In bài viết

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 19/7/2022.

19/07/2022 18:03

Đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng với các nhà đầu tư dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng (ETC) và các đơn vị có liên quan đã quyết liệt triển khai đầu tư hệ thống thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc theo quy định tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay số phương tiện dán thẻ định danh và sử dụng dịch vụ thu phí ETC còn thấp, điều này chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí ETC.

Không sử dụng hình thức thu tiền mặt từ ngày 1/8

Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với phương tiện xe ô tô, nhằm phát huy tối đa hiệu quả hệ thống thu phí ETC theo đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí một dừng (sử dụng tiền mặt), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đề nghị người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương tiếp tục chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 155/CĐ-TTg ngày 22/02/2022; không sử dụng hình thức thu phí một dừng (dùng tiền mặt) kể từ ngày 01/8/2022.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt công tác dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện (lưu ý công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại các trạm thu phí số điện thoại, địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ cũng như tiếp nhận phản ánh của người tham gia giao thông); tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; khắc phục triệt để các lỗi kỹ thuật, nhất là lỗi nhận diện thẻ định danh tại các trạm thu phí ETC.

Mở đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về hoạt động của hệ thống thu phí ETC

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị Đăng kiểm xe cơ giới, các Nhà đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có thu phí, các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông khi đến đăng kiểm; nghiên cứu phương án dán thẻ định danh là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; nghiên cứu mở kênh giao tiếp điện tử và số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của hệ thống thu phí ETC.

Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng của địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện điều tiết giao thông tại khu vực trạm thu phí ETC; xử phạt nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với phương tiện cố tình vi phạm hoạt động thu phí ETC, gây mất trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong giai đoạn sau ngày 01/8/2022 (khi các trạm thu phí chấm dứt làn thu phí thủ công để chuyển sang thu phí ETC và chỉ duy trì 01 làn thu phí hỗn hợp tại mỗi trạm thu phí).

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận để người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ thu phí ETC theo đúng quy định của pháp luật, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí một dừng sử dụng tiền mặt.

Không điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông khẩn trương thực hiện dán thẻ định danh đối với phương tiện và thực hiện đầy đủ điều kiện để tham gia dịch vụ thu phí ETC nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống thu phí ETC; không điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí ETC lưu thông vào các làn thu phí ETC gây ách tắc giao thông. Trường hợp phát hiện bất cập của hệ thống thu phí ETC gây ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông bình thường của phương tiện thì phản ánh ngay với Nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong đó, bổ sung khoản 8 Điều 34 Đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể, từ ngày 01/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

Nghị định cũng bổ sung điểm đ khoản 3 (đơn vị kinh doanh vận tải) Điều 11 quy định về công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hoá cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về: Tên hàng hoá, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh thư nhân dân/số thẻ căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 13 Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như sau: Không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Nghị định 47/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.


Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của Hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021 – 2025.

Đề án trên được thực hiện từ năm  2021 đến năm 2025 tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng biện pháp thích ứng hiệu quả

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đề án phấn đấu đến năm 2025, 100% hợp tác xã nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long được tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm, thủy sản và diêm nghiệp.

Mỗi tỉnh có từ 3 - 5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn để nghiên cứu, học tập và nhân rộng.

100% hợp tác xã nông nghiệp trong các lưu vực hệ thống thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bình quân các hợp tác xã trong lưu vực tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp từ 10% trở lên.

Đề án phấn đấu hình thành các diễn đàn về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, các sáng kiến, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực; thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Phát triển đa dạng mô hình liên kết

Trong đó, Đề án triển khai hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và người dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy hiệu quả các công trình đã được đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (nhất là đối với hệ thống công trình cống Cái Lớn - Cái Bé); hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống chống chịu phù hợp với hệ thống canh tác mới; sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, ASC…); áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tổ chức sản xuất quy mô lớn, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; phát triển đa dạng mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa hợp tác xã với hộ nông dân, mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín của hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn, mô hình thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp kiến thức bản địa.

Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp và thành viên hợp tác xã phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, bảo quản, chế biến lúa gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và diêm nghiệp; sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao.


Kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Phó Trưởng ban thường trực.

Phó Trưởng ban gồm: Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các thành viên gồm đại diện Lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tư pháp, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cơ quan có thành viên Ban Chỉ đạo gửi văn bản cử đại diện Lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 22/7/2022 để tổng hợp.

Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đạo việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của Quốc hội; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo

Các thành viên Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực công tác được giao và tuân thủ các quy định về Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành. Đôn đốc bộ, ngành mình góp ý trong quá trình soạn thảo luật.

Trưởng ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Phó Trưởng ban Chỉ đạo và các ủy viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền và sử dụng con dấu của cơ quan mình công tác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, góp ý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổng hợp báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và cấp có thẩm quyền theo quy định; tổng hợp danh sách thành viên Ban Chỉ đạo; quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ được giao.


Phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 856/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026) thông qua tại phiên họp ngày 26/12/2021.

Theo đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, Đoàn Luật sư là thành viên Liên đoàn; thực hiện chế độ tự quản của tổ chức luật sư trong phạm vi cả nước nhằm xây dựng các giá trị chuẩn mực của luật sư Việt Nam, phát triển đội ngũ luật sư có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của xã hội và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các luật sư Việt Nam; có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản.

Biểu tượng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là hình tròn nền xanh da trời, chính giữa là cán cân công lý gắn với hình tượng cuốn sách, dưới cán cân công lý là dòng chữ "VIETNAM BAR FEDERATION", hai bên mỗi bên có ba dải màu vàng đậm, phía trên là ngôi sao vàng hình cờ Tổ quốc Việt Nam và dòng chữ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tên giao dịch quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là Vietnam Bar Federation (viết tắt là VBF). Trụ sở của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt tại Hà Nội.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự quản, dân chủ, bình đẳng, thiểu số phục tùng đa số theo quy định của Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; chịu sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

7 nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Quyết định nêu rõ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 65 của Luật Luật sư. 

2. Đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của các Đoàn Luật sư, luật sư thành viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn. 

3. Đại diện và bảo vệ quyền hành nghề, lợi ích hợp pháp của các luật sư, Đoàn Luật sư là thành viên của Liên đoàn ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 

4. Thực hiện hợp tác quốc tế và hướng dẫn, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ Liên đoàn đối với hoạt động hợp tác quốc tế của các Đoàn Luật sư, luật sư thành viên. 

5. Quản lý, sử dụng tài sản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam theo quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn. 

6. Báo cáo quyết toán tài chính về việc tiếp nhận, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách, nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài gửi Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp định kỳ hằng năm hoặc theo yêu cầu. 

7. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.

Các cơ quan và đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Quyết định cũng quy định cụ thể về các cơ quan và đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Hội đồng Luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam giữa hai kỳ Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc.

Ban Thường vụ Liên đoàn là cơ quan điều hành của Liên đoàn Luật sư Việt Nam giữa hai kỳ họp của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Văn phòng Liên đoàn, Cơ quan đại diện của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và các ủy ban là cơ quan giúp việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 

Các đơn vị trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc triệu tập theo nhiệm kỳ 05 năm một lần

Theo Quyết định, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc do Hội đồng Luật sư toàn quốc triệu tập theo nhiệm kỳ 05 năm một lần, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày đến hạn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mà Hội đồng Luật sư toàn quốc không triệu tập Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn có trách nhiệm báo cáo Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đại hội có thể được triệu tập bất thường theo quyết định của Hội đồng Luật sư toàn quốc; hoặc yêu cầu của ít nhất 2/3 tổng số ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc; hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bầu bổ sung ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc hoặc quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc./.