In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2024.

28/12/2024 22:18
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2024- Ảnh 1.

Chính phủ ban hành quy định mới về quyền, trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ.

Nghị định số 167/2024/NĐ-CP nêu rõ quyền, trách nhiệm, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 48, Điều 50 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các nội dung sau:

Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu về phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp mà mình làm đại diện vốn để tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên theo quy định.

Trước khi chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải có văn bản xin ý kiến gửi đến cơ quan tài chính cùng cấp (đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên). Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan đại diện chủ sở hữu (gửi kèm theo: Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp hiện hành, báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp), cơ quan tài chính cùng cấp có ý kiến để cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên. Phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước (trừ tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước) phải đảm bảo thực hiện theo các nguyên tắc sau:

Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, phương án chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế hàng năm được phân phối theo thứ tự như sau:

Chia lãi cho các bên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng kinh tế đã ký kết (nếu có).

Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế theo quy định.

Trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp (nếu Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có quy định việc trích lập Quỹ này).

Trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động trong doanh nghiệp, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

Lợi nhuận còn lại thực hiện chia hết bằng tiền, bằng cổ phiếu cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Nghị định nêu rõ, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ áp dụng đối với công ty cổ phần thuộc phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước để thực hiện dự án quan trọng quốc gia theo tiêu chí phân loại quy định tại Luật Đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương dự án. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm quy định tại Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiệu quả, không tạo kẽ hở để tham ô, tham nhũng, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định pháp luật.

Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ, sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm theo thứ tự như doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên nêu trên.

Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp mà Nhà nước nắm giữ dưới 36% vốn điều lệ, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng thành viên phương án phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm cho phù hợp, trong đó phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo Điều lệ, Quy chế quản lý tài chính được chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền cho các cổ đông, thành viên góp vốn. Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền cho phần vốn nhà nước góp trong doanh nghiệp này thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính

Nghị định nêu rõ, đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, việc phân phối lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Định kỳ trong thời gian tối đa 15 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi quý và 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp, người đại diện phần vốn nhà nước báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính và kiến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp mà mình được cử làm đại diện vốn nhà nước. Báo cáo của người đại diện phần vốn nhà nước gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2024- Ảnh 2.

Nhà đầu tư dự án phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường - Ảnh minh họa

Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, Phó Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm giai đoạn 1.

Phó Thủ tướng cũng chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng S-Dragon.

Quy mô diện tích của dự án 102,85 ha; địa điểm thực hiện tại các xã Xuân Cẩm, Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; vốn đầu tư 1.467,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 234,8 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về môi trường, trong đó lưu ý việc xả thải của khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm và công tác bảo vệ môi trường của nhà đầu tư trong quá trình triển khai Dự án, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cầu.

Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo và các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; tiếp thu ý kiến của các Bộ tại hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đối với các nội dung trong phạm vi thẩm quyền; đảm bảo dự án nằm trong phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai; được phân bổ đủ chỉ tiêu đất khu công nghiệp để thực hiện theo tiến độ được phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án; bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 182 Luật Đất đai.

Đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cầu

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tổ chức lập, phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Xuân Cẩm - Hương Lâm và các quy hoạch phân khu có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, đảm bảo kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội giữa các phân khu; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đảm bảo địa điểm, quy mô diện tích của dự án phù hợp với chủ trương đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án, việc sử dụng vốn góp chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án, việc đáp ứng đủ các điều kiện đối với tổ chức khi kinh doanh bất động sản theo quy định.

Giám sát chặt chẽ nhà đầu tư trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, đảm bảo không ảnh hưởng đến nguồn nước sông Cầu; đảm bảo việc sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước của Dự án phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về tài nguyên nước; thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động và tài nguyên; đảm bảo khoảng cách an toàn giữa khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm (giai đoạn 1) với khu vực xung quanh.

Nhà đầu tư thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường

Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng S-Dragon (nhà đầu tư) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ dự án và văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc thực hiện dự án theo Quyết định này; thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Xuân Cẩm - Hương Lâm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu mọi rủi ro, chi phí và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định tại Điều 47 và Điều 48 Luật Đầu tư trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật về đất đai.

Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng S-Dragon có trách nhiệm nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 182 Luật Đất đai và Điều 12 Nghị định số 112/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định; ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án…/.