Dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến
Ngày 20/11/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 195/NQ-CP về việc dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ phê duyệt chủ trương dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trên cơ sở Tờ trình số 154/TTr-BTC ngày 19/7/2023 của Bộ Tài chính.
Gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ
Chính phủ ban hành Nghị quyết 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) tại Quyết định số 316/QĐ- TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile-Money như sau: "Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024".
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile-Money trước tháng 5/2024.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ đúng theo quy định
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký văn bản số 1124/TTg-KTTH về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Văn bản nêu: Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money).
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thí điểm đúng theo quy định và pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, biến tướng, lợi dụng vi phạm pháp luật, rủi ro ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, an toàn hệ thống thanh toán, tài chính, tiền tệ quốc gia và hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Mobile - Money trước tháng 5/2024 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 192/NQ-CP ngày 18/11/2023.
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm nhân sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký các quyết định bổ nhiệm nhân sự Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông
Cụ thể, tại Quyết định 1426/QĐ-TTg ngày 20/11/2023, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Xuân Thế, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Quốc phòng.
Tại Quyết định 1428/QĐ-TTg ngày 20/11/2023, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Quốc Hương, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5 giữ chức Phó Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Quốc phòng.
Tại Quyết định 1425/QĐ-TTg ngày 20/11/2023, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Thiếu tướng La Công Phương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 giữ chức Phó Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng.
Tại Quyết định 1427/QĐ-TTg ngày 20/11/2023, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại tá Lương Đình Chung, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi giữ chức Phó Chính ủy Quân khu 5, Bộ Quốc phòng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1429/QĐ-TTg ngày 20/11/2023 bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Phương, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1399/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Bến Tre bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bến Tre và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10 - 10,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 170 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2,5%...
Đến năm 2050, Bến Tre là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, môi trường sống xanh, sạch; phấn đấu trở thành đơn vị hành chính đô thị loại I đặc thù, đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao và trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; xã hội phát triển hài hòa, văn minh, hiện đại; môi trường, trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ; con người phát triển toàn diện, có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Các đột phá phát triển
Về các đột phá phát triển, tập trung phát triển hạ tầng giao thông ven biển, cảng biển, hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh); phát triển đô thị - dịch vụ - du lịch tổng hợp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từng bước mở rộng không gian ra hướng Đông để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, tạo hành lang kinh tế ven biển kết nối với vùng động lực kinh tế phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách đột phá để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư vào các chương trình, dự án ưu tiên cho đầu tư phát triển của tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật. Chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng chính quyền số, xã hội số. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, nhất là trong quản lý và các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh), vận tải, logistics, chuyển đổi số và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu
Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp gia công kim loại; sản xuất, lắp ráp thiết bị và cụm linh kiện điện, điện cơ, cơ điện tử; công nghiệp sản xuất điện (năng lượng tái tạo, năng lượng mới), công nghiệp hóa chất; khuyến khích các nhà đầu tư tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường.
Hình thành một số cụm công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản và thực phẩm chất lượng cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung nhằm thúc đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất các sản phẩm quang học, phần mềm, các sản phẩm phục vụ xây dựng đô thị thông minh; các dự án điện gió, khí hóa lỏng (LNG), dự án điện rác và điện sinh khối; phát triển nguồn năng lượng mới (hydro xanh); xây dựng, cải tạo nâng cấp và phát triển mới hạ tầng lưới điện.
Liên kết sản xuất các ngành cơ khí, chế tạo, xây dựng và công nghiệp hỗ trợ; các sản phẩm hóa dược và dược phẩm y tế; hydro xanh, amoniac xanh; hóa chất phục vụ nông nghiệp, sản xuất thiết bị phục vụ ngành chế biến nông sản.
3 vùng kinh tế - xã hội và 5 hành lang kinh tế
Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre được tổ chức thành 3 vùng kinh tế - xã hội và 5 hành lang kinh tế, cụ thể:
Trong đó, ba vùng kinh tế - xã hội gồm:
Vùng ven biển phía Đông của tỉnh (gồm huyện Ba Tri, huyện Bình Đại, huyện Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre): Là vùng động lực phát triển của tỉnh, đột phá là các ngành kinh tế biển, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; kinh tế hàng hải (vận tải biển); dịch vụ và du lịch; vui chơi giải trí, sân golf; phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Vùng Bắc sông Hàm Luông (gồm thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm): Tập trung phát triển Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là công nghiệp - đô thị vệ tinh cho các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh). Khai thác tối đa lợi thế các trục hành lang kinh tế đi qua: Trục thành phố Bến Tre - đô thị Giồng Trôm - đô thị Ba Tri; trục đô thị Chợ Lách - đô thị Châu Thành - đô thị Bình Đại; trục đô thị Châu Thành - thành phố Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.
Vùng Nam sông Hàm Luông (gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách): Tập trung phát triển Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái). Khai thác hiệu quả 2 hành lang kinh tế đi qua: Trục đô thị Chợ Lách - đô thị Mỏ Cày - đô thị Thạnh Phú; trục đô thị Châu Thành - thành phố Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.
Năm hành lang kinh tế gồm:
03 Hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông (Hành lang kinh tế hướng Đông) gồm: Hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57B; hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57C; hành lang kinh tế dọc theo trục chính quốc lộ 57. Trọng tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, đô thị.
02 Hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam gồm: Hành lang kinh tế dọc theo quốc lộ 60, đường cao tốc CT33 và hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện (Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú) và gắn kết nối khu vực ven biển các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, dịch vụ logistics, cảng biển, du lịch sinh thái biển, phát triển các khu vui chơi giải trí cao cấp, sân golf, phát triển các đô thị xanh, thông minh.
Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 20/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Dự án).
Quyết định nêu rõ: Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Taseco là nhà đầu tư Dự án.
Quy mô sử dụng đất của dự án là 223 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án 2.320,277 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 348,041 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án được thực hiện tại các phường: Yên Bắc, Tiên Nội và Hòa Mạc; các xã: Tiên Ngoại và Yên Nam và thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Quyết định nêu rõ: Dự án không được áp dụng chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm về sự phù hợp của dự án với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cập nhật vị trí và quy mô diện tích khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông vào phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất tỉnh Hà Nam 05 năm 2021-2025 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai; tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng…
Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Taseco (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa và có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định tại khoản 3 Điều 134 Luật Đất đai và Điều 45 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014; thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan…
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính ngày 16/11/2023
Ngày 20/11/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 476/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính ngày 16/11/2023. Việc triển khai cải cách TTHC chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các bộ, địa phương đã vượt qua khó khăn, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác cải cách TTHC.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo Kế hoạch năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: việc chậm công bố TTHC của các bộ làm ảnh hưởng đến việc công bố, công khai của địa phương; thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công chưa thực chất; quy trình xử lý hồ sơ chưa được thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy hiệu quả, tỷ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa thấp; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; chưa bảo đảm việc đồng bộ đầy đủ 100% trạng thái hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nguyên nhân là: Người đứng đầu một số bộ, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt chỉ đạo đối với công tác này; các quy định về thiết lập, quản lý, sử dụng dữ liệu giữa các ngành lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả dẫn tới kéo dài thời gian xử lý công việc.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các nhiệm vụ cải cách TTHC, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06/8/2023, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tổ công tác.
Cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm và khó, phải thay đổi thói quen, cách làm, do đó các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực tế cho thấy trong những điều kiện, hoàn cảnh tương đồng, nhưng vẫn có bộ, địa phương làm tốt hơn.
Các địa phương không được ban hành TTHC trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình ban hành TTHC mới, bảo đảm các TTHC dễ hiểu, dễ thực hiện và công bố đầy đủ, công khai, kịp thời theo quy định. Các địa phương không được ban hành TTHC trừ trường hợp được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định TTHC trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC, hoàn thành trong tháng 12/2023.
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tái sử dụng dữ liệu số hóa và khai thác triệt để lợi ích mang lại của Đề án 06. Thực hiện xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử để khắc phục tình trạng tiếp nhận hồ sơ điện tử nhưng quy trình xử lý bên trong lại bằng giấy, ảnh hưởng đến việc cung cấp kết quả điện tử và tái sử dụng dữ liệu đã có trong hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện trong tháng 12/2023. Khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư về công nghệ thông tin và triển khai Đề án 06, trình Chính phủ ban hành trước ngày 31/12/2023.
Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan liên quan trả lời các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của 3 bộ, 8 địa phương và theo dõi, đôn đốc việc trả lời, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác.
Tăng vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1434/QĐ-TTg ngày 20/11/2023 sửa đổi Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; sửa đổi Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Theo đó, sửa đổi Điều 1 Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như sau:
Thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi ngày 18/6/2012.
Vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.281.018.572.109 đồng. (Theo Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.000 tỷ đồng).
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trụ sở chính ở thành phố Hà Nội, văn phòng đại diện và các chi nhánh ở một số khu vực.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Deposit Insurance of Vietnam, viết tắt là DIV.
Bên cạnh đó, sửa đổi khoản 1 Điều 5 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.281.018.572.109 đồng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (20/11/2023).
Xử lý kiến nghị của 3 địa phương
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 9082/VPCP-QHĐP ngày 20/11/2023 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội.
Văn bản nêu rõ, Văn phòng Quốc hội có các văn bản: số 2821/TB-VPQH, số 2820/TB-VPQH, số 2819/TB-VPQH ngày 26 tháng 10 năm 2023, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định pháp luật về một số kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
Xử lý kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ
Về hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án trọng điểm về giao thông và các công trình trọng điểm khác đang triển khai trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để giao mỏ cho các Nhà thầu khai thác chậm nhất trong năm 2023, tuân thủ cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công điện số 794/CĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2023) về việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng giao thông và công trình xây dựng khác.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện chuỗi dự án Khí - Điện lô B Ô Môn (bao gồm các dự án thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn), sớm khởi công các Nhà máy Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV.
Về việc hoàn thành thủ tục và bàn giao đất quốc phòng cho thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ khẩn trương lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2023.
Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ trong việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu; định hướng tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện dự án; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá sản phẩm tận thu của Dự án.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Đề án chung về định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 148/TB-VPCP ngày 23 tháng 8 năm 2023. Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương có liên quan (trong đó có thành phố Cần Thơ) nghiên cứu xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không, huy động nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển theo quy hoạch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014, trình Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2023.
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 11 năm 2023; trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ hoàn thiện hồ sơ dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kiến nghị của thành phố Cần Thơ về việc đề xuất sửa đổi Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.
Về ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014, trình Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2023.
Xử lý kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng
Về việc tỉnh Sóc Trăng thực hiện một số "Cơ chế đặc thù" trong khai thác cát biển: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá toàn diện tác động môi trường, đặc biệt là sự ổn định của đới bờ biển, nguy cơ gây xói lở bờ biển… để có cơ sở xem xét việc khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng hạ tầng (trong đó có việc san lấp khu logistics diện tích 4000 ha thuộc dự án Cảng Trần Đề), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.
Về hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (gồm tuyến đê chắn sóng, nạo vét, thiết lập tuyến luồng hàng hải, vùng trả đón hoa tiêu) của dự án Cảng Trần Đề: Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng làm rõ khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa và năng lực của nhà đầu tư, đề xuất phương án đầu tư, trong đó ưu tiên huy động nguồn vốn xã hội hóa. Nguồn vốn đầu tư công hỗ trợ thực hiện dự án sẽ được xem xét khi đã rõ phương án xã hội hóa, nhà đầu tư, khả năng cân đối của ngân sách trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.
Về kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các chính sách hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển văn hóa - xã hội và du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.
Về ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 6503/VPCP-NN ngày 23 tháng 8 năm 2023.
Về ban hành chính sách đầu tư hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp, tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Sớm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, tập trung nguồn lực phát triển và cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị nêu trên trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực nông nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.