Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 162/2024/NĐ-CP ngày 20/12/2024 quy định điều kiện cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Điều kiện để được cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân
Nghị định quy định điều kiện để được cấp Giấy phép đối với quỹ tín dụng nhân dân bao gồm:
Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
Có tối thiểu 30 thành viên đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này, có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn thành lập quỹ tín dụng nhân dân.
Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại khoản 6 Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng.
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động.
Điều kiện đối với thành viên sáng lập quỹ tín dụng nhân dân
Đối với cá nhân:
Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này.
Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích.
Không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với hộ gia đình:
Là hộ gia đình có các thành viên thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình.
Các thành viên của hộ gia đình phải cử một thành viên của hộ gia đình làm người đại diện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên quỹ tín dụng nhân dân. Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành viên của hộ gia đỉnh ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các điều kiện quy định đối với cá nhân.
Đối với pháp nhân:
Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang hoạt động bình thường và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân.
Người đại diện của pháp nhân tham gia thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc cá nhân được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền tham gia.
Điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô
Nghị định cũng quy định rõ điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tài chính vi mô:
- Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép.
- Có chủ sở hữu, thành viên sáng lập theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
- Có người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Có Điều lệ phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của pháp luật có liên quan.
- Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định 1620/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch là triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc theo định hướng tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị.
Phát triển Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại mang tầm quốc tế
Mục tiêu chung của Kế hoạch là xây dựng Lào Cai trở thành cửa ngõ quan trọng, đầu mối kết nối giao thông và kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là đầu mối trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS); phát triển Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế; triển khai xây dựng, vận hành cửa khẩu thông minh, xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại cửa khẩu Lào Cai, góp phần đưa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng, tỉnh phát triển khá của cả nước.
Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng của trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Trong đó, ưu tiên hoàn thành xây dựng các tuyến đường cao tốc: Hoàn thiện đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy hoạch; đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang; huy động nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện để sớm triển khai cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13).
Hoàn thành và đưa vào khai thác cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 3,0 triệu hành khách/năm; nghiên cứu xây dựng một số cầu qua biên giới kết nối với Trung Quốc; xây dựng các cầu vượt sông Hồng tại thành phố Lào Cai và các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên.
Nghiên cứu xây dựng công trình cắt qua đường biên giới tại Khu cửa khẩu Kim Thành và cửa khẩu quốc tế Bản Vược để vận chuyển hàng hóa (container) sang Trung Quốc bằng đường ray đơn.
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng khác theo quy hoạch nhằm xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu thành hạt nhân cho Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc
Nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình mới về khu hợp tác kinh tế qua biên giới, Đề án xây dựng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai.
Xây dựng trung tâm logistics theo quy hoạch; bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu liên vận quốc tế và hội nhập.
Hình thành, phát triển các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ kết nối giao thương kinh tế làm tiền đề cho việc xây dựng trung tâm kết nối giao thương kinh tế. Nghiên cứu triển khai xây dựng một số loại hình tổ chức tài chính khu vực và quốc tế tại Lào Cai.
Xây dựng một số khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với các dịch vụ đặc thù tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và các huyện Bắc Hà, Bát Xát;
Tiếp tục phát triển Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lào Cai hoạt động theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và được tích hợp, chia sẻ, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lào Cai là tỉnh phát triển của cả nước, cực tăng trưởng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; trung tâm kết nối giao thương kinh tế quan trọng giữa Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc, có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại; đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
3 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
1- Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và bền vững, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng trên toàn quốc trong từng giai đoạn. Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư cho các công trình trọng điểm, cấp bách có sức lan tỏa và tạo đột phá phát triển cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
2- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành động lực phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành khu kinh tế đa ngành, điểm đột phá, cực phát triển, trung tâm thương mại, logistics, tài chính, du lịch và sản xuất công nghiệp của Lào Cai và các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc, với trọng tâm là xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình mới về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu theo hướng kết hợp mọi cơ hội phát triển, hợp tác trong và ngoài nước; nâng cấp các lối mở, cửa khẩu phụ trở thành cửa khẩu quốc gia, quốc tế theo quy hoạch; thu hút đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm logistics, kho hàng theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ hoạt động sản xuất gia công, chế biến, chế tạo và xuất nhập khẩu; phát triển các loại hình dịch vụ bao gồm: dịch vụ logistics, giám định hàng hóa, bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hỗ trợ thâm nhập thị trường,…
3- Xây dựng tỉnh Lào Cai thành trung tâm dịch vụ tài chính, du lịch và thương mại, tổ chức sự kiện của khu vực và quốc tế.
Phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ: Kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, tư vấn tài chính, huy động vốn qua thị trường chứng khoán, giao dịch bất động sản quy mô vùng; từng bước xây dựng một số loại hình tổ chức tài chính khu vực và quốc tế tại Lào Cai, tạo đột phá cho sự phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính, tín dụng; hiện đại hoá cơ sở vật chất nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ.
Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành một trong những trung tâm thương mại của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với chức năng là đầu mối xuất, nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ; là trung tâm xúc tiến, giao dịch thương mại.
Phát triển các hình thức tổ chức kinh doanh theo dạng chuỗi, thương mại điện tử; nâng cấp, cải tạo các loại hình thương mại, dịch vụ truyền thống như chợ du lịch, chợ đêm...; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng thị trường, chuyển đổi cơ sở kinh doanh hộ gia đình thành doanh nghiệp thương mại nhỏ và vừa.
Phát triển du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong mối quan hệ với vùng cũng như quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn; là một trong những trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, hành lang du lịch Đông - Tây phía Bắc kết nối Trung Quốc (Vân Nam) với các điểm đến du lịch dọc hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Kế hoạch cũng đặt ra các giải pháp chủ yếu như huy động các nguồn lực đầu tư; nâng cao chất lượng và thu hút nguồn nhân lực; nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ; phát triển hợp tác trong và ngoài nước; cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1621/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư.
Quyết định nêu rõ, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức đối tác công tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 với những nội dung sau:
Về dự kiến thời gian thực hiện dự án, theo chủ trương đầu tư ban đầu tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg, dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến: 04 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn: 46 năm).
Quyết định số 1621/QĐ-TTg điều chỉnh như sau: Dự kiến thời gian thực hiện dự án: Dự án thành phần 1 (Giải phóng mặt bằng và tái định cư) là 05 năm.
Dự án thành phần 2 (Xây dựng Cảng hàng không): Thời hạn hợp đồng 47 năm (thời gian lập thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổ chức lựa chọn các nhà thầu: 01 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn: 43 năm 11 tháng; thời gian xây dựng giai đoạn 1 dự kiến là 02 năm 01 tháng); thời gian xây dựng giai đoạn 2 năm trong thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn của Dự án (trong quá trình thi công giai đoạn 2, Dự án vẫn tổ chức vận hành khai thác nên không ảnh hưởng tới phương án tài chính của Dự án).
Dự kiến tiến độ thực hiện Dự án: Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021; giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2028.
Về dự kiến nhu cầu sử dụng đất: vẫn giữ nguyên dự kiến nhu cầu sử dụng đất là 371 ha, tuy nhiên Quyết định số 1621/QĐ-TTg nêu rõ sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ 371 ha ngay trong giai đoạn 1, hoàn thành trong năm 2025; phạm vi xây dựng giai đoạn 1 là 295,2 ha; phạm vi xây dựng giai đoạn 2 là 75,8 ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên là 6.948,845 tỷ đồng, tuy nhiên có điều chỉnh mức đầu tư ở từng giai đoạn.
Cụ thể: Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.295,289 tỷ đồng (tăng hơn 111 tỷ đồng so với chủ trương ban đầu), trong đó Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng và tái định cư: 555 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không: 3.740,289 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2: 2.653,556 tỷ đồng (giảm hơn 111 tỷ đồng so với chủ trương ban đầu) để thực hiện Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không.
Cơ cấu nguồn vốn cũng có sự điều chỉnh. Theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg, giai đoạn 1: Vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 2.192,918 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia trong dự án là 2.102,370 tỷ đồng.
Cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2: Vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 1.339,845 tỷ đồng; vốn nhà nước tham gia trong dự án do địa phương tự cân đối trong giai đoạn 2026 - 2030: 1.313,711 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 21/12/2024 công nhận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Diên Khánh tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về kinh tế và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 21/12/2024 bổ sung, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo).
Theo Quyết định, bổ sung, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước như sau:
1- Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo.
2- Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia Uỷ viên Ban Chỉ đạo, thay đồng chí Hồ Đức Phớc.
3- Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo, thay đồng chí Lê Ngọc Quang./.