In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01/2025 (3)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01/2025 (3).

15/01/2025 22:57

Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01/2025 (3)- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 15/01/2025 về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Hội đồng).

Theo Nghị quyết, Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định pháp luật về quy hoạch liên quan đến thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Chủ tịch Hội đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy làm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Thành viên Hội đồng bao gồm: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Tài chính; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thành viên Hội đồng cũng bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học là Ủy viên phản biện theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của Hội đồng

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Cơ quan thường trực của Hội đồng.

Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến, tổ chức họp Hội đồng thẩm định, lập biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định; yêu cầu cơ quan lập điều chỉnh quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng lại Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kết luận của Hội đồng thẩm định; tổ chức thẩm định lại Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong trường hợp Nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

không được thông qua; dự thảo Báo cáo thẩm định nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt.

Hoạt động của Hội đồng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01/2025 (3)- Ảnh 2.

Nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý I năm 2025

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 15/01/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Trưởng Ban chỉ đạo) đánh giá cao ý kiến của các Bộ, ngành về tình hình, kết quả công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024. Nhìn chung, kết quả đạt được là đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả có thể lượng hóa được trên nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật đến chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; tiếp tục đề xuất, tổ chức thực hiện có kết quả nhiều đề án, chương trình về bảo đảm an toàn thực phẩm...; tiếp tục khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó các cơ quan, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, đáng biểu dương như: công an, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, y tế. Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, các cơ quan truyền thông tiếp tục có nhiều sáng kiến hiệu quả, tích cực góp phần nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Việc chuẩn bị một số đề án còn chậm so kế hoạch đề ra.

Trên thực tế, số vụ vi phạm còn nhiều, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn. Nhận thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao. Công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi còn hạn chế...

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Về định hướng nhiệm vụ năm 2025, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025 là: (1) Tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; (2) Chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế là chủ lực, có sự tham gia của các ngành nông nghiệp, công thương, công an; (3) Tuyên truyền toàn diện hơn, chú trọng tuyên truyền về chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với vi phạm an toàn thực phẩm.

Trên tinh thần đó, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng Dự án Luật sau khi Đề nghị được chấp thuận, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay

trong năm 2025, trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng như: phân định nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP trong quý I năm 2025 để xử lý ngay các vướng mắc, bất cập đang rất cấp bách trong thực tế. Trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần quan tâm nội dung về chuyển đổi số.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, tập trung tuyên truyền về phòng ngừa, nâng cao ý thức người dân; chú trọng, tăng cường tuyên truyền về chế tài xử phạt. Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, nghiên cứu đề xuất về Kênh phát thanh an toàn thực phẩm, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương xem xét, cho ý kiến.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tăng mức xử phạt với vi phạm an toàn thực phẩm

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, hoàn thành trong quý I năm 2025; phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với các chức danh chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo chi tiết, đề xuất cụ thể về việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm; tổ chức một cuộc họp riêng của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cho ý kiến về vấn đề này, nhất là về kết nối, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm được giao, bảo đảm thông suốt, hiệu quả.

Đề nghị các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ và có nhiều sáng kiến trong tổ chức quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo

Bộ Y tế chỉnh sửa nội dung về việc ban hành Kế hoạch công tác năm của Ban chỉ đạo theo hướng: Trên cơ sở thảo luận và kết luận chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo về Kế hoạch công tác năm của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo ban hành Kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo; hoàn chỉnh Dự thảo Quy chế và trình Trưởng Ban chỉ đạo ban hành trước ngày 18 tháng 01 năm 2025.

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Bộ Y tế chủ trì, soạn thảo, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ; trình Thủ tướng Chính phủ trong ngày 15 tháng 01 năm 2025.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, bố trí kinh phí từ ngân sách cho công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm phù hợp yêu cầu quản lý, theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ Y tế chủ động trao đổi, làm việc với Bộ Công Thương về việc sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm thực hiện theo quy trình Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01/2025 (3)- Ảnh 3.

Phối cảnh Cảng Hàng không Phan Thiết

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 15/01/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Để sớm điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nội dung sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, xác định rõ tài sản dùng chung (đất quốc phòng, tài sản do quân đội đầu tư), cơ chế khai thác lưỡng dụng, cách thức quản lý, sử dụng, khai thác, đầu tư mới, duy tu bảo dưỡng, bảo đảm nhiệm vụ quân sự và phục vụ khai thác dân dụng; trên cơ sở đó thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải về việc điều chỉnh quy hoạch đất quốc phòng và điều chỉnh danh mục tài sản đặc biệt theo Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng cơ chế dùng chung làm căn cứ xây dựng, quản lý hợp đồng BOT. Việc khai thác lưỡng dụng trên nguyên tắc ưu tiên phát triển kinh tế, sẵn sàng phục vụ hoạt động quốc phòng khi có yêu cầu.

Trên cơ sở thống nhất với Ủy ban nhân nhân tỉnh Bình Thuận và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh: (i) Quyết định số 01/2018/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2018 về việc ban hành Danh mục tài sản đặc biệt; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản đặc biệt trong các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam; (ii) điều chỉnh quy hoạch đất quốc phòng để khai thác lưỡng dụng tại sân bay Phan Thiết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có ý kiến tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chậm nhất trong tháng 02 năm 2025.

Ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 15/01/2025 (3)- Ảnh 4.

Chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ Công tác) vừa ký Quyết định số 8/QĐ-TCTCCTTHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2025 của Tổ công tác này.

Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục

hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách, nhất là quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 và các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.

Kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Yêu cầu đặt ra là thực hiện có kết quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Trong đó, tập trung vào Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2025 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Từng thành viên Tổ công tác chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi chỉ đạo, đôn đốc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Kịp thời phản ánh những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc để Cơ quan thường trực Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.

Nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Tổ công tác trong hoạt động của Tổ công tác; tăng cường đối thoại, làm việc với các cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn, cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo Kế hoạch, Tổ công tác sẽ triển khai các nhiệm vụ: Chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đánh giá lại chất lượng dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia, thời gian thực hiện vào tháng 6/2025.

Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến Cổng dịch vụ công quốc gia tại Công văn số 8871/VPCP-KSTT ngày 02/12/2024 về thống nhất giải pháp, lộ trình triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia và điểm b, khoản 5 Công điện số 131/CĐ-TTg ngày 11/12/2024 về việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành trong quý III/2025, thời gian thực hiện vào tháng 9/2025.

Trong tháng 11/2025, Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc tổ chức triển khai thí điểm thành công mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh./.

Cũng trong tháng 11/2025, Tổ công tác tổ chức phiên họp chuyên đề của Tổ công tác tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và kết quả triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh./.