In bài viết

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3

(Chinhphu.vn)- Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 16/3.

16/03/2021 18:00

Thay đổi đối tượng, phương thức cho vay của Quỹ phát triển KHCN

Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03/4/2014 của Chính phủ.

Trong đó, Nghị định số 19/2021/NĐ-CP thay đổi đối tượng cho vay, cấp kinh phí của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ).

Theo đó, đối tượng cho vay của Quỹ gồm: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Đối tượng được cấp kinh phí gồm: Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Về phương thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ, Nghị định số 19/2021/NĐ-CP quy định tài trợ không hoàn lại toàn bộ hoặc một phần chi phí cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 3 Điều lệ này.

Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, bao gồm: Tham gia hội nghị, hội thảo quốc tế của nhà khoa học trẻ; nghiên cứu sau tiến sỹ; thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài; tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam và các hội thảo nghiên cứu cơ bản chuyên ngành trong nước (theo chuỗi hội thảo hằng năm hoặc cách năm); tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo chuyên ngành quốc tế; công bố công trình khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế và giống cây trồng; khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ; nhà khoa học xuất sắc nước ngoài đến Việt Nam trao đổi học thuật ngắn hạn; nâng cao năng lực tổ chức nghiên cứu cơ bản đạt trình độ khu vực và thế giới; thực hiện chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Chính phủ.

Cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên biệt do Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện với nguồn vốn riêng.

Hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay quy định trên được Quỹ thực hiện thông qua hình thức ủy thác cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quỹ tổ chức đánh giá, xét chọn nhiệm vụ cho vay, bảo lãnh vốn vay theo các tiêu chí khoa học và công nghệ.

Theo quy định mới, Hội đồng quản lý Quỹ có 7 hoặc 9 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng là các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín, có trình độ, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Bãi bỏ Quyết định về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bãi bỏ Quyết định số 57/2015/QĐ-TTg ngày 16/11/2015 của Thủ tướng Chính  phủ về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 359/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định nêu rõ, Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế.

Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm KT-XH lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là thành phố cảng biển, đô thị quốc tế với vị trí hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.

Đầu tư nhiều dự án trọng điểm

Theo quy hoạch, sẽ phát triển du lịch trên toàn địa bàn thành phố gắn với các hình thức du lịch biển; du lịch thủy nội địa; du lịch sinh thái, cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch vui chơi giải trí tổng hợp, mua sắm...
Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án trọng điểm gồm: Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp; Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam đài tưởng niệm; Khu sân golf VinaCapital Đà Nẵng; Khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; Công viên chuyên đề phía Nam bán đảo Sơn Trà; Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Khu du lịch Bà Nà Hills; Khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp Làng Vân; Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula.

Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế; hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong Khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan.

Tập trung phát triển công nghệ cao

Ngoài ra, Đã Nẵng sẽ tập trung phát triển công nghệ cao với quy mô diện tích đất khoảng 1.710ha, gồm: Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao mở rộng; Khu công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2; Khu công viên phần mềm số 1, số 2, số 3; ngoài ra, hình thành Cụm Đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố gắn liền với Khu đô thị đại học Đà Nẵng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và công viên phần mềm. Hình thành mới các cụm công nghiệp: Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc với quy mô diện tích đất khoảng 83 ha.

Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ triển khai xây dựng nhiều dự án giao thông lớn. Cụ thể, tiếp tục nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu hành khách mỗi năm, cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856ha; đầu tư xây dựng mới cảng Liên Chiểu công suất đạt 50 triệu tấn/năm, diện tích khoảng 450 ha. Cảng Tiên Sa sẽ được chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động…

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Kim Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Kim Thành.

Địa điểm thực hiện dự án tại xã Thượng Vũ, xã Tuấn Hưng và xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương với quy mô sử dụng đất 164,98 ha, trong đó giai đoạn 1 là 65 ha và giai đoạn 2 là 99,98 ha. Nhà đầu tư là công ty cổ phần COMA 18.

Dự án có tổng vốn đầu tư 1.160,72 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 174,11 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư (15/3/2021).

UBND tỉnh Hải Dương có trách nhiệm tổ chức và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án phù hợp với văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, địa điểm và tiến độ sử dụng đất thực hiện Dự án và quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan, trong đó lưu ý thực hiện đúng quy định và điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và đất mặt nước.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp. Trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động và hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; xây dựng phương án thu hồi đất phù hợp với tiến độ thu hút đầu tư của Dự án để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất./.