Sau khi sắp xếp, Thanh tra Chính phủ có 22 đơn vị.
Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2025/NĐ-CP ngày 20/5/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn
Thanh tra Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
Về thanh tra, Thanh tra Chính phủ xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra tỉnh) xây dựng kế hoạch thanh tra và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra;
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ không có Thanh tra bộ;
Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có Thanh tra bộ; thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp; thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra vụ việc khi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị; thanh tra vụ việc khác khi được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền giao;
Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi cần thiết;
Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử người có chuyên môn, nghiệp vụ tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi cần thiết;
Thanh tra Chính phủ phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; hướng dẫn các cơ quan thanh tra trong việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; chủ trì, hướng dẫn việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa các cơ quan thanh tra theo quy định của pháp luật;
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra...
Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh Tra Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức việc tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương;
Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại;
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hơp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức;
Tiếp nhận, phân loại, đề xuất việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ khi được giao; xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ khi được giao;
Xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại...
Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền;
Thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo thẩm quyền; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cấp có thẩm quyền hoặc khi có đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đôn đốc việc xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật;
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền; xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; theo dõi, đánh giá tình hình tham nhũng, tiêu cực và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các bộ, ngành, địa phương và khu vực ngoài nhà nước;
Phối hợp với Kiểm toán nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ban Nội chính Trung ương và cơ quan trong khối nội chính cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng, tiêu cực và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước...
Cơ cấu tổ chức mới của Thanh tra Chính phủ gồm 22 đơn vị
Theo Nghị định số 109/2025/NĐ-CP, Thanh tra Chính phủ gồm 22 đơn vị trong đó 20 đơn vị hành chính, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 2 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ.
20 đơn vị hành chính gồm: 1- Vụ Pháp chế; 2- Vụ Tổ chức cán bộ; 3- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 4- Văn phòng; 5- Vụ Hợp tác quốc tế; 6- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Bắc (Cục I); 7- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực Miền Trung (Cục II); 8- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực phía Nam (Cục III); 9- Cục Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Cục IV); 10- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nội chính, nội vụ, dân tộc, tôn giáo (Cục V); 11- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực tài chính, ngân hàng (Cục VI); 12- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực xây dựng (Cục VII); 13- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (Cục VIII); 14- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực công thương (Cục IX); 15- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực y tế, giáo dục (Cục X); 16- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, ngoại giao (Cục XI); 17- Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực khoa học và công nghệ (Cục XII); 18- Cục Giám sát và Thẩm định (Cục XIII); 19- Cục Theo dõi, đôn đốc và Xử lý sau thanh tra (Cục XIV); 20- Ban Tiếp công dân trung ương.
2 đơn vị sự nghiệp công lập: 1- Báo Thanh tra; 2- Trường Cán bộ thanh tra.
Nghị định nêu rõ Ban Tiếp công dân trung ương trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2025. Nghị định này thay thế Nghị định số 81/2023/NĐ-CP ngày 27/11/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và bãi bỏ, sửa đổi các quy định về thanh tra tại 13 Nghị định có liên quan.
Nghị định quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó quy định cụ thể chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chế độ, chính sách cho người tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Nghị định 105/2025/NĐ-CP quy định rõ chế độ, chính sách cho người tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
1- Thành viên Đội dân phòng, thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, người được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và người được phân công thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng tiền bồi dưỡng theo quy định sau:
a) Đối với thành viên Đội dân phòng mỗi ngày được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng;
b) Đối với thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, người được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và người được phân công thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở mỗi ngày được bồi dưỡng một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;
c) Trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các chế độ khác đang được đơn vị quản lý trực tiếp chi trả; được bố trí nơi ăn, nơi nghỉ, thanh toán tiền tàu, xe đi, về;
d) Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản này có trách nhiệm chi trả tiền bồi dưỡng.
2- Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, e và điểm g khoản 1 Điều 45 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ như sau:
a) Đối với người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp, công tác phí, chế độ, chính sách đang được chi trả theo chế độ hiện hành; được bố trí nơi ăn, nơi nghỉ, thanh toán tiền tàu, xe đi, về và được tính vào kinh phí chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị cử người tham gia tập huấn;
b) Đối với người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ như sau: được bố trí nơi ăn, nơi nghỉ, thanh toán tiền tàu, xe đi, về và do đơn vị quản lý trực tiếp chi trả, được tính vào chi phí quản lý sản xuất, kinh doanh; trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ được trả tiền lương và các chế độ khác đang được đơn vị trực tiếp quản lý chi trả.
3- Ngày lương tối thiểu vùng được xác định bằng mức lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với người lao động làm việc trên địa bàn do Chính phủ quy định tại thời điểm thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chia cho 26 ngày.
Bồi dưỡng, hỗ trợ đối với người được huy động, người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Nghị định quy định, người không thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi được huy động, khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng tiền bồi dưỡng như sau:
a) Nếu thời gian chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ dưới 02 giờ được hưởng tiền bồi dưỡng tối thiểu bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng;
b) Nếu thời gian chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được hưởng tiền bồi dưỡng tối thiểu bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng;
c) Nếu thời gian chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhiều ngày thì cứ 04 giờ được hưởng tiền bồi dưỡng tối thiểu bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau thì được tính gấp hai lần theo cách tính trên.
Cấp nào có thẩm quyền huy động thì cấp đó trực tiếp chi trả tiền bồi dưỡng cho cá nhân được huy động thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không thuộc trường hợp huy động thì do Ủy ban nhân dân cấp xã chi trả từ ngân sách nhà nước.
Chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa tham gia BHYT, BHXH mà bị tai nạn, bị thương
Chế độ hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh
Người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong thời gian được huy động, tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nếu bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh và hỗ trợ tiền ăn hằng ngày trong thời gian điều trị nội trú đến khi ổn định sức khỏe ra viện bằng mức hỗ trợ cho tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động
Đối với người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn, bị thương làm suy giảm khả năng lao động thì được chi trả trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ theo mức suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa. Mức trợ cấp bằng mức trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động tương đương với mức bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Chế độ, chính sách đối với người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị chết
Theo Nghị định quy định, người chưa tham gia bảo hiểm xã hội hoặc người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần bị chết do tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì thân nhân tổ chức mai táng được hỗ trợ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi trả tiền tuất, tiền mai táng phí như sau:
a) Thân nhân được trợ cấp tiền tuất một lần bằng mức trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động hoặc trợ cấp tiền tuất hằng tháng bằng mức trợ cấp tiền tuất hằng tháng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Điều kiện hưởng trợ cấp tiền tuất một lần hoặc trợ cấp tiền tuất hằng tháng phải đảm bảo điều kiện về thân nhân như quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Thân nhân tổ chức mai táng được chi trả tiền mai táng phí. Mức tiền chi trả bằng mức trợ cấp mai táng đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
c) Trường hợp bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn khi tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thân nhân được hỗ trợ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 33 Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 981/QĐ-TTg ngày 20/5/2025 phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Phó Trưởng Ban Thường trực); Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng.
Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc (ủy viên thường trực); Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Thế Tùng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn.
Bố trí tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số trong đội ngũ lãnh đạo của từng cơ quan, tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 970/QĐ-TTg quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức.
Quyết định nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý bao gồm:
1- Trách nhiệm trong công tác quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động, tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trực tiếp tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
2- Trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý
Trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức, địa phương
mình và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ, tổ chức đảng cơ quan, tổ chức và cơ quan cấp trên có thẩm quyền về kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Xây dựng kế hoạch riêng hoặc lồng ghép các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đảm bảo phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đảm bảo rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời hạn hoàn thành và khả thi.
Trực tiếp chỉ đạo rà soát, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định của cơ quan, tổ chức để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức; trực tiếp xác định các mũi đột phá, đảm bảo có đề án mang tính đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình.
Chỉ đạo bố trí nguồn lực tài chính cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của bộ, ngành, địa phương; huy động nguồn lực xã hội phù hợp phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức...
3- Trách nhiệm trong công tác xây dựng, kiện toàn nhân lực thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý
Bố trí biên chế, số lượng người làm việc đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức; tìm kiếm, phát hiện, tuyển dụng và có chính sách đãi ngộ đối với nhân sự có chuyên môn tốt thuộc các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào làm việc tại cơ quan, tổ chức.
Bố trí tỷ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số trong đội ngũ lãnh đạo của từng cơ quan, tổ chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ (phấn đấu tối thiểu đạt 25%).
Kiện toàn đầu mối chuyên trách hoặc cán bộ phụ trách trực tiếp về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho 100% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức.
4- Trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý
Công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức.
Có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức. Xử lý kịp thời, nghiêm
minh người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý để xảy ra tham nhũng tiêu cực, lãng phí.
5- Trách nhiệm trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác triển khai, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức; kịp thời phát hiện vấn đề, vướng mắc để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trực tiếp đánh giá hiệu quả đầu tư khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là tiêu chí đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện thi đua, khen thưởng hàng năm đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 984/QĐ-TTg ngày 21/5/2025 kiện toàn bổ sung thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Theo Quyết định, đồng chí Trịnh Mạnh Linh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 21/5/2025)./.