Phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD.
Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.
Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Một trong các nhiệm vụ của Đề án là phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất. Cụ thể, hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.
Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển. Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu, thân thiện với môi trường.
Đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển các nguyên liệu phụ trợ keo dán gỗ, các chất sơn phủ, trang trí bề mặt thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển dịch vụ logistics.
Xây dựng 01 Trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế; khuyến khích phát triển các trung tâm nghiên cứu thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ phù hợp với nhu cầu, văn hóa, thị hiếu của người tiêu dùng.
Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh
Nhiệm vụ khác của Đề án là phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phấm chính sau: Nhóm sản phẩm đồ gỗ nội thất (sản phẩm bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá kệ sách; các loại ván sàn); nhóm sản phẩm đồ gỗ ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, bàn ghế, ghế băng; dù che nắng); nhóm sản phẩm gỗ ván nhân tạo (ván ghép thanh; ván dán, ván dăm; ván MDF); nhóm sản phẩm gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền chắc, tiết kiệm gỗ (song mây, tre, trúc; nhựa, kim loại, vải, da); nhóm sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ (bàn ghế, giường tủ; sản phẩm sơn mài, tranh gỗ, các loại tượng bằng gỗ; sản phẩm lưu niệm, mỹ nghệ trang trí kết hợp song, mây, tre, trúc, vật liệu khác); nhóm sản phẩm viên nén gỗ, dăm gỗ.
Tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế; thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Xây dựng và phát triển thương hiệu "Gỗ Việt", khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ sử dụng thương hiệu "Gỗ Việt", góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín sản phẩm gỗ của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng online hoặc qua các sàn thương mại điện tử.
Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 10/3/2022, phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Cụ thể, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Căn cứ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phân bổ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng 5 năm 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất bảo đảm tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện việc xác định trên thực địa và khoanh định trên nền bản đồ địa chính đối với các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ và các chỉ tiêu sử dụng đất do địa phương xác định để làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng phải có kế hoạch cụ thể phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai kế hoạch sử dụng đất phải dựa trên kế hoạch huy động tài chính cho công tác thu hồi đất, tái định cư, thu hút các dự án đầu tư, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng đất, không để đất hoang hóa; bảo đảm hiệu quả cả về kinh tế - xã hội và môi trường, phát triển bền vững.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt hàng năm theo quy định; Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu giữa các địa phương chưa sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả cho các địa phương có cơ hội thu hút đầu tư, khai thác sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững, đồng thời làm cơ sở để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia và lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2026-2030 theo quy định của pháp luật bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chỉ tiêu sử dụng đất trong kế hoạch 05 năm (2021-2025). Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh nhu cầu sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội báo cáo Thủ tướng Chỉnh phủ điều chỉnh phù hợp với quy định hoặc trình Quốc hội xem xét điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2026-2030) vào năm 2024.
Đối với các địa phương có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa mà không làm thay đổi tính chất, điều kiện để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết thực hiện chuyển đổi linh hoạt theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 của Quốc hội. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tiêu chí, điều kiện để các địa phương thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 02 Bộ: Quốc phòng, Công an, bảo đảm tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021.
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022
Ngày 10/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1479/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Ủy ban Quốc gia), các bộ, cơ quan thành viên và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, công tác xét nghiệm HIV tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa. Việc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm qua hệ thống nhà thuốc đã được triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng điều trị HIV/AIDS tiếp tục được duy trì ở mức cao hàng đầu thế giới. Nhiều biện pháp đã được triển khai để đa dạng hình thức cấp thuốc ARV cho người bệnh trong bối cảnh COVID-19, trong đó có mở rộng cấp thuốc nhiều tháng, cấp thuốc qua nhân viên y tế, nhân viên tình nguyện hoặc đơn vị vận chuyển cho các bệnh nhân bị cách ly hoặc trong khu vực bị phong tỏa do COVID-19...
Hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy tiếp tục được hoàn thiện. Các lực lượng chức năng phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia; số vụ, số đối tượng bắt giữ tiếp tục tăng so với năm 2020. Công tác kiểm soát và quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần và ngăn chặn, triệt phá diện tích cây trồng có chứa chất ma túy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cũng còn một số khó khăn, hạn chế: Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh thành phố lớn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn cao. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhân lực, tài chính bị giảm sút; cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật phẩm bị chậm; tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khó khăn.
Kết quả đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy còn chưa tương xứng với tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy hiện nay; công tác cai nghiện chưa có sự tham gia tích cực của gia đình và bản thân người nghiện; các hoạt động hỗ trợ người bán dâm tiếp cận các chương trình tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ vốn tại cộng đồng có hiệu quả chưa cao…
Để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ công tác trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng về cơ sở
Cụ thể, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, mại dâm, các nhóm nguy cơ cao; tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền; duy trì, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; gửi tin nhắn, thông điệp tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên hệ thống điện thoại di động. Xây dựng, đa dạng hóa các chương trình, phóng sự, phim tài liệu, bản tin… tuyên truyền; tăng cường phát sóng vào các khung giờ có nhiều người theo dõi.
Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao, học sinh, sinh viên, người lao động, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và đồng bào dân tộc thiểu số, người có chức sắc trong các vùng tôn giáo; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy tại các vùng trọng điểm.
Tổ chức triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy; Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS.
Mở rộng điều trị ARV
Về phòng, chống HIV/AIDS phải đa dạng và mở rộng xét nghiệm HIV, đặc biệt là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV, phấn đấu phát hiện mới 10.000 trường hợp nhiễm HIV; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho trên 50.000 bệnh nhân; mở rộng triển khai thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày.
Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho 45.000 khách hàng các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm MSM.
Mở rộng điều trị ARV cho 170.000 bệnh nhân HIV/AIDS; tiếp tục duy trì chất lượng điều trị ở mức độ cao, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng Virus dưới ngưỡng ức chế đạt trên 95%.
Triển khai các biện pháp bảo đảm tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt; 75% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV qua nguồn BHYT.
Triển khai mô hình "03 lớp" đấu tranh phòng, chống ma túy
Về phòng, chống ma túy, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; Thông báo kết luận số 330/TB-VPCP ngày 09/12/2021 và 349/TB-VPCP ngày 27/12/2021 của Văn phòng Chính phủ.
Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu thường trực và lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; tiếp tục thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống ma túy.
Chủ động làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo và đánh giá tình hình. Nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy từ trung ương đến địa phương. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống ma túy trên truyến trọng điểm. Triển khai mô hình "03 lớp" đấu tranh phòng, chống ma túy; tập trung thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản theo 05 lĩnh vực: (1) Phòng, chống sản xuất trái phép chất ma túy; (2) Phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; (3) Phòng, chống tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; (4) Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; (5) Quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống và kiểm soát ma túy, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất để sản xuất, điều chế ma túy; kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi mua bán, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép ma túy.
Khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tập trung triển khai các giải pháp, biện pháp nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý chặt chẽ, không để người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở.
Tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn về chẩn đoán xác định tình trạng nghiện ma túy ở các địa phương theo quy định mới; nghiên cứu các bài thuốc hỗ trợ cắt cơn cho người nghiện ma túy phù hợp với các loại ma túy khác nhau. Nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy.
Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện theo quy định của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh và duy trì, mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người nghiện ma túy với sự tham gia của Tòa án; triển khai có hiệu quả công tác rà soát, lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạo công ăn việc làm giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Hình thành mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
Về phòng, chống mại dâm, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025.
Xây dựng, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm; phát triển các chương trình, bộ tài liệu hướng dẫn, truyền thông, tuyên truyền phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ, các gói dịch vụ hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình thí điểm có hiệu quả ở một số địa phương.
Đồng thời, xây dựng tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan; tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm triển khai một cách toàn diện và hiệu quả công tác phòng chống mại dâm thông qua xây dựng, ký kết và tổ chức triển khai các quy chế phối hợp; kế hoạch phối hợp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm năm 2022; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa phương trọng điểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm với các chương trình, dự án ở địa phương; tăng cường bố trí vốn ngân sách địa phương cho công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa và công tác cai nghiện ma túy; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, duy trì cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo giữa các cơ quan, ban ngành liên quan ở địa phương; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ.
Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Quốc gia.
Chuyển mục đích sử dụng đất tại 3 địa phương
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất tại thành phố Cần Thơ, tỉnh Hòa Bình và Hưng Yên.
Cụ thể, tại Công văn số 229/TTg-NN ngày 10/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chấp thuận UBND tỉnh Hòa Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 43,98 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A.
Tại Công văn số 230/TTg-NN ngày 10/3/2022, Phó Thủ tướng chấp thuận UBND thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng 24,82 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu dân cư Nam Long 2.
Tại Công văn số 231/TTg-NN, Phó Thủ tướng chấp thuận UBND tỉnh Hưng Yên quyết định chuyển mục đích sử dụng 65 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định thực hiện dự án và việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đất đai; thực hiện việc giao đất, cho thuế đất, đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện dự án bảo đảm đúng thẩm quyền, thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật đất đai cũng như quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Chỉ định cơ quan đầu mối triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 328/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 chỉ định cơ quan đầu mối để triển khai Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).
Về các cơ quan đầu mối thực hiện các Chương của Hiệp định RCEP, Phó Thủ tướng chỉ định Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương 1 - Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung; Chương 3 - Quy tắc xuất xứ; Chương 7- Phòng vệ thương mại; chương 8- Thương mại dịch vụ; Chương 13 - Cạnh tranh;...
Đối với Chương 2 - Thương mại hàng hóa, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công Thương (đối với các nội dung về thuế nhập khẩu của các nước thành viên RCEP, quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu); Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế nhập khẩu của Việt Nam); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các nội dung liên quan đến nông sản).
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì thực hiện Chương 4 - Các thủ tục hải quan và Thuận lợi hóa thương mại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Chương 5 - Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.
Với Chương 11 - Sở hữu trí tuệ, cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Khoa học và Công nghệ (đối với các vấn đề chung, nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp và thực thi quyền sở hữu trí tuệ); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với nội dung liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với nội dung liên quan đến quyền với giống cây trồng).
Phó Thủ tướng cũng chỉ định các cơ quan đầu mối để tiếp nhận, trao đổi thông tin và đầu mối liên lạc với các nước Đối tác; chỉ định các cơ quan đầu mối tham gia các Ủy ban thực hiện Hiệp định RCEP...
Trong quá trình triển khai Hiệp định, trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.