2 huyện của TP. Hải Phòng, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký các quyết định công nhận 2 huyện của TP. Hải Phòng và tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Cụ thể, tại Quyết định 811/QĐ-TTg ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện An Dương, TP. Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Tại Quyết định 812/QĐ-TTg ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
UBND TP. Hải Phòng, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện An Dương, huyện Lâm Hà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 807/QĐ-TTg ngày 11/7/2022 giao bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021.
Cụ thể, giao bổ sung 19.302,875 tỷ đồng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để:
Bổ sung Quỹ dự trữ tài chính của ngân sách Trung ương là 1.000 tỷ đồng.
Bổ sung cho các địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội là 6.600 tỷ đồng.
Bổ sung cho Bộ Quốc phòng theo số thu từ tiền sử dụng đất quốc phòng đã nộp ngân sách nhà nước năm 2021 để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và tăng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp quốc phòng là 500 tỷ đồng.
Bổ sung cho Bộ Công an kinh phí thực hiện sản xuất 30 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chíp là 1.141,875 tỷ đồng.
Bổ sung cho tỉnh Tiền Giang để hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương năm 2021 là 567 tỷ đồng.
Bổ sung cho các địa phương để thưởng vượt thu và đầu tư trở lại là 9.494 tỷ đồng, trong đó:
Thưởng vượt thu cho 12 địa phương có số thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2021 vượt dự toán là 4.802 tỷ đồng, gồm: tỉnh Quảng Ninh (289 tỷ đồng); tỉnh Hải Dương (19 tỷ đồng); tỉnh Hưng Yên (46 tỷ đồng); tỉnh Bắc Ninh (110 tỷ đồng); tỉnh Quảng Nam (80 tỷ đồng); tỉnh Quảng Ngãi (155 tỷ đồng); tỉnh Đồng Nai (1.000 tỷ đồng) tỉnh Bình Dương (699 tỷ đồng); tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (119 tỷ đồng); TP. Hà Nội (1.000 tỷ đồng); TPHCM (1.000 tỷ đồng); TP. Hải Phòng (285 tỷ đồng).
Đầu tư trở lại cho 04 địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ là 4.692 tỷ đồng, gồm: TP. Hải Phòng (1.500 tỷ đồng); TP. Hà Nội (2.000 tỷ đồng); TPHCM (654 tỷ đồng); TP. Đà Nằng (538 tỷ đồng).
Bộ Tài chính căn cứ quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022, Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 03/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ tình hình thực hiện chính sách của các địa phương, xử lý cụ thể việc hỗ trợ của ngân sách Trung ương từ nguồn kinh phí được quy định nêu trên cho từng địa phương; tổng hợp kết quả báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội theo quy định.
Các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bổ sung vốn, kinh phí nêu trên chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn, kinh phí được bổ sung đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.
Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2021 đến năm 2025.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ carbon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Bảo vệ, phát triển bền vững toàn bộ diện tích rừng hiện có
Chương trình đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Nâng cao năng suất, chất lượng rừng
Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như: Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng.
Các nội dung ưu tiên thực hiện gồm: Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển; phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; phát triển lâm sản ngoài gỗ; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến 78.585 tỷ đồng.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước)
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 203/TB-VPCP ngày 12/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).
Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự quyết tâm của hai địa phương và Tập đoàn Vingroup trong việc tổ chức nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị các thủ tục triển khai Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước). Đây là tuyến đường quan trọng, không chỉ phục vụ trực tiếp cho Bình Phước và Đắk Nông, mà còn góp phần phát triển lưu thông vận tải cho cả khu vực Tây Nguyên, kết nối Đông Nam Bộ và TPHCM.
Tại Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư để sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tại Thông báo số 166/TB-VPCP ngày 06/6/2022 và trực tiếp làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup vào ngày 03/7/2022 để định hướng phương án đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 6080/BGTVT-ĐTCT ngày 17/6/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận Liên danh Vingroup-Techcombank chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo phương thức PPP.
Để bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án vào năm 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông về việc điều chỉnh hướng tuyến quy hoạch tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét, thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh hướng tuyến, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Về việc giao cơ quan có thẩm quyền, HĐND 2 tỉnh đã có Nghị quyết về việc triển khai Dự án và giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở Tờ trình của UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/7/2022 về việc giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án.
Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Phó Thủ tướng đồng ý triển khai đồng thời các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị thủ tục đầu tư, tuy nhiên phải bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, quy trình thủ tục theo quy định. Nhà đầu tư đề xuất dự án khẩn trương chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền trong tháng 8/2022 để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 9/2022./.