Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định 66/2022/NĐ-CP ngày 20/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc.
Theo đó, Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc
Ủy ban Dân tộc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.
Trong đó, trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội ban hành các chính sách dân tộc; tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam; ban hành chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế-xã hội ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; chính sách để đồng bào dân tộc thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình; chính sách đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng công tác giáo dục, đào tạo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trong việc lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội và các nguồn lực khác cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đề xuất và tham gia thẩm định các chương trình, dự án, đề án, chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng những điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ủy ban Dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án tăng cường công tác truyền thông, đưa thông tin về cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, truyền phát trực tuyến các kênh phát thanh, truyền hình dân tộc trên mạng internet; phối hợp thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc gồm: 1- Vụ Kế hoạch-Tài chính; 2- Vụ Tổ chức cán bộ; 3- Vụ Pháp chế; 4- Vụ Hợp tác quốc tế; 5- Vụ Tổng hợp; 6- Vụ Chính sách dân tộc; 7- Vụ Tuyên truyền; 8- Vụ Dân tộc thiểu số; 9- Vụ Công tác dân tộc địa phương; 10- Thanh tra; 11- Văn phòng; 12- Học viện Dân tộc; 13- Trung tâm Chuyển đổi số; 14- Báo Dân tộc và Phát triển; 15- Tạp chí Dân tộc; 16- Nhà khách Dân tộc.
Các đơn vị quy định từ (1) đến (11) nêu trên là các đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các đơn vị quy định từ (12) đến (16) là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý Nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
Vụ Công tác dân tộc địa phương có các bộ phận phụ trách địa bàn đóng trụ sở tại tỉnh Đắk Lắk, thành phố Cần Thơ.
Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 1104/QĐ-TTg ngày 20/9/2022 thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật về đảng.
Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 727-QĐ/TU ngày 26/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về thi hành kỷ luật đảng.
Rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 6227/VPCP-NN ngày 20/9/2022 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý Nhà nước (chia sẻ, kết nối dữ liệu, đầu tư, bảo mật…), trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành./.