của Đề án cho phù hợp; trong đó lưu ý tổng hợp các cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 và cơ chế đặc thù của Thành phố Hà Nội theo Luật Thủ đô; các cơ chế, chính sách đặc thù đang được Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh trong Luật Đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
3- Đánh giá tác động nợ công:
- Trên cơ sở lộ trình, kế hoạch và nhu cầu vốn của các địa phương, đề nghị hai Thành phố báo cáo đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước và nợ công của thành phố và cung cấp thông tin, số liệu gửi Bộ Tài chính trước ngày 05 tháng 10 năm 2024.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tính toán, đánh giá tác động tổng hợp nợ công khi triển khai các dự án đầu tư (đường sắt đô thị của hai thành phố; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc: tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và các dự án khác...).
Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu cụ thể về hoàn thiện Hồ sơ và tiến độ trình Đề án.
Cụ thể, về hoàn thiện Hồ sơ trình: Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm đúng quy định Quy chế làm việc của Chính phủ và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bao gồm: Tờ trình Thường trực Chính phủ, dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị, Báo cáo chính, báo cáo tóm tắt Đề án; các phụ lục kèm theo.
Đối với hồ sơ trình Quốc hội:
- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội theo quy định, trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Giao Bộ Tư pháp thẩm định và đăng ký vào nội dung Chương trình của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV về việc ban hành Nghị quyết này.
Về tiến độ trình, Tổ công tác thống nhất chủ trương đẩy nhanh tiến độ trình các cấp có thẩm quyền xem xét Đề án. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất về thời gian trình các cấp có thẩm quyền (Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội), báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác trước ngày 05 tháng 10 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 444/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.
Thông báo kết luận nêu rõ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang:
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư lên 4 làn xe là cần thiết, phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (quy mô tối thiểu 04 làn xe) và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2024.
Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp tại cuộc họp, căn cứ Nghị quyết số 142/2024/QH15 và Khoản 3 Điều 104 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp thu ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án lên 4 làn xe, sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 để đầu tư mở rộng trước đoạn 22 km, đoạn còn lại sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; trong đó lưu ý tính toán phương án đầu tư phân kỳ các công trình để bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí khi đầu tư mở rộng. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chịu trách nhiệm về phạm vi, quy mô đầu tư phân kỳ, phù hợp với khả năng cân đối vốn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phù hợp với khả năng cân đối vốn và quy định của pháp luật; Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về các vấn đề kỹ thuật, phân kỳ đầu tư, bảo đảm thông tuyến vào năm 2025.
Đối với Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang:
Tại Phiên họp lần thứ 14 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Thông báo số 432/TB-VPCP ngày 24 tháng 9 năm 2024), Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang tiếp tục triển khai dự án Tuyên Quang - Hà Giang theo quy mô đã phê duyệt; chuẩn bị ngay việc lập dự án mở rộng lên quy mô hoàn chỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Tỉnh Hà Giang rà soát ngân sách để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn về nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền về áp dụng cơ chế đặc thù thủ tục khai thác vật liệu xây dựng cho Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng thống nhất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các cơ quan liên quan rà soát các thủ tục cần thiết để giao Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ quản triển khai đầu tư mở rộng (giai đoạn 2) các dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua địa bàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang lấy kinh nghiệm trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19 và xây dựng đường dây 500KV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối trong thời gian qua để chỉ đạo triển khai thi công với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm không bàn lùi"; xây dựng chi tiết đường găng tiến độ để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chính phủ đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) là dự án giao thông nhóm A, nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư.
Dự án có tổng chiều dài 104,5 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang; điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với Quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang); điểm cuối tại xã Tân Quang (Bắc Quang). Trên địa phận tỉnh Hà Giang, điểm đầu nối tiếp tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang); điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang (Bắc Quang).
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 445/TB-VPCP ngày 1/10/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao vai trò và đóng góp của các ngân hàng thương mại cổ phần; khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn luôn quan tâm, đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần... Tin tưởng rằng trong thời gian tới các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng, phát huy tốt vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế, tuân thủ các quy định pháp luật, để cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua hệ thống ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần còn những khó khăn, hạn chế: Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng; sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp; thị trường bất động sản chậm phục hồi; áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung dài hạn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp; tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…
4 bài học kinh nghiệm
Thường trực Chính phủ nêu 4 bài học kinh nghiệm: (i) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hệ thống các tổ chức tín dụng cần phải bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong, ngoài nước để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, không bị động, chủ quan, lơ là;
(ii) Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần phải hoạt động tuân thủ theo pháp luật, đồng thời tích cực tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật khách quan (quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh);
(iii) Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần luôn đồng hành, chia sẻ, thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp, người dân, cùng với doanh nghiệp tiếp thu góp ý của Nhân dân để đưa ra các giải pháp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trên tinh thần "cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển", với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", nhất là trong bối cảnh hiện nay tiếp tục tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm lãi suất cho vay, thiết kế gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp và người dân tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…;
(iv) Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được Chính phủ giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao.
Quán triệt phương châm 6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá
Trong thời gian tới, tình hình chung là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, đòi hỏi tất cả chúng ta phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, tự hào dân tộc. Quán triệt và thực hiện phương châm:
- "6 tăng" gồm: (i) Tăng năng lực của các tổ chức tín dụng, trong đó có các ngân hàng thương mại cổ phần; (ii) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới; (iii) Tăng cường tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; (iv) Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, thị trường tài chính; (v) Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và cương quyết chống tín dụng đen, sở hữu chéo; (vi) Tăng cường giám sát, kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống ngân hàng.
- "6 giảm" gồm: (i) Giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý; (ii) Giảm chi phí giao dịch, hoạt động; (iii) Giảm thủ tục hành chính; (iv) Giảm phiền hà, sách nhiễu, tư vấn tiêu cực; (v) Giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, sở hữu chéo, "sân sau"; (vi) Giảm nợ xấu.
- "6 tăng tốc, bứt phá" gồm: (i) Tăng tốc, bứt phá về số hóa; (ii) Tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; (iii) Tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngân hàng; (iv) Tăng tốc, bứt phá về hạ tầng ngân hàng; (v) Tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát; (vi) Tăng tốc, bứt phá về vươn ra thị trường quốc tế.
Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ
Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
Trước mắt, triển khai ngay các nhiệm vụ sau để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ: (i) Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời, chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ theo quy định của pháp luật; (ii) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra; (iii) Xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong tháng 9 năm 2024 đối với kiến nghị của các ngân hàng thương mại cổ phần tại cuộc họp về việc sửa đổi, ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và cho cả giai đoạn trong các Chiến lược, Đề án (như Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025…). Theo dõi, giám sát chặt chẽ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, quyết liệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 đã đề ra; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, điều hành hợp lý, hiệu quả hạn mức tăng trưởng tín dụng minh bạch, hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng; chủ động rà soát các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách có ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vướng ở cấp nào thì tháo gỡ ngay ở cấp đó.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng và chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần kịp thời có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để kết hợp đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nghiên cứu ý kiến các đại biểu tại Hội nghị, rà soát, đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực, báo cáo Chính phủ trước ngày 25 tháng 9 năm 2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30 tháng 9 năm 2024 theo quy định.
Phấn đấu cuối năm 2025, Việt Nam có 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á
Các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể đối với ngân hàng thương mại cổ phần tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cần có khát vọng, niềm tin và tự tin phát triển. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Việt Nam có ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực Châu Á.
Chủ động rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan nắm bắt đầy đủ, chính xác thông tin về khách hàng vay vốn để tổng hợp thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) nhằm kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tích cực tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội với tinh thần "tình dân tộc, nghĩa đồng bào"; chủ động thực hiện theo thẩm quyền và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc triển khai Chương trình tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng; nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động cấp tín dụng.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó: Các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vốn điều lệ hoặc tỷ lệ an toàn vốn chưa đạt mục tiêu tại Đề án 689 phải xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng vốn phù hợp; các ngân hàng thương mại cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán tích cực xây dựng, thực hiện kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước.
Tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, tiếp tục phát triển, hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng đến công chúng.
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bộ Tài chính nghiên cứu ý kiến các đại biểu tại Hội nghị, rà soát, đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng về việc xử phạt hành chính về thuế và tiền chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng (L/C), báo cáo Chính phủ trước ngày 25 tháng 9 năm 2024 để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 30 tháng 9 năm 2024 theo quy định.
Xử lý ngay vướng mắc thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, phát triển nhà ở xã hội; xử lý ngay những vướng mắc, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhất là thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ, minh bạch nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hoá
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hoá, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hoá. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hoá, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá sản xuất trong nước; có biện pháp hàng rào kỹ thuật theo quy định để bảo vệ, khuyến khích phát triển sản xuất và tiệu thụ hàng hóa trong nước.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, qua đó thúc đẩy xuất khẩu bền vững; rà soát, xử lý tồn đọng tại các dự án sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn để các dự án sớm đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hoá cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, nhất là năng lượng.
Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thao túng thị trường
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan: không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự; động viên, khuyến khích các ngân hàng thương mại làm tốt, chấp hành nghiêm chính sách pháp luật, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân tiếp tay cho kinh doanh trái phép, hàng giả, hàng nhái, găm hàng đội giá, thao túng thị trường nhất là thị trường vàng và bất động sản… và các tiêu cực, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Các Bộ, ngành liên quan khác (Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ...) theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hệ thống các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Thường trực Chính phủ giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thường xuyên lắng nghe ý kiến góp ý xây dựng của hệ thống các tổ chức tín dụng và kịp thời xử lý vướng mắc, góp phần phát triển hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh, bền vững./.