In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1).

23/10/2024 17:16

Chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1)- Ảnh 1.

Cảng biển Nghi Sơn - Ảnh: Báo Thanh Hóa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 134/2024/NĐ-CP về chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Nghị định này quy định về việc thực hiện chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Nghị định số 134/2024/NĐ-CP quy định: Chỉ xác định phạm vi số thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đăng ký tờ khai hải quan tại Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa.

Phạm vi xác định số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế: Chỉ tính đối với số thuế giá trị gia tăng được hoàn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (không tính trừ thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng).

Số thuế giá trị gia tăng nhập khẩu được ngân sách trung ương hoàn thuế là số thuế giá trị gia tăng nhập khẩu tương ứng với số đã chi hoàn trong năm ngân sách, được xác định bằng công thức sau đây:

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1)- Ảnh 2.

Trong đó:

a) Số thuế đã hoàn từng kỳ là số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng theo Lệnh chi hoàn thuế đã được ngân sách trung ương chi hoàn trong năm ngân sách của các doanh nghiệp nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, không tính trừ số thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng (nếu phát sinh).

b) Số thuế giá trị gia tăng đã nộp của hàng hóa nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu từng kỳ hoàn là tổng số thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn tương ứng kỳ hoàn thuế (căn cứ số hải quan cung cấp và số người nộp thuế kê khai).

c) Tổng số thuế giá trị gia tăng đầu vào trong kỳ hoàn của từng hồ sơ là tổng số thuế giá trị gia tăng đã nộp khâu nhập khẩu cộng với số thuế giá trị gia tăng mua vào trong nước đủ điều kiện khấu trừ của các doanh nghiệp nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.

Chính phủ giao Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan và UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.

UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương thực hiện chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ liên quan kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 21/10/2024, áp dụng cho 05 năm từ năm ngân sách 2022 đến năm ngân sách 2026.

Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trung Thành, tỉnh Nam Định

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1)- Ảnh 3.

Tổng vốn đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trung Thành, tỉnh Nam Định là 1.657,098 tỷ đồng - Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1245/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trung Thành, tỉnh Nam Định. 

Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trung Thành, tỉnh Nam Định (dự án); đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Nam Định.

Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (loại hình khu công nghiệp hỗ trợ). Quy mô sử dụng đất của dự án: 200 ha, địa điểm thực hiện dự án tại xã Yên Trung và xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.657,098 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 250 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định hướng dẫn Nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.

Kiểm tra, giám sát đảm bảo việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với tiến độ dự án

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát đảm bảo việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, tuân thủ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được cấp có thẩm quyền phân bổ cho tỉnh Nam Định.

Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án.

Trường hợp trong khu vực thực hiện dự án có tài sản công, đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo không thất thoát tài sản nhà nước. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ, hẹp do Nhà nước quản lý (nếu có) cần đảm bảo đáp ứng tiêu chí theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định và các cơ quan có liên quan rà soát, đảm bảo khu vực thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Giám sát, đánh giá nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Trung Thành đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu sử dụng đất của dự án và khoảng cách an toàn về môi trường tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và quy định khác có liên quan.

Triển khai nhanh các dự án nhà ở, công trình xã hội cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp

UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định và các cơ quan có liên quan yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tuân thủ quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo việc thực hiện Dự án không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi và khả năng canh tác của người dân xung quanh; phối hợp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Triển khai nhanh, có hiệu quả đối với các dự án nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp và pháp luật về nhà ở.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Nam Định chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng vốn chủ sở hữu theo đúng cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan; tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về tài nguyên nước trong quá trình triển khai dự án.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng Nam Định ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư; dành tối thiểu 60% đất công nghiệp của khu công nghiệp Trung Thành để thu hút các ngành, nghề thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn 

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1)- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn. 

Dự án thực hiện tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực theo quy hoạch, phát huy vai trò hành lang kinh tế Bắc - Nam kết nối các địa phương, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực; phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ nói chung.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 6.488 tỷ đồng

Theo Quyết định, chiều dài tuyến khoảng 98,35 km. Hướng tuyến bám theo tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác. Điểm đầu (Cam Lộ) tại Km0+000, kết nối với điểm cuối dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối (La Sơn) tại khoảng Km102+200, kết nối với điểm đầu dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 02 làn xe lên 04 làn xe. Tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến hiện tại đang khai thác, đường cao tốc cấp 80 theo TCVN 5729-2012 và QCVN 115:2024/BGTVT.

Đây là Dự án nhóm A, đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 6.488 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 là 5.488 tỷ đồng. Nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là 1.000 tỷ đồng.

Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Giao thông vận tải.

Lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện Dự án

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan; tổ chức triển khai lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo đúng quy định của pháp luật;

Thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, nhu cầu sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng, mặt bằng thi công, mỏ vật liệu... theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và triển khai Dự án.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước;

Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để triển khai Dự án theo tiến độ, đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có phát sinh) đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan về việc khai thác các mỏ vật liệu thông thường trên địa bàn theo quy hoạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng tiến độ của Dự án...

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đầu tư cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/10/2024 (1)- Ảnh 5.

Cầu phao Phong Châu đã được thông xe từ 6h sáng ngày 30/9/2024

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 484/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đầu tư cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.

Thông báo kết luận nêu rõ: Sự cố sập cầu Phòng Châu trên Quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân, làm đứt gẫy giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân của tỉnh Phú Thọ và các địa phương trong Vùng. Việc sớm khắc phục hậu quả và đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới là cấp bách và cần thiết.

Để kịp thời khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đầu tư cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C theo yêu cầu của đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2024, số 96/CĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2024 và văn bản số 7002/VPCP-CN ngày 30 tháng 9 năm 2024. Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cầu Phòng Châu mới, cụ thể: Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phối hợp khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng Dự án; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã phối hợp nghiên cứu phương án nguồn vốn để bố trí cho Dự án.

Trước yêu cầu về tiến độ và chất lượng công trình, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đều thống nhất Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản Dự án là khả thi, phù hợp nhất, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Trung ương với địa phương.

Để triển khai đầu tư Dự án trong thời gian nhanh nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan: Áp dụng các cơ chế hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng khẩn cấp để thực hiện các bước khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng Dự án, đảm bảo tiến độ nhanh nhất (trong tháng 12/2024 hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế, phê duyệt Dự án đầu tư và khởi công; trước mùa mưa bão năm 2025 hoàn thành khối lượng phần móng cầu (trước tháng 4 năm 2025); hoàn thành các công việc còn lại để đưa công trình vào khai thác trong năm 2025).

Bộ Giao thông vận tải phát huy tinh thần triển khai xây dựng Dự án đường đây 500KV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối trong thời gian qua để chỉ đạo triển khai thi công với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", "chỉ bàn làm không bàn lùi"; xây dựng chi tiết đường găng tiến độ để hoàn thành Dự án đảm bảo yêu cầu về chất lượng, không để xẩy ra lãng phí, tiêu cực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 cho Dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, đảm bảo yêu cầu tiến độ thực hiện Dự án./.