In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025.

14/03/2025 18:55
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 1.

Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 

Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Trong đó, Nghị định số 65/2025/NĐ-CP bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định về điều chỉnh Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Theo quy định mới, Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

- Do yêu cầu về quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai;

- Do tác động của thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự mà khu vực hành lang bảo vệ bờ biển không còn đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

- Điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Thay đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;

- Bổ sung các khu vực cần thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển khi đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Nghị định số 65/2025/NĐ-CP nêu rõ việc điều chỉnh, lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; phê duyệt điều chỉnh Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện như việc lập Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34 và Điều 35 Nghị định này.

Các trường hợp ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được điều chỉnh

Đồng thời, Nghị định số 65/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 40 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP về điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển.

Theo quy định mới, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

- Do yêu cầu về quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai;

- Có sự biến động lớn về đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm ở khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

- Do tác động của thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự mà một phần phạm vi khu vực hành lang bảo vệ bờ biển không còn đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

- Điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Thay đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.

Cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển

Về cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ; hình thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển, Nghị định số 65/2025/NĐ-CP quy định:

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị giao, trả lại khu vực biển; gia hạn, sửa đổi, bổ sung Quyết định giao khu vực biển theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Cơ quan thẩm định hồ sơ:

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hình thức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 2/5/2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 2.

Học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, ở, hỗ trợ gạo.

Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách 

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Nghị định này quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, bao gồm: đối tượng áp dụng, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng chính sách, quy trình xét duyệt hưởng chính sách, cấp phát gạo và kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh cơ sở giáo dục phổ thông, học sinh trường dự bị đại học, học viên cơ sở giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đối tượng áp dụng

Nghị định quy định đối tượng áp dụng gồm:

1. Đối tượng trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên bao gồm:

a) Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non;

b) Học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông;

c) Học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;

d) Học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78;

đ) Học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

2. Đối tượng cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh được hưởng chính sách bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục mầm non công lập có tổ chức ăn, ngủ trưa cho trẻ em nhà trẻ bán trú;

b) Trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú;

c) Trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được hưởng chính sách tại Nghị định này đối với đối tượng học sinh dân tộc nội trú, dự bị đại học.

Điều kiện, mức hưởng chính sách trẻ em nhà trẻ bán trú

Nghị định quy định trẻ em nhà trẻ bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

- Trẻ em nhà trẻ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;

- Trẻ em nhà trẻ người dân tộc thiểu số thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Trẻ em thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ;

+ Trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

+ Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh, con đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có);

+ Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

Về mức hưởng, Nghị định quy định trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Điều kiện được hưởng chính sách học sinh bán trú

Theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP, học sinh bán trú phải đảm bảo một trong các điều kiện sau:

- Học sinh tiểu học và học sinh trung học cơ sở đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông (hoặc điểm trường) thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, nhà ở xa trường từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở, hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá, thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn;

+ Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Học sinh trung học phổ thông đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, nhà ở xa trường từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá, thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Người dân tộc thiểu số mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn;

+ Người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn;

+ Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Điều kiện được hưởng chính sách học viên bán trú

Nghị định 66/2025/NĐ-CP nêu rõ: Học viên bán trú đang học tại cơ sở giáo dục thường xuyên mà bản thân và bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, nhà ở xa nơi học tập từ 7 km trở lên đối với học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, 10 km trở lên đối với học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông; hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua biển, hồ, sông, suối, qua đèo, núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Là người dân tộc thiểu số;

+ Là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ.

Mức hưởng chính sách đối với học sinh bán trú, học viên bán trú

Học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo.

Cụ thể, về tiền ăn, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Về tiền nhà ở, mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Ngoài ra, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Riêng đối với học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng các chính sách quy định trên.

Mức hưởng chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học

Nghị định quy định học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được hưởng học bổng chính sách, khen thưởng, trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm, tiền tàu xe, hỗ trợ gạo.

Học bổng chính sách: Quy định tại Điều 9 Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Khen thưởng: Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh.

Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm: Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

Mỗi năm học, học sinh được cấp 02 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;

Tiền tàu xe: Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 02 lần vào dịp tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng (trường hợp địa bàn không có phương tiện giao thông công cộng thì được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tương đồng khác của tỉnh). Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp tết nguyên đán (cả lượt đi và lượt về).

Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Mức hưởng chính sách đối với cơ sở giáo dục

Cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em nhà trẻ bán trú được hưởng các chính sách sau:

- Được hỗ trợ tiền để mua giấy, truyện tranh, sáp màu, bút chì, đồ chơi và các đồ dùng, học liệu học tập khác; chăn, màn và các đồ dùng cá nhân cho trẻ em nhà trẻ bán trú với mức kinh phí là 1.350.000 đồng/trẻ em nhà trẻ bán trú/năm học;

- Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của trẻ em nhà trẻ bán trú với định mức là 5KW điện/tháng/trẻ em nhà trẻ bán trú và 1m3 nước/tháng/trẻ em nhà trẻ bán trú theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì nhà trường được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho trẻ em;

- Được hỗ trợ kinh phí để thực hiện quản lý buổi trưa đối với nhóm trẻ em nhà trẻ: Mỗi nhóm 15 trẻ em từ 03 đến 12 tháng tuổi, trong đó ít nhất có 04 trẻ em nhà trẻ bán trú thì được hưởng 01 định mức; mỗi nhóm 20 trẻ em từ 13 đến 24 tháng tuổi, trong đó ít nhất có 06 trẻ em nhà trẻ bán trú thì được hưởng 01 định mức; mỗi nhóm 25 trẻ em từ 25 đến 36 tháng tuổi, trong đó ít nhất có trẻ em nhà trẻ bán trú thì được hưởng 01 định mức là 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Số dư từ 50% trở lên so với số trẻ em nhà trẻ và số trẻ em nhà trẻ bán trú của mỗi nhóm thì được tính 01 định mức.

Trường phổ thông dân tộc bán trú được hưởng các chính sách sau:

- Được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo quy định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

- Được hỗ trợ kinh phí để mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình và các vật dụng khác phục vụ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho học sinh bán trú với mức hỗ trợ là 180.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

- Được hỗ trợ kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh bán trú, lập tủ thuốc dùng chung cho học sinh, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp sơ cứu ban đầu với mức hỗ trợ là 180.000 đồng/học sinh bán trú/năm học;

- Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh bán trú ăn ở tại trường với định mức là 15KW điện/tháng/học sinh bán trú và 3m3 nước/tháng/học sinh bán trú theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Nơi chưa có điều kiện cung cấp các dịch vụ điện, nước hoặc bị mất điện, nước thì nhà trường được sử dụng kinh phí để mua thiết bị thắp sáng và nước sạch cho học sinh;

- Được hỗ trợ kinh phí thực hiện quản lý học sinh bán trú ngoài giờ lên lớp như sau: cứ 45 học sinh bán trú thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 2.050.000 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh bán trú trở lên được tính 01 định mức. Trường hợp có số lượng dưới 45 học sinh bán trú thì được tính 01 định mức. Thời gian được hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học.

Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học được hưởng các chính sách sau:

- Được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú ăn, ở tại trường như sau: cứ 45 học sinh bán trú thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 4.738.500 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh bán trú trở lên được tính 01 định mức. Trường họp có số lượng dưới 45 học sinh bán trú thì được tính 01 định mức. Thời gian được hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học;

Được hỗ trợ các chính sách quy định tại các điểm b, c, đ khoản 2 Điều này; Được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ học tập, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này tùy theo số lượng học sinh bán trú và nguồn kinh phí hiện có; Được hỗ trợ tiền điện, nước và kinh phí thực hiện quản lý học sinh quy định tại các điểm d, e khoản 2 Điều này.

- Được đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

- Được cấp kinh phí để tổ chức hoạt động giáo dục đặc thù, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và mua sắm, bổ sung dụng cụ, thiết bị phục vụ cho các hoạt động của học sinh với mức hỗ trợ bằng 5% quỹ học bổng của học sinh;

- Được cấp kinh phí để tổ chức khám sức khỏe hằng năm cho học sinh, lập tủ thuốc dùng chung cho khu nội trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp sơ cứu ban đầu với mức là 270.000 đồng/học sinh/năm học; mua bảo hiểm y tế cho học sinh theo quy định;

- Được cấp kinh phí để tổ chức tết nguyên đán, tết dân tộc (nếu có) cho học sinh ở lại trường không về nhà với định mức là 180.000 đồng/học sinh/lần ở lại trường;

- Được cấp kinh phí để mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp là 180.000 đồng/học sinh/năm học;

- Được cấp kinh phí mua sách giáo khoa để mỗi học sinh được mượn một bộ sách giáo khoa theo lớp học. Hăng năm, trường được mua bổ sung số sách giáo khoa không quá 10% số sách giáo khoa tại thư viện của nhà trường;

- Được hỗ trợ kinh phí làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân, công tác tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp, thi cuối khóa với định mức là 180.000 đồng /học sinh/năm học;

- Được hỗ trợ tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt của học sinh với mức định mức là 25KW điện/tháng/học sinh và 4m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

- Được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh như sau: cứ 45 học sinh thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 4.738.500 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh trở lên được tính 01 định mức. Thời gian hỗ trợ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

- Được hỗ trợ kinh phí thực hiện quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp như sau: cứ 45 học sinh thì được hưởng 01 định mức hỗ trợ là 2.050.000 đồng/tháng, số dư từ 20 học sinh trở lên được tính 01 định mức. Thời gian hỗ trợ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2025 và thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Các chính sách quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT được thực hiện đến hết năm 2024. Chính sách quy định tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP được thực hiện từ năm 2025.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 3.

Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 27/11/2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030

Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 27/11/2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030.

Theo đó, nội dung trọng tâm của Kế hoạch gồm: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành và Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; nghiên cứu, triển khai các nội dung, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 163/2024/QH15 của Quốc hội để chủ động tổ chức thực hiện theo đúng quy định; rà soát, xây dựng ban hành theo thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Tổ chức phê duyệt, triển khai thực hiện Chương trình theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định pháp luật hiện hành có liên quan và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình bảo đảm đúng mục tiêu đã được phê duyệt.

Ban hành tiêu chí xác định địa bàn không có ma túy

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình, Quyết định phê duyệt Chương trình; ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách trung ương thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật; ban hành tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn không có ma túy.

Rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Chương trình; cơ chế kiểm tra, giám sát Chương trình; hướng dẫn các địa phương rà soát, phân loại tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, địa bàn không có ma túy làm cơ sở thực hiện Chương trình; nghiên cứu, xây dựng các chương trình, nhiệm vụ, dự án có liên quan trong phạm vi của Chương trình thuộc trách nhiệm được phân công.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng và ban hành cơ chế quản lý tài chính đối với vốn đầu tư công và nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình theo thẩm quyền.

Trên cơ sở đề xuất kinh phí của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan bố trí kinh phí chi thường xuyên trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành để bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiện toàn hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia để chỉ đạo thực hiện Chương trình.

Các bộ, cơ quan trung ương được giao chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các dự án, tiểu dự án thành phần; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình; rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, các dự án và tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình theo nhiệm vụ được phân công.

Nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các loại hình truyền thông khác đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc thực hiện Chương trình; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, Nhân dân nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động; giữ vững, mở rộng các xã, phường, thị trấn không có ma túy; phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình.

Phấn đấu đến năm 2030, trên 50% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình và đơn vị điều phối, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định pháp luật liên quan.

Khẩn trương triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy; làm tốt và nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân để mọi người dân lên án, không chấp nhận ma túy, không chứa chấp ma túy, phối hợp cơ quan chức năng quản lý chặt không để người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy phạm tội và vi phạm pháp luật.

Đồng thời, triển khai ngay các giải pháp đồng bộ giữ vững, mở rộng các xã, phường, thị trấn không có ma túy, phấn đấu xây dựng được 20% xã, phường, thị trấn không có ma túy ngay trong năm 2025 và xây dựng lộ trình thực hiện hằng năm đảm bảo đến năm 2030, ít nhất 50% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không có ma túy.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí vốn, phân bổ ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ Chương trình, nhất là đối với công tác cai nghiện ma túy; trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình; ban hành theo thẩm quyền quy định về lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi, địa bàn để thực hiện Chương trình trên địa bàn bảo đảm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; rà soát, ban hành các văn bản liên quan phục vụ công tác quản lý, điều hành, thực hiện và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình ở địa phương...

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 4.

Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 13/3/2025 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Ban Chỉ đạo).

Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long.

Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách, các giải pháp quy mô quốc gia phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

Quyết định nêu rõ, Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính.

Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, cải cách hành chính; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, cải cách hành chính; điều phối chung việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính; đôn đốc việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị.

Sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và cải cách hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập 03 Tiểu Ban giúp việc cho Ban Chỉ đạo

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là lãnh đạo Chính phủ sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.

Thành lập 03 Tiểu Ban giúp việc cho Ban Chỉ đạo bao gồm:

- Tiểu Ban Triển khai Đề án 06 do đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Tiểu Ban.

- Tiểu Ban Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do đồng chí Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng Tiểu Ban.

- Tiểu Ban Cải cách hành chính do đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng Tiểu Ban.

Các Tiểu Ban có nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo theo lĩnh vực được phân công; đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các lĩnh vực cụ thể tương ứng. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng Tiểu Ban ban hành quyết định thành lập Cơ quan thường trực của Tiểu Ban, phê duyệt danh sách thành viên, quy chế hoạt động của Tiểu Ban; bảo đảm các điều kiện cần thiết và sử dụng con dấu của cơ quan mình cho hoạt động của Tiểu Ban. Trong trường hợp cần thiết, các Tiểu Ban được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ Khoa học và Công nghệ làm nhiệm vụ Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo; trình Trưởng Ban Chỉ đạo phê duyệt Kế hoạch hoạt động và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo và các Tiểu Ban làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và các Tiểu Ban được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 5.

Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1)

Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) 

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 14/3/2025 thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quyết định nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, khẳng định rõ Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Tài chính để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Hội đồng tự giải thể sau khi cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 6.

Thành phố Tây Ninh được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh - Ảnh: Báo Tây Ninh

Công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 14/3/2025 công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh.

Quyết định nêu rõ: Công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Tây Ninh. Phạm vi công nhận loại đô thị gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Tây Ninh hiện hữu, trong đó khu vực nội thành gồm 07 phường (các phường 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh), khu vực ngoại thành gồm 03 xã (các xã Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân).

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2025- Ảnh 7.

Huyện An Lão (Hải Phòng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công nhận huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 14/3/2025 công nhận huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024. Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện An Lão tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.