In bài viết

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2024

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/7/2024.

09/07/2024 10:15

Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo).

Theo Quyết định trên, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Phó Trưởng ban Thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn mời lãnh đạo: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham gia Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV; đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có).

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, các Luật thuế, Luật Dược... và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.

Đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng hiện có của bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; phối hợp, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ và đột xuất.


Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vừa ký Quyết định số 78/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL ngày 8/7/2024 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện.

Thành viên Ban Chỉ đạo tham gia, thực hiện đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và kịp thời báo cáo, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ được phân công theo quy định tại Quy chế này.

Chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tuân thủ sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Tư pháp. Giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quyết định thành lập Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, bảo đảm nguyên tắc gọn nhẹ, hiệu quả, không phát sinh biên chế.

Các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm cử thành viên tham gia Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo theo đề nghị của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 3 Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.


Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp

 Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 8/7/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành thời gian nghiên cứu, đề xuất giải quyết tháo gỡ, xử lý vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp. Tuy nhiên, tại văn bản số 4443/VPCP-PL ngày 26/6/2024 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngay trong tháng 10 năm 2024. Do đó, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết xử lý vướng mắc đối với dự án BT chuyển tiếp cùng thời điểm với việc sửa đổi luật là khó thuyết phục.

Hình thức hợp đồng BT đã được triển khai trong nhiều năm, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều vướng mắc, trong đó có nguyên nhân do quy định của pháp luật chưa đầy đủ hoặc còn cách hiểu chưa thống nhất. Nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất cơ chế thực hiện rõ ràng, minh bạch thì hình thức hợp đồng BT sẽ phát huy được hiệu quả. Tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 28/6/2024, Quốc hội đã cho phép triển khai loại hợp đồng BT.

Để bảo đảm xử lý tổng thể, giải quyết các tồn tại, vướng mắc và khơi thông nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) (trong đó có các dự án BT), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, khẩn trương triển khai các thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024.

Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hồ sơ sửa đổi Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập gồm các bộ, ngành có liên quan (Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Xây dựng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Công Thương;...) và các chuyên gia am hiểu lĩnh vực; đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo (nếu cần thiết), hoàn thành trước ngày 10/7/2024.


Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Cụ thể, tại Quyết định số 602/QĐ-TTg ngày 6/7/2024, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Nguyễn Văn Khởi, Tỉnh ủy viên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Quyết định số 602/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 6/7/2024.

Tại Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 6/7/2024, Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc.

Quyết định số 601/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 6/7/2024.


Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 8/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu cụ thể, đối với phân vùng môi trường: Định hướng phân vùng môi trường thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên

Đối với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Định hướng bảo tồn giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên nhằm phục hồi và duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học trên cơ sở củng cố, mở rộng, thành lập mới và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng và cơ sở bảo tồn để lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, mẫu giống cây trồng và vật nuôi.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu ha.

Chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được xác định trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh

Đối với khu xử lý chất thải tập trung: Định hướng hình thành đồng bộ hệ thống khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có quy mô công suất và công nghệ xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp trực tiếp, thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Đồng thời, xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải.

Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Định hướng hình thành tối thiểu 02 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; tối thiểu 07 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại các vùng kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch; tối thiểu 01 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường: Định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh thống nhất và đồng bộ, hiện đại, có tính liên kết trên phạm vi cả nước để chủ động theo dõi hiện trạng và bước đầu xây dựng năng lực dự báo diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường; bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Cụ thể: Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia: định hướng thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường quốc gia tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, tập trung quan trắc tại các khu vực trọng yếu, khu vực có ý nghĩa quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia phải có tính đồng bộ, liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh.

Đối với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh: định hướng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường tại địa phương, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các khu vực chịu tác động của nhiều nguồn thải và các khu vực quan trọng về cảnh quan, sinh thái và môi trường trên địa bàn quản lý của các địa phương, hài hòa và có tính liên kết chặt chẽ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường quốc gia để sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trên cả nước.

Hướng tới đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050

Mục tiêu đến đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho Nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch

Quy hoạch đưa ra giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch gồm: 1- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; 2- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; 3- Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; 4- Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; 5- Tăng cường đầu tư tài chính; 5- Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; 6- Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường thông qua: Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải tiến, chuyển đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám và công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường.

Thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải rắn xử lý bằng chôn lấp trực tiếp.

Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ trong quan trắc và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường; ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, đồng bộ, cập nhật, chia sẻ và được kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành; bảo đảm thông tin môi trường được cung cấp kịp thời. Thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường; thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam xứng tầm để giải quyết tốt những vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.


Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn gắn với vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của huyện Sông Lô; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.

Bên cạnh đó, hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích…

Tổ chức không gian bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích

Theo Quy hoạch, vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành hai không gian chính: Khu vực tháp Bình Sơn ở phía Nam và khu vực chùa Vĩnh Khánh ở phía Bắc. Hướng tiếp cận từ đường tỉnh 307B ở phía Nam, qua cổng chính, theo đường trục chính của di tích, qua tháp Bình Sơn đến khu vực chùa Vĩnh Khánh.

Khu vực tháp Bình Sơn: Giữ nguyên vị trí Tháp hiện trạng; bảo đảm duy trì tầm nhìn từ các hướng đến Tháp. Tổ chức hệ thống cây xanh cảnh quan và sân quanh chân tháp thành điểm nhấn về cảnh quan.

Khu vực chùa Vĩnh Khánh: Nằm trên đường trục chính di tích, hướng về phía Nam. Khu nội tự, gồm các công trình: Tam Bảo, nhà Tổ và 02 dãy hành lang, sân chùa. Bố cục tổng thể theo kiến trúc chùa truyền thống miền Bắc Việt Nam. Khu ngoại tự (ở hai bên và phía sau khu nội tự), bố trí các hạng mục phụ trợ gồm: lầu hóa vàng, nhà phụ trợ, nhà vệ sinh. Bao xung quanh các công trình là hệ thống vườn hoa, cây xanh cảnh quan và mạng lưới đường dạo kết nối.

Đối với vùng đệm phụ trợ cho di tích, tổ chức, chỉnh trang các không gian xanh, không gian ở và không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu di tích bảo đảm hài hòa về cảnh quan, hình thành không gian bổ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị. Các không gian chính, gồm: Vườn hoa cảnh quan (bố trí phía Đông di tích); không gian trường học (phía Bắc di tích) và khu dân cư hiện trạng.

Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch

Theo Quy hoạch, sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử di tích tháp Bình Sơn gắn với hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ hiện đại (thực tế ảo và 3D mapping...), các hoạt động nghiên cứu, sáng tác tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến di tích và văn hóa địa phương.

Du lịch văn hóa - tín ngưỡng gắn với việc trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch thiền... tại di tích.

Du lịch lễ hội: Đa dạng hóa các hoạt động trong phần hội của lễ hội chùa tháp gắn liền bản sắc văn hóa sông Lô. Phát triển chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội truyền thống địa phương, lễ hội đường phố và sự kiện văn hóa, nghệ thuật đương đại.

Du lịch mua sắm gắn với sản phẩm lưu niệm về tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện Sông Lô; kết nối và nâng cao trải nghiệm của du lịch làng nghề của huyện Sông Lô…/.