Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 29/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ xây dựng, hoàn thiện thể chế của Vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển Vùng, phát triển ngành (cả nước).
Đồng thời, chủ động nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, đề án, chương trình phù hợp với yêu cầu phát triển tỉnh Ninh Thuận và quy định pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch; trong đó, nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để bảo đảm duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.
Một số quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế chính sách phát triển quan trọng của tỉnh Ninh Thuận: Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh; Đề án xây dựng trung tâm quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận; Đề án xây dựng Trung tâm Công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận; Đề án phát triển sản xuất vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ…
Theo Kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, kết nối nội vùng và liên vùng; tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển theo "4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực và 03 hành lang phát triển" được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Ưu tiên đầu tư các dự án, chương trình có sức lan tỏa, có vị trí, ý nghĩa quan trọng, giải quyết nhu cầu bức thiết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trọng tâm là Hạ tầng thiết yếu thúc đẩy 5 cụm ngành quan trọng, đột phá trong Quy hoạch tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, hạ tầng phát triển kinh tế đô thị, các khu công nghiệp, hạ tầng thông tin và truyền thông, chuyển đổi số và hạ tầng thủy lợi, bảo vệ nguồn nước.
Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác; ưu tiên thu hút đầu tư vào 05 cụm ngành quan trọng, đột phá đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định; nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách khuyến khích của tỉnh về đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới công nghệ, phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, phát triển mạnh các loại hình du lịch chất lượng cao và các sản phẩm công nghiệp chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu ứng dụng công nghệ cao.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh Ninh Thuận lũy kế đến năm 2030 cần khoảng 270.000-280.000 tỷ đồng, cụ thể như sau:
Nguồn vốn | Giai đoạn 2021-2025 | Giai đoạn 2026-2030 |
125 nghìn tỷ | 155 nghìn tỷ | |
Nguồn vốn ngân sách | 21 nghìn tỷ (17%) | 23 nghìn tỷ (15%) |
Nguồn vốn các thành phần kinh tế khác | 99 nghìn tỷ (79%) | 112 nghìn tỷ (72%) |
Nguồn vốn FDI | 5 nghìn tỷ (4%) | 20 nghìn tỷ (13%) |
Một trong những giải pháp Kế hoạch đưa ra là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, dự án tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khai thác hiệu quả các nguồn lực từ quỹ đất; thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư để huy động vốn thực hiện quy hoạch theo quy định pháp luật, tập trung xây dựng cơ chế đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các hình thức khác theo quy định pháp luật.
Tỉnh sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.
Đồng thời, phát triển hệ thống mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…
Ngày 29/11/2024 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1486/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Kế hoạch, tỉnh Lai Châu sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án lớn, quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển nhưng không huy động được nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; đầu tư hạ tầng đến vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng văn hóa xã hội; quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là chuỗi đô thị theo trục động lực và các vùng kinh tế đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Cụ thể các dự án: Cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13); cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ: 4H, 4D, 12, 32, 279D, 279; đường nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hầm đường bộ qua đèo Khau Co và các tuyến kết nối; Hồ Giang Ma; Hồ Phiêng Lúc; Hồ Căn Co; Kè chống sạt lở bảo vệ dân cư, cơ sở hạ tầng tại các huyện Phong Thổ, Than Uyên, Mường Tè; xây dựng các công trình cấp, trữ nước huyện Mường Tè…
Đối với các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh Lai Châu sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: Hạ tầng giao thông; khu kinh tế; khu, cụm công nghiệp; công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản (nhất là đất hiếm); các khu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung, các dự án chế biến nông lâm sản; nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống bến cảng đường thủy nội địa, cảng cạn; khu đô thị; khu, điểm du lịch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ...
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt khoảng từ 9 đến 11% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tỉnh Lai Châu cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 168 nghìn tỷ đồng, cụ thể:
Nguồn vốn | Cơ cấu trong tổng vốn giai đoạn 2021 - 2030 | |
Giai đoạn 2021 - 2025 | Giai đoạn 2026 - 2030 | |
1. Nguồn vốn khu vực nhà nước | 36% (tương đương 21 nghìn tỷ) | 31% (tương đương 34 nghìn tỷ) |
2. Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước | 64% (tương đương 37 nghìn tỷ) | 69% (tương đương 76 nghìn tỷ) |
Một trong những giải pháp thực hiện Kế hoạch, tỉnh Lai Châu sẽ nghiên cứu, xây dựng, triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư.
Đồng thời, tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền, kịp thời giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tập trung thu hút vốn để phát triển các ngành trụ cột của tỉnh như: Công nghiệp thủy điện, chế biến đất hiếm, chế biến nông lâm thủy sản; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; kinh tế biên mậu; phát triển các khu du lịch; phát triển các vùng nông lâm nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp sạch, phát triển một số sản phẩm chủ lực như: Mắc ca, chè, sâm Lai Châu các sản phẩm OCOP đặc hữu… phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1482/QĐ-TTg ngày 29/11/2024 kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ, giữ nguyên chức vụ đối với đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ ngày 1/12/2024 đến hết 30/11/2025./.