In bài viết

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/5

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 20/5.

21/05/2022 09:44

Phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan;...

Chiến lược đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu: Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành hải quan số; 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan.

Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu.

100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và  được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Xây dựng mô hình hải quan thông minh với mức độ số hóa, tự động hóa ngày càng cao

Chiến lược đưa ra những giải pháp về thể chế, nghiệp vụ hải quan, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hợp tác, hội nhập quốc tế, hợp tác giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan.

Trong đó, về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, sẽ áp dụng phương pháp quản lý theo chuỗi: Triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại Khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của Tổ chức hải quan thế giới (WCO); quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện bảo hiểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu; tái thiết kế hệ thống quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan làm cơ sở để xây dựng mô hình hải quan số theo kiến trúc Chính phủ số, hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO với mức độ số hóa và tự động hóa ngày càng cao.

Triển khai mô hình quản lý biên giới hải quan thông minh theo khuyến nghị của WCO đảm bảo cơ quan hải quan có thể giám sát, kiểm soát hàng hóa từ đầu vào các nguồn nguyên liệu đến khi đưa vào sản xuất, chế biến, vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu.

Triển khai hải quan xanh

Triển khai hải quan xanh, khuyến khích và thúc đẩy hoạt động thương mại hướng tới phát triển bền vững theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn thông qua việc triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và động vật hoang dã mà Việt Nam đã ký kết, có những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện các giải pháp theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Giám sát và kiểm soát hiệu quả sự di chuyển hàng hóa xuyên biên giới, kịp thời ngăn chặn các vi phạm ảnh hưởng tới sức khỏe con người, ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái bảo vệ động vật hoang dã.

Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Xây dựng, triển khai mô hình thông quan tập trung thông qua việc hình thành các địa điểm kiểm tra hồ sơ hải quan tập trung tại các Hải quan Vùng. Xây dựng, triển khai mô hình địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Xây dựng bộ máy hải quan 3 cấp tinh gọn, giảm đầu mối trung gian

Về tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, sẽ xây dựng tổ chức bộ máy Hải quan 3 cấp (cấp tổng cục, cấp vùng và cấp chi cục) theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh.

Tổ chức hoạt động của bộ máy theo hướng hải quan vùng. Việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan theo hướng tập trung theo phương thức điện tử. Việc kiểm tra thực tế, giám sát hàng hóa, theo dõi quản lý hoạt động nhập khẩu hàng hóa cơ bản được giao cho chi cục hải quan cửa khẩu hoặc chi cục hải quan quản lý địa bàn nơi doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực hiện.

Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu (đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt); đơn vị phân loại hàng hóa; đơn vị quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; đơn vị kiểm tra hồ sơ hải quan.

Kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác kiểm định hải quan để triển khai Đề  án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, được tổ chức, quản lý khoa học, gắn với nhu cầu thực tiễn của vị trí việc làm với năng lực của từng cá nhân, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại. Đội ngũ công chức cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia nghiệp vụ 2 cấp tổng cục và hải quan vùng.

 Bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 20/5 bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội và Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Theo đó, bổ sung 512 tỷ  đồng từ nguồn chi sự nghiệp đảm bảo xã hội của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện các Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020, Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/1/2021, Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 14/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Cụ thể, bổ sung 67,4 tỷ  đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương, gồm: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội 59,4 tỷ đồng; Bộ Y tế 2 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mỗi đơn vị 1 tỷ đồng.

Bổ sung 444,6 tỷ đồng cho 63 địa phương.

Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác của nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất. Bộ Tài chính thông báo bổ sung dự toán năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan thực hiện theo quy định. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Chương trình năm 2022 bảo đảm đúng quy định.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương căn cứ kinh phí được bổ sung nêu trên để thực hiện nhiệm vụ của Chương trình. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Xuất cấp 2.455 tấn hạt giống hỗ trợ 2 tỉnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 2.400 tấn hạt giống lúa, 55 tấn hạt giống ngô từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế 1.500 tấn hạt giống lúa; 5 tấn hạt giống ngô; tỉnh Quảng Trị 900 tấn hạt giống lúa; 50 tấn hạt giống ngô.

Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; thực hiện tiếp nhận, phân bổ và sử dụng số hạt giống cây trồng nêu trên kịp thời, đúng quy định./.