Các lực lượng tiếp cận hiện trường cứu người bị nạn (Ảnh: QĐND).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 về việc lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh.
Công điện gửi Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, nêu rõ:
Về việc lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh (20°52'24"' N-107°04'30"E, phía Đông của Hang Đầu Gỗ) vào hồi 15h30 ngày 19 tháng 7 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần, chu đáo tới người bị nạn và chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong; đồng thời chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
Để kịp thời khắc phục hậu quả tai nạn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tìm mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện đang hoạt động gần khu vực tàu bị nạn khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn. Điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động.
2. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức theo dõi công tác tìm kiếm cứu nạn, kịp thời điều phối, huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của các Bộ, địa phương theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn, thông báo cho tàu, thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản tại khu vực tàu bị nạn tăng cường quan sát, phối hợp tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
4. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hỗ trợ người và phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ và các trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để đáp ứng yêu cầu nhanh nhất việc tìm kiếm cứu nạn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 113/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 về thực hiện các giải pháp phát triển hiệu quả vận tải đường thủy thúc đẩy phát triển logistics trong lĩnh vực vận tải.
Tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển có xu hướng ngày càng tăng.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu rõ: Việt Nam có hệ thống sông ngòi, với tổng chiều dài có khả năng khai thác vận tải khoảng 42.000 km, cùng đường bờ biển dài hơn 3.260 km và nhiều cửa sông, vịnh tự nhiên thuận lợi. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển - một phương thức vận tải có chi phí thấp, khả năng chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, đường sắt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, phương thức vận tải này thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Thời gian qua, vận tải thủy đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển có xu hướng ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào hoạt động logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do phương thức vận tải này chưa được thực sự quan tâm đầu tư, các chính sách cho phát triển kết cấu hạ tầng vận tải thủy chưa tương xứng nên kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải thủy vẫn còn bất cập; năng lực đội tàu, công tác quản lý phương tiện, chất lượng nguồn nhân lực và kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại, tạo động lực mới cho ngành vận tải thủy phát triển nhanh và bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng rất lớn, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước, góp phần thực hiện thành công cam kết đạt chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo:
a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng hải, đường thủy, tập trung các chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải thủy, nguồn nhân lực, phát triển công nghệ; hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
b) Rà soát, cập nhật quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch cảng biển đảm bảo tính liên thông, đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Ưu tiên đầu tư, cải tạo nâng cấp luồng tuyến chính, các cảng bến thủy nội địa, các cảng biển trọng điểm, đặc biệt tại các vùng kinh tế động lực (Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long); hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
c) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm, cấp phép, quản lý phương tiện và vận tải thủy; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành khai thác.
d) Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư các cảng thủy nội địa, bến cảng biển trên các tuyến sông chính như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, Cái Mép - Thị Vải và vùng ven biển để kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa theo hình thức phù hợp hoặc ưu tiên bố trí vốn đầu tư công một số cảng, bến cảng quan trọng; hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
đ) Xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải đường thủy nội địa giai đoạn 2026 - 2035, trong đó làm rõ sự cần thiết, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để kịp thời đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2025.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo:
a) Chủ trì cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 cho các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đường thủy, hàng hải (bao gồm luồng tuyến; cảng, bến cảng);
b) Ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, cảng, bến thủy nội địa và cảng biển.
d) Chủ trì, nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải thủy;
đ) Xem xét cơ chế hỗ trợ vốn vay, tín dụng ưu đãi cho đầu tư đóng mới, cải hoán phương tiện vận tải thủy phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường.
e) Tổng Công ty hàng hải Việt Nam nghiên cứu đầu tư một số cảng thủy nội địa, bến cảng biển theo danh mục tại điểm d khoản 1 nêu trên.
3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nghiên cứu đầu tư một số cảng thủy nội địa trọng điểm, bến cảng biển theo danh mục tại điểm d khoản 1 nêu trên.
4. Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan, ban, ngành ở địa phương đảm bảo an ninh, trật tự và hỗ trợ địa phương khi triển khai các tuyến đường thủy trên phạm vi cả nước.
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ vận tải thủy nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng.
6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo:
a) Rà soát đơn giản hóa thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để phát triển hạ tầng cảng, bến thủy nội địa, cảng biển, nạo vét luồng hàng hải, đường thủy theo quy hoạch; rà soát các vướng mắc, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định của pháp luật về đê điều để tạo thuận lợi tối đa cho các dự án đầu tư các công trình cảng thủy nội địa, bến cảng biển khu vực ngoài đê, đặc biệt là khu vực phía Bắc; hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
b) Rà soát cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải, đường thủy.
7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Rà soát, cập nhật quy hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất phục vụ xây dựng cảng thủy nội địa, bến cảng biển theo quy hoạch; tích hợp quy hoạch trung tâm logistics, kho bãi, trung tâm phân phối hàng hóa gắn với vận tải thủy nội địa; hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
b) Cập nhật trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bố trí quỹ đất của địa phương phục vụ xây cảng thủy nội địa, bến cảng biển theo quy hoạch; hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
c) Căn cứ các lợi thế tại từng địa phương, chủ động đề xuất danh mục dự án hạ tầng cần tập trung phát triển; hoàn thành trong tháng 9 năm 2025.
d) Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ luồng tuyến, cảng bến thủy nội địa, cảng biển luồng hàng hải đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn.
8. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan khác chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên thúc đẩy phát triển vận tải thủy; Định kỳ hằng Quý (trước ngày 25 của tháng cuối Quý) gửi kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng để tổng hợp báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trước ngày 30 của tháng cuối Quý.
9. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện này, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ký Quyết định số 1562/QĐ-TTg ngày 18/7/2025 về việc bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị.
Bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị
Quyết định nêu rõ, hoạt động liên thông, đồng bộ thông qua các nền tảng chia sẻ dùng chung dữ liệu bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được liên thông, đồng bộ trên các nền tảng chia sẻ dùng chung (Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh).
Hoạt động liên thông, đồng bộ phục vụ chuyển đổi số gắn liền với hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Hạ tầng kết nối
Theo Quyết định, các yêu cầu kỹ thuật đối với hạ tầng kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng là hạ tầng kết nối liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (gọi là cơ quan Đảng, Nhà nước).
Hạ tầng kết nối được đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại, tiên tiến, thống nhất, tập trung, xuyên suốt, băng thông rộng, tốc độ cao, kết nối an toàn, có dự phòng và khả năng mở rộng đáp ứng các yêu cầu tại Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ và Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Các yêu cầu kỹ thuật đối với hạ tầng kết nối
Kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ liên thông, đồng bộ giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của cơ quan Đảng, Nhà nước sử dụng tối thiểu hai kênh truyền cáp quang theo hai hướng vật lý khác nhau với thiết bị kết nối có giao diện bảo đảm băng thông rộng và tốc độ cao.
Tuân thủ các quy định về hạ tầng kết nối tại Điều 27 của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Điều 7 của Quyết định số 8/2023/QĐ-TTg và mô hình Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam.
Mô hình kết nối liên thông, đồng bộ thể hiện tại Phụ lục ban hành kèm Quyết định này.
Dữ liệu, nền tảng, hệ thống thông tin
Quyết định nêu rõ: Dữ liệu bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được liên thông, đồng bộ trên các nền tảng chia sẻ dùng chung (Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh).
Các cơ quan Đảng, Nhà nước sử dụng các nền tảng chia sẻ dùng chung (Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh) hoặc nền tảng dùng chung khác của đơn vị để liên thông, đồng bộ dữ liệu trong hoạt động chuyển đổi số nội bộ.
Việc liên thông, đồng bộ dữ liệu, nền tảng, hệ thống thông tin giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước phải được định danh và xác thực theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 47/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật liên quan.
Phương thức liên thông dữ liệu, nền tảng, hệ thống thông tin giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan; phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam.
Bảo đảm an toàn thông tin mạng, bí mật nhà nước
Quyết định nêu rõ, hệ thống thông tin, trung tâm dữ liệu tham gia liên thông, đồng bộ phải được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt và tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Hoạt động liên thông, đồng bộ liên quan thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải tuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước và cơ yếu.
Dữ liệu thuộc bí mật nhà nước khi liên thông, đồng bộ được phân loại, mã hóa bằng giải pháp bảo mật cơ yếu theo đúng cấp độ bí mật và được xử lý trên các hệ thống đáp ứng yêu cầu bảo mật tương ứng, do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan chủ quản dữ liệu, nền tảng, hệ thống thông tin chủ trì xây dựng phương án và tổ chức thực hiện liên thông thuộc phạm vi quản lý bảo đảm các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật./.