Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg ngày 24/12/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng bền vững, thân thiện, nhằm kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của khu vực và thế giới.
Phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng làm chủ các công nghệ lõi
Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể như triển khai các nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ sinh học tiên tiến sản xuất các chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp, y tế và sinh hoạt;
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển tăng tối thiểu 10% doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp các chế phẩm sinh học sử dụng trong xử lý chất thải và dây chuyền thiết bị sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tập trung vào phát triển các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải;
Hoàn thiện được hệ thống văn bản pháp luật và cơ sở dữ liệu quốc gia về phát triển công nghệ, công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
1- Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
2- Tăng cường tiềm lực phục vụ phát triển công nghệ sinh học và thúc đẩy công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
3- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
4- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
5- Truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ưu tiên công nghệ thu hồi năng lượng, tuần hoàn tái chế chất thải
Trong đó, đối với nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Đề án sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, thiết bị xử lý chất thải sản xuất, chế biến nông lâm, thuỷ sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt ở quy mô công nghiệp, ưu tiên công nghệ thu hồi năng lượng, tuần hoàn tái chế chất thải. Tiếp nhận, giải mã công nghệ mới, dây chuyền thiết bị từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến trên thế giới để phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở quy mô công nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong nước để sản xuất các chế phẩm sinh học có khả năng cạnh tranh trong xử lý môi trường, ưu tiên công nghệ tuần hoàn chất thải; đồng thời, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nhận, làm chủ và phổ biến công nghệ sinh học hiện đại từ các nước tiên tiến trên thế giới trong xử lý chất thải ở quy mô công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 9457/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của Tỉnh ủy Cà Mau.
Về một số kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy Cà Mau tại Thông báo số 109-TB/VPTW ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà theo dõi, chỉ đạo:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị: Sớm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực Bán đảo Cà Mau; ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai; kết hợp đầu tư hoàn chỉnh tuyến đê biển, tuyến đường bộ ven biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị: Nghiên cứu quy hoạch phát triển sản xuất quy mô lớn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thủy sản vào thị trường Halal toàn cầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết các kiến nghị: (i) Quy hoạch, đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Hòn Khoai và tuyến đường kết nối từ đất liền ra Cảng Hòn Khoai, (ii) Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến: Quốc lộ 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Về tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến đất Mũi: Tại Thông báo số 563/TB-VPCP ngày 19 tháng 12 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao: "Bộ Giao thông vận tải khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung tuyến đường vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tiến trình đầu tư trước năm 2030), làm cơ sở để triển khai thực hiện; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau hoàn thành các thủ tục đầu tư tuyến đường (tính toán hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất), giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau quản lỷ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật (tỉnh Cà Mau bố trí ngân sách địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng), phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025". Bộ Giao thông vận tải thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo nêu trên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn theo dõi, chỉ đạo:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết các kiến nghị: (i) Về cơ chế và chủ trương cụ thể triển khai thực hiện Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau. (ii) Tăng cường hợp tác với ASEAN để xuất khẩu điện, (iii) Phát triển các dự án điện khí và LNG, các dự án hydroxanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng lượng tái tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Về việc mở rộng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau: Tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 18 tháng 01 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao: "Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau nghiên cứu xây dựng Dự án mở rộng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý I năm 2024". Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên trong tháng 12 năm 2024.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải quyết kiến nghị: Ban hành cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ cacbon, xem xét lựa chọn Cà Mau xây dựng và triển khai Đề án thí điểm khai thác, phát huy nguồn lợi tín chỉ cacbon từ rừng ngập mặn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2024.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, tại Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 23/12/2024, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội thay ông Nguyễn Duy Thăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã nghỉ hưu theo chế độ quy định.
Đồng thời, tại Quyết định số 1631/QĐ-TTg ngày 23/12/2024, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiêm giữ chức Ủy viên Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội. Thời hạn bổ nhiệm là 05 năm./.