In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2024 (2)

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2024 (2).

30/10/2024 20:34

Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2024 (2)- Ảnh 1.

Chính phủ ban hành quy định mới về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật

Ngày 30/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 142/2024/NĐ-CP quy định về quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.

Nghị định nêu rõ, kho vật chứng và tài liệu, đồ vật là nơi tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thành lập theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật là những hoạt động liên quan đến việc tiếp nhận, nhập, xuất, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật tại kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.

Bảo vệ an toàn 24/24 giờ hằng ngày

Nghị định nêu rõ, việc quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật phải tuân thủ các quy định của pháp luật và Nghị định này. Tiếp nhận, nhập, xuất vật chứng, tài liệu, đồ vật được thực hiện theo lệnh hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Vật chứng, tài liệu, đồ vật được phân loại, bảo quản bảo đảm an toàn. Kho vật chứng và tài liệu, đồ vật được bảo vệ an toàn 24/24 giờ hằng ngày.

Cấm sử dụng kho vật chứng và tài liệu, đồ vật vào mục đích khác

Nghị định nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật như sau:

1- Xâm phạm, phá hủy cơ sở vật chất và các phương tiện, trang thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.

2- Nhập kho vật chứng và tài liệu, đồ vật đối với những vật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

3- Mang vật chứng, tài liệu, đồ vật ra khỏi kho vật chứng, tài liệu, đồ vật mà không được phép của cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh hoặc quyết định nhập, xuất vật chứng, tài liệu, đồ vật và cơ quan, người có thẩm quyền quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.

4- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, thêm, bớt, sửa đổi, làm mất mát, hư hỏng, hủy hoại, phá hủy niêm phong và có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng vật chứng, tài liệu, đồ vật.

5- Sử dụng kho vật chứng và tài liệu, đồ vật vào mục đích khác.

6- Người, phương tiện không có nhiệm vụ vào kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.

Điều kiện kho vật chứng và tài liệu, đồ vật

Theo Nghị định, kho vật chứng và tài liệu, đồ vật được thiết kế xây dựng khoa học, an toàn, kiên cố, thuận tiện cho công tác tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật; có phòng trực bảo vệ, tường rào bảo vệ; hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát an ninh, hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy; nội quy, kế hoạch, phương án bảo vệ, phương án phòng cháy, chữa cháy hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố kho vật chứng và tài liệu, đồ vật.

Các phòng kho chức năng bảo đảm khô ráo, thoáng khí, đảm bảo môi trường, vệ sinh; được lắp đặt trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật bảo đảm cho công tác bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật.

Lán kho và lán kho bãi phải có nền bê tông chắc chắn, cao ráo, thoát nước, có mái che mưa, nắng.

Đối với nơi bảo quản vật là phương tiện đường thủy phải có phòng trực bảo vệ; hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát an ninh, hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy; thiết bị neo đậu phương tiện; nội quy hoạt động ra, vào bến, kế hoạch, phương án bảo vệ, phương án phòng cháy, chữa cháy hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố.

Bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật

Nghị định nêu rõ, vật chứng, tài liệu, đồ vật được bảo quản theo đúng quy định của pháp luật; được phân loại, sắp xếp gọn gàng, khoa học, tránh nhầm lẫn, thất lạc, hư hỏng, không để gây ô nhiễm môi trường, thuận lợi cho việc quản lý, nhập, xuất, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật.

Tất cả vật chứng, tài liệu, đồ vật phải được bảo quản tại kho vật chứng và tài liệu, đồ vật, trừ những trường hợp sau đây:

1- Vật không thể đưa về kho vật chứng và tài liệu, đồ vật để bảo quản, đã được thuê nơi bảo quản hoặc giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật cần bảo quản.

2- Vật là tài liệu như: giấy tờ, tranh, ảnh, phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử đã xếp vào hồ sơ vụ án và được giao cho người tiến hành tố tụng có thẩm quyền quản lý theo chế độ công tác hồ sơ.

3- Vật đã được giao cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quản lý để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử.

4- Vật thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản được chuyển cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý (nếu có).

5- Vật là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt phải được giám định và gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trụ sở. Tài sản quý, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ phải được giám định, niêm phong và gửi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trụ sở.

Vật là tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm phải được giám định ngay khi thu thập, niêm phong (lập biên bản niêm phong đưa vào hồ sơ vụ án, vụ việc) và gửi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trụ sở.

6- Vật là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, pháo nổ, pháo hoa, chất cháy thể lỏng, chất cháy thể khí được giám định, niêm phong và gửi tại kho vật chứng và tài liệu, đồ vật trong khu vực kho vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trụ sở.

7- Vật là chất độc được giám định, niêm phong và gửi tại các cơ sở quản lý về chuyên môn thuộc ngành Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8- Vật là chất phóng xạ, nguồn phóng xạ được giám định, niêm phong và gửi tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

9- Vật là động vật hoang dã được chuyển giao cơ quan quản lý chuyên ngành gửi tại các vườn thú, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, trung tâm cứu hộ bảo tồn quốc gia, cơ sở cứu hộ động vật rừng, vườn động vật, cơ sở nuôi động vật rừng có đủ điều kiện được cấp giấy phép bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, ban quản lý rừng đặc dụng có cơ sở cứu hộ động vật ở gần hoặc nơi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trụ sở.

10- Vật là thực vật được gửi tại các cơ quan lâm nghiệp, trung tâm nghiên cứu, phát triển giống cây trồng; công ty lâm nghiệp, vườn thực vật, cơ sở trồng thực vật đủ điều kiện.

11- Vật là mẫu bệnh phẩm, chất lây nhiễm, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại, mẫu máu, mô, bộ phận cơ thể người, vắc xin và các vật khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt được niêm phong và gửi tại các cơ sở chuyên môn theo quy định của ngành y tế.

Nghị định nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận bảo quản ngay; cơ quan đã giao hoặc gửi vật chứng, tài liệu, đồ vật có trách nhiệm phối hợp để bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật theo quy định của pháp luật.

Trường hợp do điều kiện khách quan mà vật chứng, tài liệu, đồ vật quy định tại Nghị định này chưa thể chuyển đến cơ quan quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật hoặc cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật để bảo quản được thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tổ chức bảo quản. Sau khi khắc phục điều kiện khách quan đó thì phải chuyển ngay cho cơ quan quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật hoặc cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật để bảo quản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Quy chế tổ chức và hoạt động Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2024 (2)- Ảnh 2.

Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án - Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án vừa ký Quyết định số 123/QĐ-BCĐ ngày 30/10/2024 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này. Quy chế quy định về nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Theo đó, Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên; bảo đảm yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thành viên được pháp luật quy định.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề cao trách nhiệm cá nhân trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo; thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về những nhiệm vụ được phân công.

Ban Chỉ đạo làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến), tổ chức các đoàn làm việc tại bộ, ngành, địa phương và cho ý kiến bằng văn bản.

Quy chế nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo

Cụ thể, Trưởng Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo tổ chức các đoàn làm việc, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập, chủ trì, kết luận các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo để quyết định những vấn đề theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo giúp Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối các hoạt động của Ban Chỉ đạo; xem xét, giải quyết các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; thay mặt Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì và điều phối hoạt động chung của Ban Chỉ đạo khi được Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền. Tham mưu, giúp Trưởng ban tổ chức các đoàn làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để khảo sát, nghiên cứu, tổng hợp, phân loại các dự án đang gặp vướng mắc theo từng nhóm vấn đề; tham mưu Trưởng ban phân công thành viên Ban Chỉ đạo hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý theo từng nhóm vấn đề.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác và kết quả các nhiệm vụ được phân công. Tham gia công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc rà soát, thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; chỉ đạo nghiên cứu tháo gỡ, hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương đối với các nhóm vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của bộ, cơ quan mình. Đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo các chủ trương, chính sách, giải pháp để triển khai nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương và đối tượng có liên quan để khảo sát, rà soát, tổng hợp các dự án vướng mắc; phân loại các nhóm vấn đề và dự kiến thành viên Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu Trưởng ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất đối với các nhóm vấn đề không thuộc phạm vi bộ, cơ quan do thành viên Ban Chỉ đạo quản lý./.