In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1).

29/11/2024 17:01

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 536/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1)- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Tỉnh Lạng Sơn cần đi đầu trong xây dựng cửa khẩu thông minh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể của tỉnh Lạng Sơn, huyện Văn Lãng, thị trấn Na Sầm và khu 8 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục động viên Nhân dân tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương với tinh thần "Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, Nhân dân làm nên lịch sử".

Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; khích lệ, động viên những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo đà thi đua mới thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục vận động, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ, chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người dân bị ảnh hưởng thiên tai, bão số 3.

Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2025 và phong trào thi đua xây dựng 3.000 km đường cao tốc; tiếp tục ủng hộ Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) để sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, vùng và cả nước.

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu

Là địa phương "phên dậu" phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lạng Sơn cần chú trọng làm tốt công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, mỗi người dân là một cột mốc bảo vệ biên giới, chủ quyền; đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy giao thương, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Chú trọng nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân trước âm mưu chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Tỉnh Lạng Sơn cần đi đầu trong xây dựng cửa khẩu thông minh với Trung Quốc, từ đó nhân rộng sang các tỉnh biên giới khác; khắc phục điểm nghẽn giao thông để phát triển giao thông liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, công dân số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chương trình hành động của Chính phủ và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viettel, Tập đoàn EVN nghiên cứu các giải pháp để khắc phục các vùng lõm về sóng viễn thông và lưới điện (nếu có) để tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc trên địa bàn 02 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng

Kiểm tra thực tế Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Chính phủ biểu dương 02 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã rất quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện dự án với mô hình Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban chỉ đạo dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 02 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn làm việc với 02 ngân hàng VP Bank, TP Bank và Nhà đầu tư trong tháng 11/2024 để giải quyết các vướng mắc trong việc cung cấp tín dụng cho 02 Dự án nêu trên, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 10/12/2024.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo với tinh thần "Chỉ bàn làm không bàn lùi", "Cấp ủy lãnh đạo - Chính quyền vào cuộc - Nhân dân và doanh nghiệp đóng góp - Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội cùng tham gia", bảo đảm theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh với mục tiêu cuối năm 2025 thông xe toàn tuyến để nối thông toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Đối với khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn đoạn Km 45 + 100 - Km 108 + 500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km 1 + 800 - Km 106 + 500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BO, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để xem xét việc hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho các Dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT đang khai thác trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Về việc đầu tư giai đoạn 2 của các Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Chính phủ thống nhất về nguyên tắc đầu tư giai đoạn 2 Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) với quy mô hoàn chỉnh 04 làn xe, theo hình thức PPP. Sau khi Luật PPP (sửa đổi) được ban hành; vì đây là vùng khó khăn nên đồng ý về nguyên tắc 02 Dự án nêu trên được áp dụng cơ chế 70 - 30 (70% vốn nhà nước - 30% vốn Nhà đầu tư huy động) như đề nghị của Ủy ban nhân dân 02 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong quá trình thực hiện nếu vướng mắc về quy định của Luật, đề nghị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội 02 tỉnh có văn bản báo cáo Chủ tịch Quốc hội, đồng gửi đề xuất Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền.

Mở rộng quy mô đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa lên 14 làn xe

Về việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng quy mô đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 lên 14 làn xe (thay vì 8 làn xe) ngay trong giai đoạn 1 của Đề án để đồng bộ với cơ sở hạ tầng và quy hoạch với phía Trung Quốc. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 865/QĐ-TTg; bảo đảm đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Về nguồn vốn thực hiện 03 dự án (giai đoạn 1): Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho tỉnh Lạng Sơn thực hiện các dự án, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đối vốn còn lại (580 tỷ đồng), căn cứ nhu cầu giải ngân của các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp theo quy định để hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án theo tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhanh chóng triển khai để Dự án công viên logistics Viettel tại Lạng Sơn sớm đi vào hoạt động

Sau khi thăm và nghe báo cáo tại Dự án công viên logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Dự án công viên logistics Viettel tại Lạng Sơn được quy hoạch như một cảng cạn với nhiều công trình hạ tầng mới (như khu làm việc của Hải quan Việt Nam - Trung Quốc, khu giao nhận, sang tải hàng hoá cho xe Trung Quốc, khu kiểm hoá để 02 nước công nhận kết quả kiểm định, kiểm dịch của nhau…); từ đó giúp rút ngắn thời gian thông quan và giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Do vậy, Tập đoàn Viettel cần nhanh chóng triển khai để Dự án sớm đi vào hoạt động. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chủ trì làm việc với các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tập đoàn Viettel, đảm bảo Dự án đi vào hoạt động trong tháng 12/2024.

Theo kế hoạch, Dự án công viên logistics Viettel sẽ triển khai ga đường sắt để phục vụ vận tải liên vận giữa ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường (Trung Quốc). Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viettel chủ trì, chủ động phối hợp với bộ, ngành và tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu phương án triển khai ga đường sắt tại Dự án công viên logistics Viettel theo quy định của pháp luật; giao tỉnh Lạng Sơn và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền hỗ trợ Viettel giải phóng mặt bằng và tạo thuận lợi cho Dự án; kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính

Ngày 29/11/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 537/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với một số bộ, địa phương về công tác cải cách thủ tục hành chính ngày 26/11/2024.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1)- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách thực chất

Cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo các bộ, địa phương tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thực hiện nghiêm việc cải cách thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách đối với quy định thủ tục hành chính, bảo đảm chỉ ban hành các quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, thực hiện trên môi trường điện tử và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách thực chất, trong đó tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng tới giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính góp phần xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Bộ chỉ số 766 (Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, địa phương.

Tập trung triển khai thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hiệu quả, khoa học tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về đề xuất, kiến nghị của các bộ, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xử lý các kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn. Theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành, địa phương có văn bản trả lời trực tiếp các bộ, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan thành viên Hội đồng tư vấn trong tháng 12/2024, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác để theo dõi, tổng hợp.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 29/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1481/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1)- Ảnh 3.

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tạo sức lan tỏa lớn

 Theo Kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Hoàn thành, tổ chức triển khai Đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế (bao gồm: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Thừa Thiên Huế và Đề án thành lập thị xã Phong Điền và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để thành lập các phường thuộc thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế); Đề án Phân loại đô thị Thừa Thiên Huế (loại I); Đề án Phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, Đề án Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế và một số Đề án khác.

Tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tạo sức lan tỏa lớn

Triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch tỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt: Kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế như: (i) Hành lang kinh tế quốc gia Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính (ii) Hành lang kinh tế Đông -Tây: kết nối liên thông 3 Cụm Cảng biển với 02 cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào, trong đó, ưu tiên đầu tư Đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa Khẩu Hồng Vân thông qua quốc lộ 49F; (iii) Hành lang kinh tế đô thị hướng biển, trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến tỉnh lộ, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển.

Các thiết kế văn hóa, hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa như: (i) Bảo tàng quốc gia cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng ẩm thực Huế; (ii) Trung tâm bảo quản tư liệu quốc gia, Trung tâm văn hóa điện ảnh quốc gia; (iii) Trung tâm học thuật toàn cầu về bảo tồn di sản và công nghiệp văn hóa, sáng tạo…

Huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430 - 450 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP là 9 - 10%/năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430 - 450 nghìn tỷ đồng, cụ thể:

Nguồn vốn

Cơ cấu trong tổng vốn giai đoạn 2021 - 2030

2021 - 2025

2026 - 2030

Tổng cộng (tỷ đồng)

160.000 - 170.000

270.00 - 280.000

Nguồn vốn khu vực nhà nước

Khoảng 25%

(tương đương 40.000 -43.000 tỷ đồng)

Khoảng 16%

(tương đương 45.000 -47.000 tỷ đồng)

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước

Khoảng 68%

(tương đương 110.000 - 115.000 tỷ đồng)

Khoảng 72%

(tương đương 195.000 - 200.000 tỷ đồng)

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Khoảng 7%

(tương đương 10.000 -12.000 tỷ đồng)

Khoảng 12%

(tương đương 30.000 -33.000 tỷ đồng)

Số vốn của khu vực Nhà nước sẽ được quyết định tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn và Kế hoạch ngân sách theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật ngân sách nhà nước; số vốn khu vực ngoài nhà nước, FDI phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư của địa phương. Về cơ cấu nguồn vốn: tăng dần tỷ trọng khu vực ngoài ngân sách, FDI và giảm dần tỷ trọng khu vực nhà nước.

Giải pháp thu hút đầu tư phát triển

Một trong những giải pháp được đưa ra tại Kế hoạch là tỉnh Thừa Thiên Huế đổi mới, đa dạng các hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước.

Tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế.

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong công tác thẩm định, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội và tiến hành đầu tư tại tỉnh; rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án triển khai chậm, kém hiệu quả.

Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản, giấy chứng nhận thủy sản khai thác

Ngày 29/11/2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8807/VPCP-NN thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1)- Ảnh 4.

Cần nghiêm túc thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản, giấy chứng nhận thủy sản khai thác đúng theo quy định

 Tại điểm 1, Mục B Báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành số 818/2024/TTĐT ngày 28/11/2024 của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trích dẫn bài viết "Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về xác nhận nguyên liệu" trên Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2024.

Theo bài báo, Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển công thôn vừa có công văn 2437/TS-KTTS về việc tổ chức thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (giấy SC), giấy chứng nhận thủy sản khai thác (giấy CC) gửi Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển và tổ chức quản lý cảng cá.

Cục Thủy sản đề nghị các đơn vị nói trên nghiêm túc thực hiện cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản, giấy chứng nhận thủy sản khai thác đúng theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tính pháp lý, chính xác của giấy SC gửi kèm trong thành phần hồ sơ xin cấp giấy CC do đơn vị cấp, ban hành chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan quản lý khác không được yêu doanh nghiệp phải giải trình tính pháp lý, chính xác của giấy tờ này.

Cũng theo bài báo, thời gian qua, Cục Thủy sản đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hải sản về việc gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác do nhiều chi cục, cảng cá chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành hoặc áp dụng quy định một cách máy móc, cứng nhắc, thậm chí yêu cầu thêm những nội dung ngoài quy định của pháp luật.

Bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C, sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất – khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài "vùng khơi" chưa cải thiện tích cực.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu thông tin tại bài viết nêu trên; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự thảo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh việc này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 năm 2024.

Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2024 (1)- Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1485/QĐ-TTg ngày 29/11/2024 phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo bao gồm: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm:

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung;

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam;

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn;

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang;

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng;

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng;

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân;

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy;

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan;

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong;

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương;

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng;

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr;

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân;

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú;

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng;

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến;

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu;

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính;

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương;

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường;

Phó Tổng Giám đốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu;

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể Đỗ Mạnh Khởi.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 29/11/2024, thay thế Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 29/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể./.