In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2025

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2025.

24/06/2025 18:09

Kiện toàn Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2025- Ảnh 1.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được sử dụng để tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm; hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng; thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 24/6/2025 kiện toàn Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng Ban.

Các Phó Trưởng Ban: Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thành viên gồm: Ông Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Khẩn trương sửa đổi tiêu chí phân bổ vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2025- Ảnh 2.

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa có ý kiến đối với kiến nghị của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Văn bản số 5711/VPCP-KTTH ngày 23/6/2025 nêu: Xét kiến nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 7247/BTC-ĐT ngày 27/5/2025 về tình hình thanh toán vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ Dân tộc và Tôn giáo khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền trước ngày 25/6/2025: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ngân sách trung ương của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thụ hưởng chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với xã khu vực II, khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định rõ nguyên nhân giải ngân chậm của từng chương trình, dự án cụ thể, đặc biệt là đối với nguồn vốn sự nghiệp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong bối cảnh tổ chức, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương các cấp; điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn.

Thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Tây Ban Nha

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2025- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tại Hà Nội ngày 09/4/2025 - Ảnh VGP.

 Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn ký Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 23/6/2025 thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Tây Ban Nha (Phân ban).

Theo Quyết định trên, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì Phân ban.

Chủ tịch Phân ban là Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Thư ký Phân ban là cán bộ cấp Vụ của Văn phòng Chính phủ.

Các thành viên Phân ban gồm: Đại diện cấp Cục/Vụ của các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chủ tịch Phân ban ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Phân ban và Ủy ban hỗn hợp.

Phân ban được tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định tại Quyết định số 30/2016/QĐ-TTg ngày 28/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ với nước ngoài.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp rà soát tiến độ các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2025- Ảnh 4.

Quyết tâm đảm bảo tiến độ các dự án nhà máy điện hạt nhân - Ảnh minh họa

 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 316/TB-VPCP ngày 24/6/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp rà soát tiến độ các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thông báo nêu: Việc tập trung đẩy mạnh phát triển các nguồn điện để bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế-xã hội tăng trưởng ở mức 2 con số thời gian tới là hết sức cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Trước yêu cầu đó, từ cuối năm 2024, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam và tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì 02 cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân; tại cuộc họp thứ 2 Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan khẩn trương triển khai 13 nhiệm vụ trọng tâm. Qua báo cáo cho thấy, các bộ, cơ quan đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao và có kết quả cụ thể: 06 nhiệm vụ đã hoàn thành (đạt 47%), 05 nhiệm vụ đang triển khai (chiếm 38%) và 02 nhiệm vụ chưa triển khai (chiếm 15%). Tuy nhiên, việc đàm phán với các đối tác để hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân còn chậm so với yêu cầu, nhất là đối với dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đây là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các nhiệm vụ tiếp theo như trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư và tổ chức triển khai các dự án và có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng vào trước ngày 31/12/2030 (chậm nhất trước ngày 31/12/2031) như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc phát triển điện hạt nhân cần đáp ứng được mục tiêu kép

Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Việc phát triển điện hạt nhân cần đáp ứng được mục tiêu kép: vừa phát triển nguồn điện mới, vừa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch, đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm nên cần phải nghiên cứu, học tập từ các nước khác, trong đó lưu ý về một số nội dung cụ thể sau: (1) Tiếp tục tập trung nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước để hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý nhằm tháo gỡ các vướng mắc, rào cản, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai; (2) Nghiên cứu, trao đổi với các nước có ngành công nghiệp hạt nhân tiên tiến, sở hữu công nghệ nguồn để cập nhật, nắm bắt được đầy đủ các công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, tốt nhất, an toàn nhất, tạo cơ sở cho việc đề xuất, lựa chọn công nghệ phù hợp điều kiện của Việt Nam trong quá trình đàm phán với các đối tác; (3) Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cần có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam và cả sự hỗ trợ từ các đối tác, các nước trên thế giới; (4) Chú trọng công tác chuyển giao công nghệ trong xây dựng và quản lý vận hành, nhất là trong quá trình đàm phán hợp tác đầu tư xây dựng, để từng bước làm chủ công nghệ về điện hạt nhân.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn phát sinh

Với tinh thần trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ động xử lý theo thẩm quyền, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành và địa phương để thúc đẩy việc triển khai các dự án. Bộ Công Thương, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thường xuyên theo dõi, tổng hợp và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý ngay những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, EVN, PVN tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao với thời gian ngắn nhất, khẩn trương nhất, đạt kết quả cao nhất nhằm bảo đảm tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập Đoàn đàm phán về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại văn bản số 3659/VPCP-CN ngày 26 tháng 4 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 6 năm 2025; khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 189/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại văn bản số 4810/VPCP-CN ngày 31 tháng 5

năm 2025 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 6 năm 2025.

Đồng thời, chủ động thành lập Đoàn đàm phán về việc hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo quy định. Trường hợp cần thiết quy định cụ thể về thành phần, cần nghiên cứu đề xuất rõ để các bộ, cơ quan liên quan cử người tham gia.

Khẩn trương tổ chức đàm phán với phía Nga theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại văn bản số 2304/VPCP-QHQT ngày 26 tháng 5 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ, trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm thực hiện dự án, bảo đảm hoàn thành trong tháng 7 năm 2025 để tổ chức ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trong tháng 8 năm 2025.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, PVN và các cơ quan liên quan trao đổi, làm việc chặt chẽ với phía Nhật Bản về khả năng tiếp tục hợp tác đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại văn bản số 2674/VPCP-QHQT ngày 18 tháng 6 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7 năm 2025.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại văn bản số 131/BC-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2025, đề xuất giải pháp, thẩm quyền xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5500/VPCP-NN của Văn phòng Chính phủ. Các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tại văn bản số 131/BC-UBND nêu trên gửi Bộ Công Thương trước ngày 23 tháng 6 năm 2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 6 năm 2025.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn EVN, PVN, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong việc hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bảo đảm đúng quy định của pháp luật liên quan.

Rà soát, thống nhất quy định về khoảng cách an toàn khu dân cư tính từ hàng rào nhà máy

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, thống nhất quy định về khoảng cách an toàn khu dân cư tính từ hàng rào nhà máy, bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức triển khai, hoàn thành trước ngày 25 tháng 6 năm 2025.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9; các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Năng lượng nguyên tử, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trước ngày 25 tháng 6 năm 2025 để tổng hợp, kịp thời hoàn thiện dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua;

khẩn trương hoàn thành Báo cáo đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam theo các tiêu chuẩn của IAEA trong tháng 8 năm 2025.

Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về việc bố trí vốn cho tỉnh Ninh Thuận từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện dự án di dân, tái định cư cho các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2458/VPCP-KTTH ngày 04 tháng 6 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, EVN, PVN và các bộ, cơ quan liên quan, chủ động tổ chức đàm phán với các đối tác về hiệp định/thỏa thuận cung cấp tín dụng cho các dự án, trong đó làm rõ phương thức thanh toán của từng dự án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7 năm 2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, EVN và các cơ quan liên quan làm việc với cơ quan chức năng phía Nga để tháo gỡ vướng mắc về việc thanh toán trong quá trình đàm phán Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam – Liên bang Nga.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chủ động hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận triển khai công tác hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các thủ tục quản lý chặt chẽ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo đúng thẩm quyền và quy định, làm cơ sở để triển khai dự án di dân, tái định cư cho dự án nhà máy điện hạt nhân; làm việc với Bộ Công Thương để thống nhất phương án xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai dự án di dân, tái định cư cho dự án nhà máy điện hạt nhân được nêu trong Báo cáo số 131/BC-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2025, hoàn thành trước ngày 23 tháng 6 năm 2025; báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, sớm di dời các hộ dân để bàn giao cho chủ đầu tư; tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung thêm kinh phí để thực hiện (nếu cần), bảo đảm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm người dân ra nơi ở mới phải có cuộc sống ổn định với nguyên tắc tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị kỹ các nội dung đàm phán (đặc biệt là các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ); đồng thời tham gia Đoàn đàm phán với phía Nga về hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, bảo đảm hoàn thành trong tháng 7 năm 2025; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhanh chóng ổn định sinh kế cho các gia đình tại nơi ở mới để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân địa phương.

Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan làm việc với phía Nhật Bản về khả năng tiếp tục hợp tác trong Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 theo đúng chỉ đạo của

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại văn bản số 2674/VPCP-QHQT ngày 18 tháng 6 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 7 năm 2025; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, nhanh chóng ổn định sinh kế cho các gia đình tại nơi ở mới để không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân địa phương./.