In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8.

06/08/2024 08:31

Nghị định quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi 

 Các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi được quy định cụ thể tại Nghị định số 106/2024/NĐ-CP do Chính phủ vừa ban hành.

Nghị định quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm: Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn, hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao, hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.

Hỗ trợ sản xuất, chế biến nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi

Nghị định quy định chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Đối tượng được hỗ trợ là tổ chức, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi và có chăn nuôi trang trại quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Cụ thể, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: Đường trục chính nội đồng, thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, điện, khu tập kết sản phẩm sau thu hoạch. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua vật tư, thiết bị thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đối với dự án có tổng công suất sản xuất thiết kế đạt tối thiểu 100.000 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí mua thiết bị từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung trong nước đối với dự án có công suất sản xuất thiết kế tối thiểu 30 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung trong nước đối với dự án có công suất sản xuất thiết kế tối thiểu 30 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời tại trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua giống cây trồng làm cây thức ăn chăn nuôi đối với dự án có diện tích đất trồng tối thiểu 10 ha/dự án. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi

Nghị định quy định hỗ trợ các đối tượng là tổ chức, cá nhân thực hiện dự án phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Cụ thể, hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/kho lạnh.

Hỗ trợ không quá 30% tổng chi phí về quảng bá thương hiệu sản phẩm; mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ không quá 30% tổng chi phí về đào tạo xây dựng chiến lược phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.

Để được hỗ trợ, tổ chức, cá nhân thực hiện dự án phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng điều kiện:

- Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xây dựng và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chăn nuôi có chuỗi liên kết giá trị từ chăn nuôi - giết mổ - chế biến hoặc chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ.

- Dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và nghiệm thu kết quả đối với nội dung hỗ trợ xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm thịt gia súc, gia cầm.

- Có hóa đơn, chứng từ liên quan đến các khoản mục chi phí thực hiện.

Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

Tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.

Cụ thể, hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di đời: căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời, quy hoạch tỉnh, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho đối tượng được di dời theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.

Hỗ trợ không quá 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tháng lương cơ bản/người.

Phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý 

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 5/8/2024 phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý. 

 Phương án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, quản lý

Quyết định nêu rõ: Giai đoạn đến hết năm 2030, giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giai đoạn sau năm 2030, Bộ Giao thông vận tải tổ chức đánh giá thực trạng, hiệu quả việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn trước để quyết định giao tài sản theo quy định của pháp luật.

Cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn đến hết năm 2030

Quyết định quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Theo đó, công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đường sắt, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Bộ Giao thông vận tải giao dự toán ngân sách và tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan.

Về cơ chế thực hiện quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý khi giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác, Quyết định nêu rõ:

Bộ Giao thông vận tải tổ chức đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định pháp luật.

Việc triển khai thực hiện hợp đồng đặt hàng theo quy định của pháp luật; trường hợp các quy định của pháp luật còn có những bất cập, không phù hợp với thực tế trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cơ chế khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý

Quyết định nêu rõ cơ chế cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt:

- Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được giao quản lý và các nội dung khác liên quan theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đường sắt, pháp luật về phí và lệ phí và pháp luật khác có liên quan.

Về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý, theo Quyết định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức khai thác tài sản và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được giao theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý

Việc xử lý tài sản và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quyết định cũng quy định rõ trình tự, thủ tục bàn giao, tiếp nhận để quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý giai đoạn đến hết năm 2030.

Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì rà soát, phân loại danh mục, khối lượng, giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đang quản lý, sử dụng để lập hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản, trình Bộ Giao thông vận tải; chủ trì xây dựng giá quy ước để hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đối với những tài sản chưa có nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ sách, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tính đến thời điểm thực hiện thủ tục bàn giao theo quy định của pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra hồ sơ đề nghị giao quản lý tài sản và thực hiện các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, quản lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác tại Phiên họp thứ năm của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2024 

 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 362/TB-VPCP ngày 5/8/2024 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác tại Phiên họp thứ năm của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều kết quả nổi bật: Đã cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nhiều thủ tục hành chính đã được phân cấp giải quyết từ trung ương cho địa phương; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ đã được các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện; việc triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế đạt kết quả đáng ghi nhận; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được triển khai hiệu quả mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo việc tổ chức triển khai mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh, thời gian thí điểm từ tháng 9 năm 2024 đến hết tháng 11 năm 2025.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: (1) Một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách thủ tục hành chính; (2) Vẫn còn quy định, thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp chưa được phát hiện và sửa đổi kịp thời; (3) Việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ tại một số cơ quan thực hiện chưa nghiêm; (4) Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; (5) Công tác truyền thông vẫn chưa được đẩy mạnh.

Một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, ưu tiên nguồn lực triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội, các Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch, Đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Khẩn trương thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng văn bản, thực hiện tốt việc đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiệu quả tham vấn (tăng cường tham vấn trên môi trường điện tử), thực hiện nghiêm việc thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu xử lý và có văn bản trả lời phản ánh, kiến nghị của các thành viên Hội đồng tư vấn tại Phụ lục IV kèm theo Báo cáo số 5285/BC-VPCP ngày 25/7/2024, đồng thời gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/8/2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế nghiên cứu xử lý và có văn bản trả lời kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương tại Phụ lục III kèm theo Báo cáo số 5285/BC-VPCP ngày 25/7/2024, đồng thời gửi Cơ quan thường trực để tổng hợp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/8/2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan triển khai thí điểm hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Các thành viên Hội đồng tư vấn chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, tài liệu chi tiết, rõ ràng về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để báo cáo Tổ công tác kịp thời tháo gỡ.

Công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 795/QĐ-TTg công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.

Quyết định nêu rõ, công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.

Phạm vi đô thị Thanh Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thanh Hóa hiện hữu và huyện Đông Sơn hiện hữu có tổng diện tích tự nhiên là 228,214 km2.

Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 30 phường hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa, 2 xã thuộc thành phố Thanh Hóa dự kiến thành lập phường (gồm các xã: Hoằng Quang và Hoằng Đại), 1 thị trấn và 1 xã thuộc huyện Đông Sơn dự kiến thành lập phường (gồm thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh) có tổng diện tích tự nhiên là 147,627 km2.

Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 2 xã hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa (gồm các xã: Đông Vinh và Thiệu Vân) và 12 xã hiện hữu thuộc huyện Đông Sơn (gồm các xã: Đông Văn, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Minh, Đông Thanh, Đông Phú, Đông Nam, Đông Quang) có tổng diện tích tự nhiên là 80,587 km2.

Công nhận huyện Giao Thủy, Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 761/QĐ-TTg công nhận huyện Giao Thủy, Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nam Định có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Giao Thủy tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Thi hành kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh 

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với 2 nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Thanh Cung, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 (giai đoạn từ tháng 12 năm 2011 đến tháng 02 năm 2015) do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng, thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1539-QĐ/UBKTTW ngày 24 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Tại Quyết định số 794/QĐ-TTg ngày 5/8/2024, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 (giai đoạn từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 8 năm 2019) do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng; thời gian thi hành kỷ luật kể từ ngày công bố Quyết định số 1538-QĐ/UBKTTW ngày 24 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương./.