Rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên
Ngày 23/5/2022, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 3182/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 4 cho lực lượng tuyến đầu.
Công văn số 3182/VPCP-KGVX ngày 23/5/2022 nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có chỉ đạo rất cụ thể về mục tiêu cần đạt được trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng đến nay tiến độ tiêm còn chậm. Để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ rà soát số người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm cho những đối tượng này; báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước ngày 25/5/2022.
Đồng thời, Bộ Y tế nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho các đối tượng tuyến đầu đã suy giảm miễn dịch; có kế hoạch đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ ban hành Nghị định quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia
Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, trong đó quy định 3 loại hình tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia.
Cụ thể, 3 loại hình tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia gồm:
1- Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ.
2- Ban quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
3- Doanh nghiệp đầu tư hình thành khu du lịch quốc gia.
Đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu du lịch quốc gia lựa chọn và tổ chức thực hiện thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Thành lập mới hoặc tổ chức lại Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý khu du lịch quốc gia.
- Tổ chức lại Ban quản lý chuyên ngành là đơn vị sự nghiệp công lập thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quản lý khu du lịch quốc gia và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc tổ chức lại Ban quản lý để quản lý phần diện tích khu du lịch quốc gia trên địa bàn của tỉnh trong trường hợp khu du lịch quốc gia nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ do cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính hoặc pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Ban quản lý khu du lịch quốc gia thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia; quản lý hoạt động của hướng dẫn viên du lịch tại điểm; lập biên bản ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Xây dựng hoặc phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển, bảo vệ, bảo tồn nâng cao giá trị, đa dạng hóa tài nguyên du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia theo quy định của pháp luật;
Bên cạnh đó, tổ chức, cung cấp dịch vụ hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách du lịch; cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển khu du lịch quốc gia; liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch trong phạm vi khu du lịch quốc gia.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu của khu du lịch quốc gia; chương trình hợp tác quốc tế; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá khu du lịch quốc gia tới thị trường trong nước và quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để cung cấp thông tin, ấn phẩm quảng bá du lịch;...
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2022. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 1/8/2022, các khu du lịch quốc gia đã được công nhận phải tổ chức lại Ban quản lý theo quy định tại Nghị định này.
Phê duyệt Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 23/5/2022 phê duyệt Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là hoàn thiện hệ thống quy định về kế toán - kiểm toán bảo đảm chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ hệ thống chuẩn mực kế toán - kiểm toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp, chú trọng phát triển thị trường dịch vụ và nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán ngang tầm với các nước trong khu vực. Qua đó nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin kinh tế - tài chính - ngân sách ngày càng công khai, minh bạch, phản ánh trung thực các thông tin, số liệu kinh tế - tài chính trong nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và ra quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức khác; tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán - kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Phát triển thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán
Chiến lược phấn đấu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán; phát triển thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán; xác định đối tượng được kiểm toán thiết thực hiệu quả, đến năm 2025 bảo đảm 100% doanh nghiệp, đơn vị có quy mô lớn được kiểm toán báo cáo tài chính, không phân biệt loại hình hoạt động, hình thức sở hữu; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong việc xây dựng khung khổ pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến kế toán - kiểm toán phục vụ hoạt động của các đơn vị và hoạt động quản lý, giám sát kế toán - kiểm toán…
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Ban hành Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập; tăng cường năng lực cơ quan quản lý, giám sát về kế toán – kiểm toán và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật về kế toán – kiểm toán; phát triển thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán; phát triển nguồn nhân lực về kế toán – kiểm toán; tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế…
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 452/CĐ-TTg ngày 22/5/2022 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục rà soát danh mục và khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Để khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư phát triển thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
1- Căn cứ dự kiến danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022 và mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Điều 3, Điều 6 Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, khẩn trương triển khai, sớm hoàn thành thủ tục đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư), bảo đảm đúng thời hạn theo yêu cầu tại văn bản số 450/TTg-KTTH ngày 20/5/2022; trường hợp dự án không hoàn thành thủ tục đầu tư đúng thời hạn quy định sẽ thực hiện cắt giảm, đưa ra khỏi danh mục dự án của Chương trình.
2- Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.
3- Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Thủ tướng Chính phủ, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất danh mục, mức vốn và thông tin, số liệu các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện thủ tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và hiệu quả đầu tư của dự án.
3 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng/đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020
Ngày 23/5/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các quyết định công nhận 3 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng/đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định 634/QĐ-TTg công nhận huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định 635/QĐ-TTg công nhận thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định 636/QĐ-TTg công nhận thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, thành phố Ninh Bình, thành phố Sầm Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.