Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 12 nước từ ngày 15/3/2025 đến hết ngày 14/3/2028.
Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 12 nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 7/3/2025 về việc miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy và Cộng hòa Phần Lan.
Nghị quyết nêu rõ, miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy và Cộng hòa Phần Lan với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện kể từ ngày 15/3/2025 đến hết ngày 14/3/2028 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày 15/3/2025.
Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân (Ban Chỉ đạo).
Theo Quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm:
- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng Ban phụ trách, điều phối, phối hợp xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân.
Các ủy viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, ủy viên Ban Chỉ đạo còn có Chủ tịch UBND: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, thành phố Huế; mời đại diện Lãnh đạo Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; đại diện Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khóa XV.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất.
Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp theo kế hoạch và triệu tập các cuộc họp đột xuất khi cần thiết, có thể ủy quyền cho Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì các cuộc họp để thảo luận, quyết định một số vấn đề cụ thể thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Bộ Tài chính là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định thành lập Tổ Biên tập và Tổ Chuyên gia xây dựng Đề án.
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ nhà ở trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Quy định chung về bảo vệ công trình điện lực
Nghị định quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị điện lực khi phát hiện hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện, trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ.
Không sử dụng công trình điện lực vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận của đơn vị quản lý công trình điện lực.
Không lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, nhà lồng, nhà lưới, biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi, văng, rung lắc gây hư hỏng, sự cố công trình điện lực.
Tổ chức, cá nhân không đào đất, chất tải hoặc hoạt động gây sụt lún hoặc có nguy cơ gây sạt lở, lún sụt công trình lưới điện, trạm điện; không đốt nương rẫy, rác thải, vật liệu, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình điện lực; không bắn, quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện và các công trình điện lực khác.
Không thực hiện nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc có khả năng làm cháy, gây hư hỏng các bộ phận của công trình điện lực.
Phương tiện bay được cấp phép phải bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình điện lực, không được phép bay vào phạm vi 500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc 100 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trên không trung áp ra các phía xung quanh, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
Nghị định quy định rõ việc bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp cao; bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; bảo vệ an toàn trạm điện; bảo vệ an toàn nhà máy phát điện và công trình điện lực khác...
Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp cao
Về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không điện áp cao, Nghị định quy định Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình lưới điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đối với công trình lưới điện thuộc phạm vi quản lý bao gồm khu vực thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện.
Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không phải có biện pháp chăng néo, gia cố mái của nhà ở, công trình phòng tránh nguy cơ bay vào đường dây dẫn điện trên không; tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình; không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp được quy định trong bảng sau:
Điện áp | Trên 01 kV đến 22 kV | 35 kV | 110kV | 220 kV | ||
Dây bọc | Dây trần | Dây bọc | Dây trần | Dây trần | Dây trần | |
Khoảng cách an toàn phóng điện | 1,0 m | 2,0 m | 1,5 m | 3,0 m | 4,0 m | 6,0 m |
Trước khi xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không theo yêu cầu kỹ thuật tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này. Cơ quan cấp phép xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến đơn vị quản lý vận hành lưới điện trước khi cấp phép xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn.
Cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không phải bảo đảm các quy định tại Điều 15 Nghị định này.
Chủ sở hữu ao, hồ nơi đường dây dẫn điện trên không điện áp cao đi qua phải có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý vận hành cắm biển cảnh báo và không được câu cá trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không và khu vực có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
Trong phạm vi 1.000 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện cao áp, siêu cao áp trên không hoặc 500 m tính từ mép ngoài công trình lưới điện trung áp ra các phía xung quanh, tổ chức, cá nhân không được thả diều, vật thể bay trừ các thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh và của đơn vị quản lý vận hành công trình điện lực làm nhiệm vụ kiểm tra, vận hành và bảo trì công trình.
Tổ chức, cá nhân không được đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải trong hành lang an toàn bảo vệ đường dây dẫn điện trên không làm thay đổi khoảng cách từ dây dẫn điện trên không đến mặt đất tự nhiên hoặc vi phạm khoảng cách an toàn về điện.
Khi tiến hành công việc gần hành lang hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không, tổ chức, cá nhân phải có biện pháp không để thiết bị, dụng cụ, phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp được quy định trong bảng sau, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện công việc áp dụng công nghệ phù hợp hoặc do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh phải có sự thoả thuận bằng văn bản với đơn vị điện lực về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết:
Điện áp | Trên 01 kV đến 35 kV | 110kV | 220 kV | 500 kV |
Khoảng cách an toàn phóng điện | 2,0 m | 3,0 m | 4,0 m | 6,0 m |
Bảo vệ an toàn trạm điện
Về bảo vệ an toàn trạm điện, Nghị định quy định Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành công trình trạm điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đối với công trình trạm điện thuộc phạm vi quản lý.
Người sử dụng đất, sở hữu cây có trách nhiệm không để nhà ở, công trình, cây trồng trên phần đất của mình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
Trong hành lang an toàn trạm điện không được tập trung đông người, dựng lều quán, buôn bán, để xe, buộc gia súc, trừ trường hợp kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa trạm điện.
Nhà ở và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm điện; không xâm phạm đường ra vào trạm điện, đường cấp thoát nước của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không của trạm điện; không làm cản trở hệ thống thông gió của trạm điện; không để cho nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện. Đường ra vào trạm điện có điện áp từ 110 kV trở lên phải bảo đảm cho phương tiện cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều kiện để nhà ở trong và gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ điều kiện để nhà ở, công trình xây dựng tồn tại trong và gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không:
1. Nhà ở, công trình xây dựng tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a- Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy và bảo đảm kết cấu an toàn xây dựng;
b- Không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các bộ phận công trình lưới điện;
c- Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn khoảng cách an toàn quy định trong bảng sau:
Điện áp | Trên 01 kV đến 35 kV | 110kV | 220 kV |
Khoảng cách | 3,0 m | 4,0 m | 6,0 m |
d- Đối với đường dây dẫn điện trên không có điện áp 220 kV, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, b, c còn phải đáp ứng yêu cầu sau: Cường độ điện trường nhỏ hơn 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất 01 m và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất 01 m; các kết cấu kim loại của công trình phải được nối đất phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
2. Nhà ở, công trình có người sinh sống và làm việc gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có cấp điện áp từ 500 kV trở lên phải bảo đảm cường độ điện trường nhỏ hơn 5 kV/m và các kết cấu kim loại của công trình phải được nối đất phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Bồi thường, hỗ trợ nhà ở trong và gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không do làm hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt
Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phải di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện áp cao trên không điện áp đến 220 kV theo quy định tại (1) nêu trên thì tổ chức, cá nhân sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ do làm hạn chế khả năng sử dụng và ảnh hưởng trong sinh hoạt. Việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện 01 lần như sau:
a- Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt có một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện áp cao trên không, được xây dựng trên đất đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện áp cao trên không. Mức bồi thường, hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định;
b- Trường hợp nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được xây dựng trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của pháp luật về đất đai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương;
c- Nhà, công trình tồn tại trong hành lang nhưng chưa đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ cải tạo nhằm đáp ứng các điều kiện tại điểm a;
d- Trường hợp nhà ở, công trình không thể cải tạo được để đáp ứng điều kiện theo quy định, mà phải dỡ bỏ hoặc di dời thì chủ sở hữu nhà ở, công trình được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nghị định cũng quy định: Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm gần hành lang bảo vệ an toàn và giữa hai đường dây dẫn điện trên không điện áp 500 kV, có khoảng cách theo phương nằm ngang giữa hai dây dẫn pha ngoài cùng gần nhất của hai đường dây nhỏ hơn hoặc bằng 60 m thì chủ sở hữu nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt được lựa chọn một trong hai hình thức xử lý sau:
- Được bồi thường, hỗ trợ để di dời như đối với nhà ở, công trình nằm trong hành lang bảo vệ an toàn phải giải tỏa theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
- Nếu không có nhu cầu di dời thì phải có văn bản đề nghị được ở lại gửi Ủy ban nhân dân các cấp nơi có nhà ở, công trình trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để đầu tư xây dựng đường dây 500 kV xây dựng sau và được bồi thường, hỗ trợ do giảm khả năng sử dụng đất như đối với đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương do Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập và quản lý
Theo quy định mới tại Nghị định số 63/2025/NĐ-CP, Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương (sau đây gọi tắt là Quỹ trung ương) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thành lập và quản lý.
(Trước đó, theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP thì Quỹ trung ương được Chính phủ thành lập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Quỹ trung ương gồm: Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và cơ quan quản lý Quỹ trung ương.)
Còn tại Nghị định số 63/2025/NĐ-CP, quy định về bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ trung ương được sửa đổi như sau:
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sử dụng bộ máy của cơ quan chuyên môn tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai làm cơ quan quản lý Quỹ trung ương.
Cơ quan quản lý Quỹ trung ương gồm có Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng, công chức, viên chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái.
Giám đốc Quỹ trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định. Giám đốc Quỹ trung ương là đại diện theo pháp luật của Quỹ trung ương; được ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với một số công việc phục vụ hoạt động của quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các Phó giám đốc Quỹ trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ trung ương.
Kế toán trưởng, công chức, viên chức kiêm nhiệm, biệt phái tại cơ quan quản lý Quỹ trung ương do Giám đốc Quỹ trung ương quyết định theo quy định của pháp luật.
Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ trung ương được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành theo đề nghị của cơ quan quản lý Quỹ trung ương.
Bộ máy quản lý và điều hành Quỹ cấp tỉnh
Về bộ máy quản lý và điều hành Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ cấp tỉnh, bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát và cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.
Quy định này được Nghị định số 63/2025/NĐ-CP sửa đổi như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ cấp tỉnh; sử dụng bộ máy của cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai làm cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.
Cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh gồm có Giám đốc, các Phó giám đốc, Kế toán trưởng, công chức, viên chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái.
Giám đốc Quỹ cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Giám đốc Quỹ cấp tỉnh là đại diện theo pháp luật của Quỹ cấp tỉnh; được ký hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với một số công việc phục vụ hoạt động của quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Các Phó giám đốc Quỹ cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ cấp tỉnh.
Kế toán trưởng, công chức, viên chức kiêm nhiệm, biệt phái tại cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh do Giám đốc quỹ quyết định theo quy định của pháp luật.
Chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh được quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo đề nghị của cơ quan quản lý Quỹ cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức công tác thu, nộp quỹ theo quy định.
Nghị định 63/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/4/2025. Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiện toàn bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiện toàn bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này chậm nhất 45 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Tổng số vốn thanh toán cho dự án BT không được vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
Chính phủ ban hành Nghị định 64/2025/NĐ-CP quy định về lãi vay sau thời gian xây dựng, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án đầu tư áp dụng loại hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nghị định này áp dụng đối với các bên trong Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT), cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư dự án BT trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trong đó, Nghị định nêu rõ quy định về việc thanh toán dự án BT.
Nguồn vốn thanh toán dự án BT
Nghị định quy định nguồn vốn thanh toán dự án BT gồm: Vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của tỉnh; nguồn thu từ tiền đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất.
Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định việc sử dụng các nguồn vốn quy định ở trên để thanh toán dự án BT.
Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư
Nghị định quy định Kho bạc Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu từ tiền đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Cơ quan ký kết hợp đồng dự án BT mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện cho giao dịch. Việc mở tài khoản để kiểm soát, thanh toán thực hiện theo quy định của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và của Bộ Tài chính về hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Sau khi nhận được văn bản phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đàu tư công (bao gồm cả điều chỉnh, bổ sung nếu có) của Ủy ban nhân dân các cấp của tỉnh Nghệ An, đối với các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Nghị quyết số 137/2024/QH15 và đã được phân bổ, điều chỉnh phân bổ vốn kế hoạch, Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của cơ quan ký kết hợp đồng BT, các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng BT (nếu có), số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, các điều kiện thanh toán và giá trị từng lần thanh toán để thanh toán vốn cho dự án.
Trường hợp hồ sơ đề nghị thanh toán của cơ quan ký kết hợp đồng BT chưa đảm bảo đúng chế độ hoặc thiếu hồ sơ theo quy định tại Nghị định này, Kho bạc Nhà nước từ chối thanh toán và chậm nhất trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thanh toán của cơ quan ký kết hợp đồng BT, Kho bạc Nhà nước phải có văn bản thông báo cụ thể lý do từ chối thanh toán gửi một lần cho cơ quan ký kết hợp đồng BT để hoàn thiện, bổ sung theo quy định của Nghị định này.
Thời hạn kiểm soát, thanh toán vốn của Kho bạc Nhà nước tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán của cơ quan ký kết hợp đồng BT theo quy định tại Nghị định này.
Tổng số vốn thanh toán cho dự án BT không được vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, số vốn ngân sách nhà nước giải ngân trong năm của dự án BT không vượt vốn kế hoạch công trong năm đã bố trí cho dự án, số tiền thu từ đấu giá tài sản công, đấu giá quyền sử dụng đã được nộp vào ngân sách nhà nước để thanh toán cho dự án.
Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ, đúng quy định cho dự án khi có đủ điều kiện thanh toán, hồ sơ thanh toán theo quy định.
Cơ quan ký kết hợp đồng BT chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả; chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành, chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng thực hiện, đơn giá, giá trị đề nghị thanh toán và hồ sơ, tài liệu cung cấp cho Kho bạc Nhà nước.
Điều kiện thanh toán dự án BT
Nghị định quy định rõ, dự án BT nằm trong danh mục dự án BT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm của tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Thời gian bố trí vốn đầu tư công thanh toán dự án BT kể từ thời điểm dự án hoàn thành, bàn giao cho Nhà nước không quá 06 năm đối với dự án nhóm A, không quá 04 năm đối với nhóm B, không quá 03 năm đối với nhóm C.
Hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng BT phải có quy định cụ thể về tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay; nguồn vốn, điều kiện, thời hạn, số lần Nhà nước thanh toán cho doanh nghiệp dự án BT hoặc nhà đầu tư (trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án BT).
Nhà nước thanh toán cho doanh nghiệp dự án BT hoặc nhà đầu tư (trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án BT) sau khi dự án BT hoặc hạng mục công trình, công trình xây dựng thuộc dự án BT vận hành độc lập được cơ quan ký kết hợp đồng BT cấp xác nhận hoàn thành theo quy định của pháp luật xây dựng và đã được kiểm toán giá trị dự án BT hoàn thành, hạng mục công trình, công trình xây dựng thuộc dự án BT vận hành độc lập hoàn thành.
Việc thanh toán lần cuối chỉ thực hiện sau khi giá trị vốn đầu tư công dự án BT hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án BT hoàn thành.
Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đối tượng quy hoạch là các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và các trường cao đẳng sư phạm, không bao gồm các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, với phạm vi quy hoạch trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đồng bộ và hiện đại với quy mô, cơ cấu và phân bố hợp lý; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch là quy mô trên 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học trên một vạn dân; tỉ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18 - 22 đạt 33% trong đó không tỉnh nào có tỉ lệ thấp hơn 15%.
Cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp hiện đại; tỉ trọng quy mô đào tạo thạc sĩ (và trình độ tương đương) đạt 7,2%, đào tạo tiến sĩ đạt 0,8%, đào tạo cao đẳng sư phạm đạt 1%; tỉ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn; nâng cấp, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học đạt các tiêu chuẩn chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030.
Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 04 vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050 phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đồng bộ và hiện đại theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu học đại học chất lượng tốt của Nhân dân, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và dẫn dắt phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước phát triển, thu nhập cao.
Cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm khoảng 70% tổng quy mô đào tạo toàn quốc
Về định hướng phát triển và phân bố mạng lưới đến năm 2030, Quyết định nêu rõ, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm toàn quốc được nâng cấp, phát triển với định hướng cơ cấu như sau:
Các cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm khoảng 70% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển đất nước và bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học thuận lợi, công bằng cho người dân.
Các cơ sở giáo dục đại học tư thục và tư thục không vì lợi nhuận chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và của thị trường lao động.
Từ 50 đến 60 cơ sở giáo dục đại học đào tạo tới trình độ tiến sĩ, trong đó khoảng 50% phát triển theo định hướng nghiên cứu, giữ vai trò nòng cốt trong mạng lưới về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phương án sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học
Theo quy hoạch, sẽ củng cố, sắp xếp và tăng cường năng lực đối với các cơ sở giáo dục đại học hiện có; chấm dứt hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030 đối với cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn hoặc không hoàn thành xác lập vị trí pháp lý theo quy định của pháp luật.
Sắp xếp, thu gọn số đầu mối cơ sở giáo dục đại học công lập; chỉ xem xét thành lập trường đại học công lập mới khi có yêu cầu cấp thiết và có đủ điều kiện thuận lợi trong các trường hợp: (i) thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận đại học thấp, cụ thể tại Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long; (ii) tổ chức lại một số trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương đã được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; (iii) đã có chủ trương thành lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt và còn trong thời hạn theo quy định trước thời điểm Quy hoạch này có hiệu lực thi hành.
Sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo) theo hướng tập trung vào ngành, lĩnh vực cốt lõi của cơ quan quản lý trực tiếp; sắp xếp, phát triển các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của địa phương và của vùng trong đó có các ngành đào tạo giáo viên.
Khuyến khích thành lập mới, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, nhất là các cơ sở giáo dục đại học chuyên đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Phát triển Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia
Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển các đại học quốc gia và đại học vùng đạt chất lượng và uy tín ngang tầm khu vực và thế giới, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng, giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của mạng lưới cơ sở giáo dục đại học toàn quốc và tại các vùng kinh tế - xã hội.
Cụ thể, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; phát triển Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia. Các đại học quốc gia phát triển theo định hướng nghiên cứu, tập trung đào tạo tài năng, chất lượng cao và đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia; ưu tiên các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực trọng điểm khác theo thế mạnh cốt lõi của từng đại học.
Nâng cấp, mở rộng không gian phát triển của Đại học Thái Nguyên trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; nâng cấp, phát triển thêm các đại học vùng tại Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long với nòng cốt là Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ và một số trường đại học khác tại mỗi vùng; chuẩn bị điều kiện để phát triển Trường Đại học Tây Bắc thành đại học vùng ở giai đoạn sau năm 2030. Các đại học vùng tập trung nâng cao chất lượng, chú trọng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng; ưu tiên các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, sư phạm và một số lĩnh vực khác theo yêu cầu phát triển từng vùng.
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô 180 - 200 nghìn người học
Về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên, theo quy hoạch, sẽ phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên đạt quy mô từ 180 đến 200 nghìn người học trong đó khoảng 85% ở trình độ đại học và 15% ở trình độ cao đẳng, dự kiến có từ 48 đến 50 cơ sở giáo dục đại học.
Về mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM, Quyết định nêu rõ: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đào tạo các lĩnh vực STEM đạt quy mô hơn 1 triệu người học trong đó khoảng 7% ở trình độ thạc sĩ (và trình độ tương đương) và 1% tiến sĩ. Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh nghiên cứu, đào tạo các ngành, lĩnh vực STEM gắn với định hướng phát triển các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của các vùng.
Đối với mạng lưới giáo dục đại học số, theo quyết định, sẽ phát triển mạng lưới giáo dục đại học số trên cơ sở: (i) chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong tổ chức và hoạt động của từng cơ sở và cả hệ thống giáo dục đại học; (ii) liên kết mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trên các nền tảng đào tạo trực tuyến nhằm chia sẻ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và dịch vụ giáo dục đại học; (iii) chuyển đổi mô hình hoạt động của một số trường đại học hoặc đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học thành trường đại học số, trường đào tạo số.
Cùng đó là phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, bao gồm cả năng lực ngoại ngữ, năng lực số và ứng dụng công nghệ giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống giáo dục đại học. Tăng bình quân mỗi năm khoảng 5% số giảng viên toàn thời gian và 8% số giảng viên có trình độ tiến sĩ để đến năm 2030 toàn hệ thống có 110.000 giảng viên toàn thời gian trong đó ít nhất 40% có trình độ tiến sĩ...
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 84/TB-VPCP ngày 7/3/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Thông báo nêu, ngày 4/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (Dự án). Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu dự họp để hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định rõ các nhiệm vụ trong quyết định trước đây giao Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) nay giao cho Đồng Nai phải rà soát lại với 04 dự án đã khẳng định để điều chỉnh trong Quyết định này.
Đường cất hạ cánh số 3, đường lăn và một số hạng mục thống nhất bổ sung về vốn, mục tiêu và lựa chọn nhà đầu tư giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị bổ sung nội dung triển khai hangar số 5 và số 6 để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới theo quy định về đấu thầu; rà soát hồ sơ Dự án (từ hồ sơ chủ trương đầu tư, hồ sơ quy hoạch, hồ sơ dự án,…) để xác định các hạng mục công trình của các dự án thành phần tại dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh bảo đảm đầy đủ, chính xác, thống nhất (như các hạng mục khu logistic hàng không và các nhà ga hàng hóa số 2, nhà ga chuyển phát nhanh, các kho giao nhận hàng hóa,...).
Về tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu cập nhật tiến độ cơ bản hoàn thành hạng mục công trình trong năm 2025; các nhà đầu tư được lựa chọn các công trình như: hangar, nhà ga hàng hóa, kho giao nhận hàng hóa, hạ tầng kết nối,… phải cam kết về tiến độ.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, ACV, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và các cơ quan liên quan hoàn thiện và chịu trách nhiệm về dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh, nghiên cứu bổ sung các nội dung để có cơ sở thực hiện quy định về đấu thầu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, đưa vào vận hành, khai thác Dự án thành phần 3 và toàn bộ Dự án.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND 4 tỉnh: Nghệ An, Thái Nguyên, Lào Cai và Lâm Đồng.
Cụ thể, tại Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 28/2/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phùng Thành Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Nguyễn Thị Loan, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Bình.
Tại Quyết định số 536/QĐ-TTg ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Linh, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên.
Tại Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Thành Sinh, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai.
Tại Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Phạm S để nghỉ chế độ theo quy định./.