Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2045, phong trào thể dục, thể thao phát triển đồng đều, đa dạng trong các đối tượng, địa bàn; hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên trong Nhân dân; trên 95% học sinh, sinh viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.
Việt Nam phấn đấu bóng đá nam trong tốp 8 châu Á
Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia hiện đại, đủ điều kiện đăng cai ASIAD, trong đó ít nhất 50% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu quốc tế; 100% đơn vị hành chính cấp huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã có công trình thể thao; 100% trường học trong hệ thống giáo dục phổ thông có công trình thể thao.
Thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hằng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.
Mỗi người thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp với bản thân
Đối với thể dục, thể thao cho mọi người, Chiến lược đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và lồng ghép hiệu quả với các chiến lược, chương trình, đề án, phong trào liên quan, hướng tới mỗi người dân thường xuyên luyện tập ít nhất một môn thể thao phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của cá nhân. Mở rộng mạng lưới thiết chế thể thao cơ sở, phát triển mạnh số lượng các câu lạc bộ thể thao, các điểm tập luyện thể dục, thể thao công cộng. Tổ chức hiệu quả mạng lưới hướng dẫn viên thể thao cơ sở, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong cộng đồng. Tăng cường phối hợp liên ngành tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao trong từng đối tượng (công nhân, viên chức, nông dân, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi...).
Bảo tồn, phát triển, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian
Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống. Tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên; có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổ truyền và một số môn thể thao phù hợp khác. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học; tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường. Đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong và liên trường, ở các cấp học và trên từng địa bàn.
Tiếp tục lồng ghép việc triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 với hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thường xuyên rà soát, đánh giá các chỉ số thể lực, tầm vóc của học sinh, sinh viên để có biện pháp can thiệp về thể thao, từng bước khắc phục tình trạng thừa cân, thấp còi, suy dinh dưỡng.
Bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; phát triển thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm, thể thao gắn với du lịch, lễ hội theo hướng đa dạng, độc đáo và bảo đảm an toàn; tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao cho người khuyết tật; chú trọng đào tạo lực lượng vận động viên thể thao người khuyết tật tham dự các đại hội, giải thi đấu thể thao quốc tế. Tạo điều kiện, hỗ trợ để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao đa dạng, phù hợp cho người cao tuổi...
Xây dựng chính sách phù hợp đối với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên
Đối với thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, nhiệm vụ của Chiến lược là khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai cụ thể việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; chủ trì xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn tới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025.
Nâng cấp, hiện đại hóa và phát huy tối đa hiệu quả của các cơ sở trọng điểm phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu thể thao do trung ương quản lý và các cơ sở đào tạo, huấn luyện vận động viên của địa phương, ngành công an, ngành quân đội; sớm hình thành các cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên sâu theo nhóm môn.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho hội thể thao quốc gia, các doanh nghiệp tham gia xây dựng, vận hành các cơ sở đào tạo vận động viên; bảo trợ, tài trợ cho các đội tuyển thể thao, vận động viên tài năng.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong đào tạo vận động viên, từ đổi mới các tiêu chí, tiêu chuẩn đến quy trình, phương thức trong tuyển chọn, đào tạo vận động viên; chú trọng ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo; trang bị các phòng huấn luyện công nghệ cao tại các cơ sở đào tạo vận động viên trọng điểm.
Phát triển mạnh thể thao chuyên nghiệp, mở rộng việc áp dụng cơ chế quản lý, điều hành chuyên nghiệp đối với các môn thể thao phù hợp. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, vận hành câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và tổ chức các giải thi đấu thể thao chuyên nghiệp; hình thành các cơ sở đào tạo vận động viên vận hành theo mô hình doanh nghiệp...
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 16/10/2024 thành lập Tổ công tác điều phối Việt Nam – Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ các dự án kinh tế trọng điểm được nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế (Tổ công tác).
Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng Tổ công tác. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó.
Các Ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ngoại giao, Tài chính, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hậu Giang, Cần Thơ.
Đề xuất phương hướng giải quyết những vướng mắc mang tính liên ngành
Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vướng mắc mang tính liên ngành liên quan tới các dự án kinh tế trọng điểm đã nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế.
Đồng thời giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan tới các dự án kinh tế trọng điểm đã nêu tại Bản danh mục nội dung hợp tác kinh tế.
Các thành viên Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác
Quyết định nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác, bảo đảm không làm tăng đầu mối tổ chức và biên chế.
Các cơ quan có thành viên tham gia Tổ công tác sử dụng bộ máy hiện có của mình để giúp việc thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác có liên quan và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cá nhân khác tham dự cuộc họp của Tô công tác.
Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác và chuẩn bị nội dung báo cáo phần việc được phân công. Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Tổ trưởng hoặc Tổ phó và cử người có trách nhiệm dự họp thay.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng tính kịp thời trong điều hành của Tổ công tác. Các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, vật chất phục vụ các cuộc họp trực tuyến khi cần thiết.
Kinh phí hoạt động của Tổ Công tác do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2024./.