In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2024.

25/11/2024 17:13
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2024- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25/11/2024 yêu cầu một số Bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Công an, Tài chính, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện nêu: Thời gian vừa qua, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thu hút được nhiều thành phần trong xã hội. Tại Việt Nam, thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp và người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, thương mại điện tử giúp cho doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng hơn trong việc giới thiệu, giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, cũng đặt ra nhiều thách thức cho giao dịch trên mạng, công tác quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về thuế... Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan

a) Tiếp tục rà soát Luật thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử.

b) Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt Kế hoạch cho giai đoạn 2026-2030.

c) Chủ động xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

d) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

đ) Tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

e) Đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đủ tiêu chuẩn ra thế giới.

2- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan

a) Thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử, bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đều được xác thực danh tính khi tham gia cung cấp, trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, tránh thất thu thuế và các hành vi gian lận.

b) Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

3- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan

a) Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó nghiên cứu đề xuất: (i) Quy định người bán có thể ủy nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử lập hóa đơn điện tử giao cho người mua; (ii) Quy định trách nhiệm các Bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.

b) Trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.

4- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử.

5- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định của pháp luật về quản lý đăng ký kinh doanh đặc thù đối với hoạt động thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số. Hoàn thiện số liệu thống kê thương mại điện tử để quy định cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.

6- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và triển khai các quy định trong lĩnh vực giao thông vận tải để tăng cường quản lý các mô hình vận tải, vận chuyển hàng hóa trên các nền tảng số.

7- Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử.

8- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

9- Giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trực tiếp chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.

Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Yên, tỉnh Bắc Giang

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2024- Ảnh 2.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Yên - Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 25/11/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Yên, tỉnh Bắc Giang (Dự án).

Cụ thể, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần Fecon Hòa Yên.

Dự án có mô quy 256,68 ha được đầu tư 3.745,131 tỷ đồng (trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 561,778 tỷ đồng).

Dự án thực hiện tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa và xã Tiên Sơn, Trung Sơn, Hương Mai, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Kiểm tra giám sát việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ tại hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với các nội dung trong phạm vi thẩm quyền; hướng dẫn, quản lý, giám sát đảm bảo nhà đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện các nội dung, điều kiện trong quá trình thực hiện dự án.

Đảm bảo dự án được phân bổ đủ chỉ tiêu đất khu công nghiệp để thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; đồng thời nằm trong phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường của các dự án hạ tầng khu công nghiệp, tránh phân bổ chỉ tiêu dàn trải.

Tổ chức lập, thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo các quyền lợi chính đáng và sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân, đối tượng bị thu hồi đất; lưu ý nhà ở để phục vụ tái định cư phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và đảm bảo yêu cầu đối với phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Kiểm tra, xác định khả năng nhà đầu tư đáp ứng điều kiện cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản tại thời điểm nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án; giám sát nhà đầu tư vay tín dụng tại các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về bất động sản; kiểm tra giám sát việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư về việc đảm bảo điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP; trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì thực hiện các thủ tục phù hợp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp để tạo môi trường đầu tư lành mạnh tại Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, ít sử dụng lao động và tài nguyên; đảm bảo khoảng cách an toàn giữa khu công nghiệp với khu vực xung quanh, xây dựng các phương án quan trắc để giám sát hoạt động xả thải tại khu công nghiệp.

Chủ đầu tư phải đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết

Công ty cổ phần Fecon Hòa Yên chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tiếp thu ý kiến của các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tại hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về đất đai.

Thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, trong đó có đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về tài nguyên nước trong quá trình triển khai dự án; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để xử lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

Đảm bảo đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án theo đúng tiến độ; đảm bảo đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản; cụ thể hóa phương án vay vốn bằng hợp đồng tín dụng; ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để thực hiện dự án; việc vay tín dụng tại tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (nếu cần thiết) để thực hiện dự án phải đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Hòa Yên được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí quỹ đất dành cho các doanh nghiệp, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư thuê đất đảm bảo đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Đầu tư xây dựng và thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phù hợp với định hướng tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc theo quy định...

Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/11/2024- Ảnh 3.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gia Lách mở rộng hơn 2.000 tỷ đồng- Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 25/11/2024 chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, Phó Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương đầu tư; đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án là Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long.

Dự án được thực hiện tại thị trấn Xuân An, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 194,36 ha.

Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án là 2.265,268 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 339,790 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được Nhà nước cho thuê đất.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan;

Các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Gia Lách mở rộng đã được phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo Quyết định này...

Thành viên Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, bản án

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị vừa ký Quyết định 128/QĐ-TCT ngày 25/11/2024 về thành viên Tổ công tác này.

Cụ thể, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị về Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" (Tổ công tác) gồm các thành viên:

Tổ trưởng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Các Tổ phó gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ.

Các thành viên Tổ công tác gồm: Ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Dương Quốc Huy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thành viên Tổ công tác còn có: Ông Lê Nguyễn Nam Ninh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Lê Khánh Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Đỗ Đức Hiển, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Quốc hội khóa XV; ông Cao Mạnh Linh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Quốc hội khóa XV; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Quốc hội khóa XV; ông Trần Minh Khương, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

Ngoài ra, thành viên Tổ công tác còn có Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Đà Nẵng; Khánh Hòa; Long An.

Thành viên Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 963/QĐ-TTg ngày 12/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế làm việc của Tổ công tác./.