Công điện của Thủ tướng: Tập trung cao độ, bảo đảm thành công cuộc bầu cử
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Công điện nêu: Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, căn cứ các quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương, việc chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (cuộc bầu cử) đã được triển khai nghiêm túc, chủ động, bảo đảm đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.
Từ nay đến ngày bầu cử 23/5 chỉ còn gần một tuần, đây là thời gian gấp rút, quyết định thành công của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp; công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở cơ sở còn hạn chế và gặp khó khăn tại một số địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá tại thời điểm sát ngày bầu cử.
Để tổ chức thành công cuộc bầu cử, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ cho công tác bầu cử và chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:
1- Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, đánh giá, dự báo tình hình dịch COVID-19; bổ sung các phương án, giải pháp phù hợp sẵn sàng kịp thời ứng phó các tình huống trong phòng chống dịch COVID-19 phục vụ cuộc bầu cử, bảo đảm an toàn, hiệu quả; hướng dẫn giải đáp kịp thời các vướng mắc của địa phương; thành lập Tổ công tác thường trực từ ngày 18/5 đến khi kết thúc bầu cử để tiếp nhận, phản hồi thông tin liên quan đến công tác y tế; phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.
2- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh các thông điệp truyền thông, vận động cử tri đi bầu cử bằng nhiều phương tiện, phương thức truyền thống và hiện đại, với tần suất phù hợp, như: mạng xã hội trong nước, mạng viễn thông (tin nhắn sms, nhạc chờ), hệ thống loa đài truyền thanh xã, phường, thị trấn (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số); chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin chuẩn xác, sáng tạo, sinh động để cử tri cả nước hiểu rõ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử; giám sát, kiểm soát tốt an toàn thông tin; chỉ đạo phản bác, ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái trên không gian mạng về cuộc bầu cử.
3- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục chủ động đối phó với các hành vi gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá cuộc bầu cử; tăng cường các biện pháp nắm chắc tình hình, nhận định, đánh giá, dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù dịch, phản động, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên toàn quốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử; chỉ đạo lực lượng công an, quân đội duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực chiến, sẵn sàng chiến đấu ở các cấp và phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
4- Bộ Nội vụ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương để cập nhật tình hình bầu cử; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, những tình huống bất thường và các vấn đề phát sinh tại địa phương khi tổ chức cuộc bầu cử.
5- Ủy ban nhân dân các cấp tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn then chốt từ nay đến ngày bầu cử và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan trung ương về công tác bầu cử; tiến hành rà soát lại toàn bộ công việc để chuẩn bị chu đáo và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác bầu cử.
Đồng thời, có phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể cho ngày bầu cử trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đối với các đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh phát sinh; đặc biệt lưu ý địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, phức tạp về tôn giáo; có phương án cụ thể phòng, chống thiên tai, mưa lũ, cháy nổ trong ngày bầu cử; nắm chắc tình hình Nhân dân để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh; chỉ đạo các cơ quan quân đội, công an ở địa phương xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và tại các khu vực bỏ phiếu, để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật và thành công.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 112/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.
Chiều ngày 11/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao thời gian qua, một số khó khăn, vướng mắc và vấn đề cấp bách cần giải quyết thời gian tới.
Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:
Thông tin và Truyền thông là một trong những ngành tiên phong, tích cực thực hiện đổi mới, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước qua 35 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm qua. Đến hết năm 2020, ngành Thông tin và Truyền thông đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tập thể lãnh đạo Bộ đoàn kết, thống nhất hoạt động, có nhiều đổi mới, sáng tạo, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đạt kết quả tích cực; Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.063.606 tỷ đồng (khoảng 130 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước 105.876 tỷ đồng (khoảng 05 tỷ USD). Bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin từng bước trở thành hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia. Báo chí, truyền thông từng bước được sắp xếp tinh gọn, thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng vào một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả tích cực mà ngành thông tin và truyền thông đã đạt được trong thời gian qua.
Đạt được những thành tựu đó phải kể đến 03 nguyên nhân: Thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bám sát thực tiễn; Tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành qua các thời kỳ, trong đó có sự tâm huyết, trách nhiệm, sự kế thừa những thành quả của các thế hệ trước; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thông tin và Truyền thông cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục, giải quyết như: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập, nhất là việc xây dựng cơ chế, thể chế; Công tác xây dựng chiến lược, xây dựng quy hoạch cần được đầu tư thỏa đáng, đúng mức hơn; Công tác tham mưu chiến lược cần phải làm tốt hơn. Thị trường viễn thông đang tăng trưởng chậm lại và chưa bền vững; quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin còn hạn chế; Chức năng, nhiệm vụ, bộ máy bên trong vẫn còn trùng chéo, hiệu lực hiệu quả chưa cao, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, bất cập; vi phạm trong hoạt động báo chí, nhất là báo mạng, tạp chí điện tử đang là vấn đề gây bức xúc; kết quả đạt được chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành, cả về nguồn lực con người đến mạng lưới cơ sở vật chất; đổi mới, sáng tạo có nơi, có lúc còn trầm lắng, thiếu tính liên tục.
Để phát huy truyền thống và những thành tựu, thành tích quan trọng đã đạt được qua các thời kỳ, không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung tháo gỡ vướng mắc, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, nhất là hạn chế, yếu kém kéo dài nhiều năm, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông:
1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ. Trong đó lưu ý: bám sát yêu cầu thực tiễn ở Việt Nam, xu hướng phát triển trên thế giới, đề xuất phương án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ, trong đó có chức năng liên quan đến quản lý nhà nước đối với các hoạt động chuyển đổi số của nền kinh tế với tinh thần: một việc được giao cho một cơ quan làm tốt nhất chủ trì chịu trách nhiệm; công tác tham mưu phải toàn diện, hiệu quả, sát thực hơn; bộ máy phải được tổ chức khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giảm biên chế đi đôi với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.
2. Hoàn thiện, ban hành các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục làm công cụ quản lý để phân cấp mạnh hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.
3. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu theo tinh thần đoàn kết, trung thành, trung thực, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp; Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc một cơ quan, đơn vị, một người có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm được và làm được tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại); đánh giá cán bộ theo tiến độ và chất lượng công việc; Quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong mua sắm, đầu tư, quản lý tài sản công.
4. Tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đi đôi với huy động mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành mũi nhọn; Xây dựng và quản lý, tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia bảo đảm tổng thể, toàn diện, căn cơ, đồng bộ, phải có nguồn lực bảo đảm và được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa chiến lược, nền tảng, trong đó đặc biệt lưu ý nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin.
5. Coi trọng và đầu tư phù hợp, thỏa đáng cho công tác truyền thông, báo chí, xây dựng cơ chế, chính sách, thể chế để phát huy sức mạnh, nguồn lực quan trọng của báo chí, truyền thông, phải làm chủ được truyền thông để lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, khơi nguồn, truyền cảm hứng, sự tự tin dân tộc cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; Tiếp tục tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tích cực, phong phú, hiệu quả hơn nữa; dứt khoát không để xảy ra khủng hoảng truyền thông.
6. Đối với một số kiến nghị cụ thể, cơ bản xác đáng, cần được giải quyết, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động làm việc với các cơ quan liên quan, thống nhất phương án xử lý, trình Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì chỉ đạo, xử lý trực tiếp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.
Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Hiệu, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Xây dựng sổ tay phòng, chống dịch tại các KCN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát tốt ở các khu cách ly tập trung, kết hợp tăng tốc xét nghiệm, tuyệt đối không để lây chéo; rút kinh nghiệm, xây dựng sổ tay phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp (KCN).
Thông báo 111/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia với UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nêu rõ: Các ổ dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh là ổ dịch rất phức tạp, người lao động đặc biệt ở KCN, làm việc trong phòng lạnh, khép kín cộng với biến thể mới của virus lây lan nhanh, các cá nhân chưa thực hiện nghiêm 5K.
Khi dịch bùng phát tại các KCN của Bắc Ninh và Bắc Giang, các bộ, ngành, đơn vị, các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đã khẩn trương chi viện, điều phối lực lượng tối ưu để hỗ trợ 02 tỉnh, từ sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, tập huấn, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị, … để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp chưa bảo đảm an toàn COVID-19 trong lao động, sản xuất, khi phát hiện ca nhiễm việc xử lý, quản lý, khoanh vùng, giám sát trong khu cách ly chưa được chặt chẽ, nên tốc độ kiểm soát dịch chậm hơn dự kiến.
Tăng tốc xét nghiệm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải tăng tốc xét nghiệm: tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở KCN có nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân, xét nghiệm sàng lọc sớm để có các giải pháp chuẩn bị phòng, chống dịch cần thiết.
Bộ Y tế thành lập nhóm chuyên gia hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là Bắc Giang thực hiện kết hợp các loại xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau (tương tự như cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng cho các bệnh viện cả nước).
Phó Thủ tướng đồng ý nguyên tắc việc Bộ Y tế khẩn trương mua sắm một số xe xét nghiệm lưu động theo thẩm quyền, đúng quy định, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với y tế quân đội, công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng (nhân lực, thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất…) khẩn trương chi viện kịp thời cho tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn, nhất là tại KCN, với phương châm “Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là cácKCN, lực lượng này lên đường chi viện ngay”.
Công bố đường dây nóng tiếp nhận khai báo y tế kịp thời
Về hỗ trợ khai báo y tế thông qua đường dây nóng, Phó Thủ tướng yêu cầu việc khai báo y tế đã có quy định, được triển khai thực hiện ngay từ khi bắt đầu có dịch, với những người đi, đến trong vùng dịch, người vào bệnh viện, hành khách trên các chuyến bay, các đối tượng F2, F3.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện không nhất quán; việc khai báo y tế điện tử còn phức tạp; không có hệ thống kết nối liên thông, quản lý dữ liệu đã khai báo y tế; phải khai báo nhiều lần. Dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, đã không hoàn thành trách nhiệm hết sức cần thiết của mình, gây ra hậu quả rất đáng tiếc, làm lây lan dịch trong cộng đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng, Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia thiết lập, công bố số điện thoại đường dây nóng; đồng thời, tổ chức lực lượng tình nguyện viên kết hợp điện thoại viên để tiếp nhận, người dân khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí, không để ách tắc.
Các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giao thông và vận tải, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương hoàn thiện các công cụ liên thông dữ liệu; bảo đảm thuận lợi nhất khi cần cập nhật, bổ sung thông tin đã khai báo y tế.
Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các tỉnh (trước hết Bắc Giang, Bắc Ninh) bổ sung các đối tượng cần thiết khai báo y tế (như công nhân KCN) đảm bảo yêu cầu chống dịch.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu đảm bảo an toàn, không lộ lọt, chỉ sử dụng phục vụ mục đích phòng chống dịch.
Tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và lây ra cộng đồng
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia đặc biệt lưu ý các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát tốt ở các khu cách ly tập trung, kết hợp tăng tốc xét nghiệm, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng. Khi sử dụng các khu ký túc xá làm khu cách ly tập trung cần có hệ thống camera giám sát, bảo đảm an toàn.
Theo dõi sát tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt lưu ý các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tiên lượng sớm, kịp thời chuyển lên tuyến trên.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phân công từng thành viên là Lãnh đạo các bộ, ngành theo dõi các địa bàn; giao Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chịu trách nhiệm điều phối lực lượng tối ưu tại Bắc Giang; đúc rút kinh nghiệm, xây dựng sổ tay phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.
Phải luôn 'trực chiến' chống dịch COVID-19
Tại Thông báo số 110/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương phải luôn trong tình trạng “trực chiến”. Khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.
Thông báo nêu rõ, các lực lượng địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Đến nay các ổ dịch ở Hà Nam, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tốc độ kiểm soát dịch tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn chậm. Nguy cơ vẫn còn rất cao, đặc biệt liên quan tới các khu công nghiệp. Do vậy, cần tăng cường mạnh mẽ công tác chống dịch, đặc biệt cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời.
Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn xét nghiệm đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ hai tỉnh tăng tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để trong vài ngày tới kiểm soát được dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia đánh giá cao việc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương hỗ trợ, chi viện Bắc Giang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm.
Thông báo cũng nêu rõ, trong cộng đồng đã có mầm bệnh, dịch có thể bùng phát ở bất kỳ địa phương nào, lây lan nhanh trong cộng đồng. Cả hệ thống, đặc biệt là cơ quan chức năng ở địa phương phải luôn trong tình trạng “trực chiến”. Khi phát hiện ca chỉ điểm là ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể. Đồng thời tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm 5K đối với cá nhân, an toàn COVID-19 đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tổ chức ngay nhóm chuyên gia hỗ trợ cho các địa phương có dịch, đặc biệt tổ chức xét nghiệm tương tự như đã thực hiện đối với công tác điều trị.
Tổ phân tích thông tin của Ban Chỉ đạo tăng cường hoạt động của tình nguyện viên hỗ trợ thông tin quản lý các trường hợp F2, F3 và việc khai báo y tế.
Các địa phương không “ngăn sông, cấm chợ”, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân; tăng cường kiểm soát chuyên gia, kỹ sư, công nhân, người lao động,… đang làm việc ở vùng có dịch nhưng cư trú ở địa phương khác.
Tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang gửi danh sách kỹ sư, công nhân, người lao động cư trú ở tỉnh khác để tăng cường công tác quản lý, thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp, tần suất xét nghiệm phù hợp, bảo đảm an toàn cả nơi sản xuất và nơi cư trú.
Khiển trách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La
Tại Quyết định 716/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2016-2021, do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Tập trung xây dựng, sớm trình dự thảo Nghị định về lấn biển
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án lấn biển.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển như đã được giao tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, đảm bảo chất lượng, sớm trình Chính phủ vào quý II/2021 để giải quyết căn bản các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án lấn biển.
Để đảm bảo đủ cơ sở xem xét vấn đề tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án lấn biển trong lúc Nghị định về lấn biển chưa được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiến hành rà soát tình hình triển khai các dự án lấn biển trong thời gian qua để xác định, đánh giá cụ thể các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao khu vực biển, giao đất, cho thuê đất khi triển khai...; trên cơ sở đó, nếu thấy cần thiết, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan thống nhất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.