Quy định mới về thi tuyển công chức
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Điều 8 (các môn thi và hình thức thi), Điều 9 (điều kiện miễn thi một số môn) và Điều 10 (cách tính điểm) thành Điều 8 (nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức).
Cụ thể, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm; thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Vòng 1 thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.
Nội dung thi trắc nghiệm gồm 3 phần:
1- Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển. Thời gian thi 60 phút.
2- Ngoại ngữ 30 câu hỏi là một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Thời gian thi 30 phút. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ tại vòng 1.
3- Tin học 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học thì người dự tuyển không phải thi tin học tại vòng 1.
Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.
Miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp sau: Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ; có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; người dự tuyển vào công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận.
Miễn phần thi tin học (vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi quy định nêu trên, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 trên máy vi tính thì phải thông báo kết quả cho thí sinh được biết ngay sau khi làm bài thi trên máy vi tính; không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức thi vòng 1 trên giấy thì việc chấm thi thực hiện như sau: Chậm nhất là 15 ngày sau ngày kết thúc thi vòng 1 phải hoàn thành việc chấm thi vòng 1; chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả điểm thi để thí sinh dự thi biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả điểm thi trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.
Trường hợp có đơn phúc khảo thì chậm nhất là 15 ngày sau ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo phải hoàn thành việc chấm phúc khảo và công bố kết quả chấm phúc khảo để thí sinh dự thi được biết. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình tổ chức chấm thi, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định kéo dài thời hạn thực hiện các công việc này nhưng không quá 15 ngày.
Chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo triệu tập thí sinh dự thi vòng 2. Chậm nhất là 15 ngày sau ngày thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 2 thì phải tiến hành tổ chức thi vòng 2.
Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành. Nội dung thi kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau bảo đảm phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Hình thức thi nghiệp vụ chuyên ngành là thi phỏng vấn hoặc thi viết. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định hình thức thi phỏng vấn hoặc thi viết. Trường hợp vòng 2 được tổ chức bằng hình thức phỏng vấn thì không thực hiện việc phúc khảo. Thang điểm (thi phỏng vấn hoặc thi viết) 100 điểm. Thời gian thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút.
Xác định người trúng tuyển
Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau: Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên; có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định người trúng tuyển. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.
Nghị định 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/1/2019.
Đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng
Theo Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được Chính phủ ban hành, hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.
Mức phạt trên cũng áp dụng đối với một trong các hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau tại cảng hàng không, sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức kiểm tra an ninh tàu bay trước chuyến bay theo quy định; thuê, lôi kéo hoặc xúi giục người khác đánh nhau hoặc đánh nhau trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay; có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;...
Đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Xâm nhập trái phép vào tàu bay; hành hung thành viên tổ bay, hành khách, người khác trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đưa công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn và các loại vũ khí, đồ vật khác có hình dạng, tính năng, tác dụng tương tự vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay trái quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; phát ngôn đe dọa an toàn hàng không mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đưa vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 15/1/2019.
Phân cấp trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai theo 5 cấp
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.
Nghị định nêu rõ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống đài thông tin duyên hải, đài phát thanh, truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm phát các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
UBND các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phổ biến kịp thời và chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên và cùng cấp trên địa bàn được cảnh báo.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống thông tin chuyên ngành để phát thông tin có liên quan đến phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực quản lý.
Trách nhiệm ứng phó rủi ro thiên tai
Nghị định quy định, rủi ro thiên tai được phân thành 5 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
Đối với rủi ro thiên tai cấp độ 1, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo, chỉ huy các cơ quan phòng chống thiên tai cấp trên.
Đối với rủi ro thiên tai cấp độ 2, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến thiên tai tại địa phương; báo cáo và chịu trách nhiệm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Đối với rủi ro thiên tai cấp độ 3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai; quyết định các biện pháp cấp bách và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai khi có yêu cầu.
Ứng phó với rủi ro thiên tai cấp độ 4, Nghị định quy định rõ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp ứng phó thiên tai.
Trường hợp thiên tai vượt cấp độ 4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó tình trạng khẩn cấp về thiên tai thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Huy động và phân bổ nguồn lực hỗ trợ
Nghị định nêu rõ, UBND các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn lực khác của địa phương để khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai trên địa bàn.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm bố trí nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý và hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, xuất hàng dự trữ quốc gia và các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các địa phương, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về dự trữ quốc gia.
Chậm nhất 30 ngày kể từ khi nhận được nguồn hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, UBND cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiếp nhận, phân bổ, sử dụng nguồn hỗ trợ, cứu trợ.
Chủ rừng phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng
Chủ rừng phải lập và tổ chức thực tập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Nội dung trên quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Cũng theo Nghị định, các khu rừng phải có quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng; có biển báo, biển cấm lửa được bố trí tại các vị trí quy định, phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng; có phương án phòng cháy và chữa cháy rừng quy định tại Điều 45 của Nghị định này; có các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất của từng loại rừng; trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng phù hợp với đặc điểm và tính chất cháy của từng loại rừng theo phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; có lực lượng phòng cháy và chữa cháy được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức thường trực sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ; có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Đối với các khu rừng có đường sắt, đường dây điện cao thế, đường ống dẫn khí đốt, dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ đi qua và công trình có nguy cơ gây cháy rừng phải có đường băng cản lửa, hành lang an toàn phù hợp với từng loại công trình theo quy định của pháp luật và thường xuyên kiểm tra, dọn sạch vật liệu cháy trong đường băng cản lửa.
Khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng và làm giảm vật liệu cháy trong rừng, người sử dụng lửa phải thực hiện biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy; không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V...
Nghị định nêu rõ chủ rừng; đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất; cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất; chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất khi nhận được tin báo về cháy rừng xảy ra trong địa bàn được phân công quản lý phải nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện đến tổ chức chữa cháy, đồng thời báo cho các cơ quan, đơn vị cần thiết khác biết để chi viện chữa cháy; trường hợp cháy rừng xảy ra ngoài địa bàn được phân công quản lý thì sau khi nhận được tin báo cháy phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cho các cơ quan, đơn vị quản lý địa bàn nơi xảy ra cháy biết để xử lý và tham gia chữa cháy rừng.
Chủ rừng xác định mức độ rừng bị thiệt hại sau khi cháy. Căn cứ mức độ thiệt hại, chủ rừng xác định và thực hiện các giải pháp phục hồi rừng sau khi cháy gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc có trồng bổ sung hoặc trồng rừng mới.
Nguyên tắc hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Về nguyên tắc hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa, Nghị định quy định hoạt động nạo vét phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cộng đồng dân cư, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông và không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng hàng hải, giao thông đường thủy nội địa và các công trình khác; không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa mà các hoạt động đó có thể gây cản trở hoạt động tránh trú của tàu thuyền vào mùa lũ lụt, khi có thiên tai xảy ra.
Trước khi tiến hành hoạt động nạo vét, đơn vị thi công nạo vét thông báo kế hoạch triển khai thực hiện (thời gian, tiến độ thi công, quy mô công trình, chủng loại và số lượng phương tiện thi công, hình thức thực hiện) đến cơ quan quản lý chuyên ngành (Cảng vụ Hàng hải khu vực, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực), chính quyền địa phương nơi có công trình và có bảng niêm yết tại công trường trong suốt quá trình thi công. Bảng niêm yết thể hiện các nội dung về cơ quan phê duyệt, chủ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn giám sát, đơn vị thi công, quy mô công trình, tiến độ thi công, thời gian bắt đầu thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện.
Các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa có đê còn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; đối với dự án nạo vét cơ bản ở các tuyến đường thủy nội địa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hoặc thuộc địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án.
Chất nạo vét phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Nghị định quy định chủ đầu tư, nhà đầu tư công trình nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét.
Phải đánh giá tác động môi trường
Nghị định cũng quy định rõ, các dự án nạo vét cơ bản trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa phải được đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với các dự án, công trình nạo vét duy tu với khối lượng thực hiện hàng năm có tính quy luật, việc đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được thực hiện theo thời hạn từng năm hoặc theo chu kỳ đến 05 năm.
Xác minh, xử lý nội dung tố cáo của Cty cổ phần MGA Việt Nam
Công ty cổ phần MGA Việt Nam (trụ sở: 19/2A khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ tố cáo ông Dương Phước Dũng (trú tại tổ 20, phường 13, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty cổ phần Dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh (trụ sở: 43B đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức đòi nợ trái quy định của pháp luật; đã 8 lần đưa nhân viên gồm các đối tượng "xã hội đen" xăm trổ đầy mình, cởi trần kéo đến xâm phạm trụ sở, nhà xưởng, tài sản và dùng lời lẽ thô tục đe dọa, có hành vi cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần MGA Việt Nam, gây mất trật tự công cộng.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương xác minh, xử lý nội dung tố cáo của Công ty cổ phần MGA Việt Nam theo quy định của pháp luật; đồng thời chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường theo dõi, nắm bắt chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân đòi nợ, nếu có hành vi vi phạm phải kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng đòi nợ theo kiểu "xã hội đen" như ở một số địa phương trong thời gian vừa qua mà Đài Truyền hình Việt Nam và báo chí phản ánh, dư luận bức xúc. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/3/2019.
Tiếp tục hoàn thiện thiết kế Tổng điều tra dân số và nhà ở
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tại cuộc họp về triển khai thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, tích cực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trong việc chủ động triển khai các công việc và sự phối hợp tích cực của các Bộ, ngành, địa phương về chuẩn bị cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng, Ban Cán sự Đảng, Đảng Đoàn tổ chức quán triệt đến chi bộ và đảng viên nhận thức rõ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; xác định cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở là công tác quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của tất cả các cấp, các ngành nên cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, hoàn thành đồng bộ ở tất cả các địa bàn điều tra. Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương tham mưu thành ủy/tỉnh ủy ban hành Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và của Chính quyền các cấp vào đầu năm 2019 về chỉ đạo thực hiện thắng lợi Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện thiết kế Tổng điều tra, bao gồm cả các tài liệu hướng dẫn, phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin... và xây dựng phương án áp dụng tối đa công nghệ thông tin để hỗ trợ thu thập kết quả nhanh gọn, thuận tiện với chất lượng thông tin tốt góp phần vào thành công của Tổng điều tra.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê chỉ đạo các công ty viễn thông hoàn thiện phương án sử dụng công nghệ thông tin phục vụ Tổng điều tra, đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng và hệ thống truyền thông thông suốt trong quá trình Tổng điều tra, xây dựng phương án dự phòng rủi ro. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các công ty viễn thông đóng góp tin nhắn tới các thuê bao di động về thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền qua các kênh báo hình, báo nói, báo điện tử...
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo các cấp tổ chức triển khai cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp điều tra dân số và nhà ở; huy động lực lượng tham gia thu thập thông tin Tổng điều tra.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, công tác tư tưởng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, những địa bàn xung yếu về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đề phòng kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc mục tiêu của Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp tại địa phương ban hành công văn yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc đơn vị quản lý của mình hưởng ứng tự cung cấp thông tin thông qua điều tra trực tuyến trên Internet nhằm nâng cao trách nhiệm công dân trong cung cấp thông tin thống kê nhà nước và góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách thực hiện Tổng điều tra.
Tổ chức Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương với các địa phương vào giữa tháng 3 năm 2019. Thành phần gồm các Ban Chỉ đạo tại địa phương, đại diện Chính quyền và cấp ủy địa phương để quán triệt thực hiện Tổng điều tra. Tổ chức các Hội nghị cấp Trung ương và địa phương về hướng dẫn nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng điều tra từ tháng 12 năm 2018 đến giữa tháng 3 năm 2019; tổ chức thu thập thông tin Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ ngày 1/4/2019.
Bộ Tài chính bố trí đủ và kịp thời kinh phí thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở trong 3 năm 2018, 2019, 2020 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, bổ sung ngay dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để đáp ứng kinh phí cho các hoạt động chuẩn bị Tổng điều tra trong năm 2018, trường hợp cần thiết, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để bổ sung ngân sách năm 2018 cho Tổng điều tra.
Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu của Hãng hàng không Korean Airlines
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Hãng hàng không Korean Airlines.
Phó Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Hãng hàng không Korean Airlines.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xử lý cụ thể, chỉ đạo Cơ quan hải quan giám sát, quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng hàng hóa miễn thuế của Hãng hàng không Korean Airlines đúng mục đích, đúng đối tượng quy định tại Điều 5 Hiệp định vận tải hàng không đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc.