Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 15/7/2023, thay thế Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016.
Nghị định 27/2023/NĐ-CP quy định về đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường; người nộp phí; tổ chức thu phí; các trường hợp được miễn phí; mức thu…
Theo quy định, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than; khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại quy định tại Biểu khung mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản ban hành kèm theo Nghị định này.
Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối tượng phải nộp phí bảo vệ môi trường
Người nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản bao gồm:
1- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản.
2- Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được phép khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí.
3- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp phí thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp phí.
Mức thu phí bảo vệ môi trường
Nghị định quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) là 35 đồng/m3.
Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản (bao gồm cả trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản nhưng thu được khoáng sản) theo Biểu khung mức thu phí.
Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản bằng 60% mức thu phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu khung mức thu phí.
Nghị định nêu rõ, căn cứ nguyên tắc xác định mức thu phí quy định tại Luật Phí và lệ phí, Biểu khung mức thu phí và tham khảo mức thu phí của các địa phương có khai thác khoáng sản tương tự thuộc đối tượng chịu phí, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định cụ thể mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2023 và thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành mức thu phí mới thì tiếp tục thực hiện mức thu phí theo quy định hiện hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích thì tiếp tục áp dụng tỷ lệ theo quy định hiện hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chậm nhất đến ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để áp dụng tại địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 15/2023/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.
Quyết định này quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đối tượng áp dụng gồm:
1- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2- Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
3- Cơ quan hải quan, công chức hải quan.
4- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi thực hiện chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định này gồm:
Danh mục (mô tả hàng hóa và mã hàng 08 chữ số) của các mặt hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0% quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục II Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ quy định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Mức thuế suất thông thường quy định cho từng mặt hàng tại Biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Hàng hóa nhập khẩu không có tên trong Danh mục của Biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này và không thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại các điểm a, b khoản 3 Điều 5 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06/4/2016 thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ.
Quyết định 15/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2023.
Bãi bỏ Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu; Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg ngày 16/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg.
Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận số 200/TB-VPCP ngày 1/6/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam.
Thông báo kết luận nêu rõ, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao dân trí, phát triển con người, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và xu thế phát triển của thời đại. Cần tiếp tục đổi mới tư duy, chính sách trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, lấy con người làm trung tâm, nhân tài làm động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam cần phát huy trí tuệ, tâm huyết của đông đảo hội viên, các cấp hội trong tham gia hoàn thiện, đổi mới các chủ trương, chiến lược và phát triển triết lý giáo dục, đào tạo phù hợp với truyền thống văn hóa, yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và xu thế phát triển của thời đại.
Đóng góp, phản biện, xây dựng đồng bộ chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình Tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và các vấn đề đang được xã hội quan tâm như chính sách học phí, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục cho trẻ em mầm non, xã hội hóa giáo dục, vấn đề phân luồng và định hướng nghề nghiệp,…
Phát triển các phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh
Hội Khuyến học cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát triển các phong trào khuyến học, khuyến tài với xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập để tổng kết nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục vận động nhân dân tích cực học tập, học tập suốt đời, nâng cao dân trí, năng suất lao động; tham gia vào hoạt động đổi mới quản lý giáo dục, xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục một cách khoa học, độc lập, dựa trên đánh giá từ doanh nghiệp, người dân, người đi học, đồng thời hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển Quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả để hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, tiếp cận giáo dục chất lượng cao, giáo dục đại học.
Khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho người học có được cơ hội học tập suốt đời
Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định của pháp luật thể chế hóa các chủ trương của Đảng về giáo dục toàn dân, xây dựng xã hội học tâp, bảo đảm có sự đồng bộ, liên thông giữa các bậc học, loại hình giáo dục, đào tạo (phổ thông, dạy nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học) nhằm khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho người học có được cơ hội học tập suốt đời; sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa những nguồn lực sẵn có, tránh lãng phí, gây khó khăn cho người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nhiệm vụ đặt hàng với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam trong tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW đề xuất các chủ trương, chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế của toàn cầu; xây dựng nội dung, chương trình phù hợp với đối tượng, lứa tuổi học tập.
Các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có cách tiếp cận mới, chủ động triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế, môi trường cho xã hội học tập, phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá; đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 3984/VPCP-CN ngày 1/6/2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình thực hiện Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Cụ thể, xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu Báo cáo số 125/BC-UBND ngày 16/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, hướng dẫn ngay Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các địa phương liên quan thực hiện thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường theo quy định, nhất là theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ. Báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết quả xử lý trước ngày 05/6/2023 để Phó Thủ tướng trực tiếp xử lý dứt điểm trước ngày 15/6/2023.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định bảo đảm khởi công dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 trước ngày 30/6/2023.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thành lập ngay đoàn kiểm tra đến các địa phương có đường cao tốc đi qua để xử lý ngay việc nguyên vật liệu thông thường và cát cho đường cao tốc./.