Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Công điện nêu, do ảnh hưởng của thời tiết và dòng chảy từ thượng nguồn, cùng với tác động của thủy triều, những tháng đầu năm 2021 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực ven biển đã xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cục bộ, giá nước ngọt tăng cao, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.
Theo dự báo, trong tháng 4 năm 2021 sẽ còn tiếp tục xảy ra một số đợt xâm nhập mặn gia tăng. Để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt xảy ra cục bộ, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở Đồng bằng Sông Cửu Long, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh ven biển: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xác định từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp cụ thể, ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, trong trường hợp cần thiết chủ động huy động các lực lượng quân đội, công an nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổ chức theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời thông tin, cảnh báo cho các địa phương, cơ quan liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tổ chức sản xuất, hạn chế thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Hướng dẫn thực hiện các giải pháp cấp nước hộ gia đình và công trình cấp nước tập trung; rà soát quy định về quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, kiểm tra tình hình cấp nước khu vực nông thôn; vận động tổ chức trong nước, quốc tế hỗ trợ người dân ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Chỉ đạo theo dõi, dự báo, cung cấp bản tin về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến xâm nhập mặn cho các cơ quan liên quan và địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.
- Tổ chức thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ công tác dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
4. Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
5. Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể là chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các bệnh ở cá tra nuôi đảm bảo diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi.
Chủ động phòng bệnh, khống chế một số bệnh nguy hiểm ở tôm hùm, bảo đảm số tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng diện tích nuôi; ở ngao/nghêu, tu hài, hàu, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi.
Bên cạnh đó, chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng. Ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhận gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam các bệnh mới nổi.
Xây dựng ít nhất 30 chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu xây dựng thêm ít nhất 30 cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Để phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành, Kế hoạch đề ra một số giải pháp như: Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch theo quy định; áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP…); áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ bắc bệnh.
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y; xem xét, sử dụng vacxin để chủ động phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản…
Tăng cường kiểm soát
Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp khác như: Kiểm soát, ngăn chặn, nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các biện pháp như kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật thủy sản; tổ chức giám sát chủ động, giám sát bị động.
Cũng theo Kế hoạch, sẽ tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Theo đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động phi chính phủ nước ngoài; là tổ chức làm công tác chính trị đối ngoại và là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách của nước ta.
Ngày 17 tháng 11 năm 1950 là Ngày Truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bằng tiếng Anh là: Vietnam Union of Friendship Organizations (VUFO).
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có tư cách pháp nhân, bộ máy, con dấu và tài khoản riêng.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hoạt động theo Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam theo quy định của pháp luật; được tổ chức chặt chẽ, được bảo đảm biên chế, các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ và điều kiện làm việc để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Thiết lập các mối quan hệ hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có nhiệm vụ tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; thiết lập các mối quan hệ hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các tổ chức tương ứng, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân nước ngoài.
Mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối tác nhằm góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Tham gia vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, đặc biệt là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền quốc gia; quảng bá hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Tham gia công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc và các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, kỹ thuật....
Tham gia các diễn đàn, cơ chế khu vực và quốc tế và hoạt động của nhân dân thế giới vì lợi ích quốc gia - dân tộc và vì hòa bình, phát triển bền vững, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là Cơ quan Thường trực cho Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, có vai trò nòng cốt trong công tác vận động phi chính phủ nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Tham gia góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển và lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Tổ chức nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị về các vấn đề khu vực, quốc tế liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và công tác đối ngoại nhân dân.
Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức thành viên trong hoạt động hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân và vận động, điều phối viện trợ phi chính phủ nước ngoài…
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đó là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 10/3/2021.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tâm huyết, tích cực, chung sức, đồng lòng đóng góp cho thành công trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong thời gian qua. Biểu dương Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; biểu dương, đánh giá cao Văn phòng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong việc xây dựng các nền tảng Chính phủ điện tử phục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ thông tin như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần CMC, Công ty cổ phần BKAV,... trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành; Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ xem xét, ban hành; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Công an triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính, đến tháng 7 năm 2021 khai thác, sử dụng chính thức trên diện rộng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 07 năm 2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.
Các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 100% các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.
Về việc triển khai chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường học tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh COVID-19; Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, đẩy mạnh triển khai công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Ngọc Sâm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thông tin Báo điện tử Kinh tế Sài Gòn online phản ánh: Năm 2021, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản 14 tỷ USD, cần chú trọng đến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, các yếu tố phát triển bền vững.
Ngày 18/3/2021, Báo điện tử Kinh tế Sài Gòn online (thesaigontime.vn) phản ánh: Dù cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng năm 2020 Việt Nam đã vươn lên xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sau Trung Quốc. Đơn hàng xuất khẩu có chiều hướng gia tăng, nhất là thị trường Mỹ. Năm 2021, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản 14 tỷ USD, cần chú trọng đến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, các yếu tố phát triển bền vững.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, có điều hành phù hợp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cầu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ giao thông vận tải phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 908/VPCP-CN ngày 4/2/2021 và khẩn trương tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thành Đề án trên./.