Chính phủ ban hành Nghị định số 207/2025/NĐ-CP ngày 15/7/2025 quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân
Nghị định này quy định về việc hiến, nhận, sử dụng, lưu giữ, gửi tinh trùng, noãn, phôi; sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều kiện, hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Nghị định quy định, việc thực hiện hiến tinh trùng, hiến noãn, hiến phôi trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải tuân theo nguyên tắc chỉ được hiến tại một cơ sở được phép lưu giữ tinh trùng, lưu giữ noãn, lưu giữ phôi.
Tinh trùng, noãn, phôi hiến chỉ được sử dụng cho một phụ nữ hoặc một cặp vợ chồng để sinh con. Việc hiến và nhận tinh trùng, hiến và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người hiến và người nhận.
Chỉ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đối với các cặp vợ chồng vô sinh hoặc có chỉ định về y tế và phụ nữ độc thân có nguyện vọng.
Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ.
Điều kiện của cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Điều 12 Nghị định quy định rõ điều kiện của cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ phải thực hiện được tối thiểu là 500 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm mỗi năm.
Có người tư vấn về y tế là bác sĩ chuyên khoa phụ sản, người tư vấn về tâm lý có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên hoặc bác sĩ có chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực tâm lý, người tư vấn về pháp lý có trình độ cử nhân luật trở lên. Người tư vấn về y tế phải là nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người tư vấn về tâm lý, tư vấn pháp lý là nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc là nhân sự hợp tác theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Hồ sơ, thủ tục đề nghị cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện theo hồ sơ, thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, trong đó phải bao gồm các tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Hồ sơ, thủ tục đề nghị mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Theo Nghị định, cặp vợ chồng vô sinh gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:
Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của bên mang thai hộ hoặc bên nhờ mang thai hộ hoặc giấy tờ tự chứng minh mối quan hệ thân thích cùng hàng của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ theo quy định trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan có công chứng, chứng thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ. (Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ.)
Giấy tờ chứng minh người mang thai hộ đã từng sinh con gồm một trong các giấy tờ sau: Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con người mang thai hộ hoặc bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mang thai hộ.
Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình.
Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải khám sức khỏe cho người mang thai hộ, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ; xác nhận về việc người vợ bên nhờ mang thai hộ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; xác nhận khả năng mang thai hộ của người phụ nữ mang thai hộ.
Trường hợp người mang thai hộ và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện việc mang thai hộ, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện và xác nhận về việc tư vấn cho các bên về y tế, tâm lý (lợi ích và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình mang thai hộ), pháp lý (quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của pháp luật); thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Trường hợp người mang thai hộ và cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ không đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện việc mang thai hộ, trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2025.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 205/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nghị định 205/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 5 về chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, các ưu đãi, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định hiện hành.
Nghị định cũng bổ sung hỗ trợ đối với hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư máy móc thiết bị, sản phẩm mẫu, thiết kế, phần mềm, đào tạo, thuê chuyên gia tư vấn, sáng chế, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, kiểm định kết quả đối với các dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.
Hỗ trợ tối đa 70% kinh phí triển khai các hoạt động, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, số lượng các chuyên gia, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ, Nghị định 205/2025/NĐ-CP bổ sung điểm c khoản 1 Điều 6. Theo đó, sinh viên có kết quả học tập loại xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước về kỹ thuật, công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực khác.
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bên cạnh đó, Nghị định 205/2025/NĐ-CP bổ sung Điều 6a, Điều 6b, Điều 6c vào sau Điều 6:
Điều 6a. Hỗ trợ bảo vệ môi trường
Dự án đầu tư phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu, cụm liên kết ngành được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 6b. Hỗ trợ pháp lý
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hỗ trợ pháp lý theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều 6c. Hỗ trợ thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng
Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, tư vấn chứng nhận chất lượng sản phẩm, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
2. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê các phòng thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận về chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
3. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận về chất lượng sản phẩm tại hệ thống thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận chất lượng thuộc cơ quan quản lý nhà nước.
4. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; chi phí kiểm định, thử nghiệm, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường; chi phí cấp dấu định lượng của sản phẩm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường.
5. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho hoạt động nhận diện thương hiệu, đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ và xin cấp mã số mã vạch.
6. Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho hoạt động thử nghiệm, kiểm nghiệm các hàng hóa, sản phẩm mới mang tính sáng chế.
Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển
Nghị định 205/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi Điều 12 về chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Về ưu đãi thuế, dự án được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, dự án được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được hưởng các ưu đãi đầu tư khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2025./.