Ảnh minh họa |
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, trong đó quy định thôn đặc biệt khó khăn phải có đủ 3 tiêu chí.
Cụ thể, tiêu chí thứ nhất là có đủ 2 điều kiện sau: 1- Tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 55% trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo phải từ 25% trở lên; 2- Có ít nhất 2 trong 3 yếu tố là: Trên 80% lao động chưa qua đào tạo nghề; trên 50% số hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 30% số hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tiêu chí thứ hai là có ít nhất 2 trong 3 điều kiện: 1- Trên 20% số hộ thiếu đất sản xuất; 2- Trên 50% diện tích đất canh tác có nhu cầu tưới tiêu, nhưng chưa được tưới tiêu; 3- Có 1 trong 2 yếu tố: Chưa có cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thôn, bản hoặc dưới 10% số hộ làm nghề phi nông nghiệp.
Tiêu chí thứ ba, có đủ 2 điều kiện sau: 1- Chưa có đường giao thông từ thôn đến trung tâm xã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 2- Có ít nhất 1 trong 3 yếu tố sau: Chưa đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo theo quy định hoặc trên 30% số hộ chưa có điện sinh hoạt hoặc chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn.
Đưa lao động Việt Nam trở lại làm việc tại Libya
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì cùng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đưa người lao động trở lại làm việc tại Libya phù hợp với diễn biến tình hình.
Thủ tướng lưu ý việc đưa người lao động trở lại làm việc tại Libya cần phải có các phương án cụ thể đối với từng tình huống, trong đó xác định lộ trình, quy mô, lĩnh vực, địa bàn, đối tác ưu tiên để không bị động khi tình hình diễn biến không thuận lợi, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lao động.
Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp ký kết hợp đồng chặt chẽ, đặc biệt các điều khoản liên quan đến bảo đảm an toàn, trách nhiệm khi có xảy ra bất ổn; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán ta tại Libya để chủ động nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các tình huống.
Tây Nguyên đang "thay da đổi thịt" từng ngày |
Tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 43,6%, 29,2% và 27,2%; đến năm 2020 cơ cấu kinh tế tương ứng là 34,7%, 35% và 30,3%.
8 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện báo cáo chuyên đề nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị gồm UBND các địa phương: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng; thành phố Cần Thơ; tỉnh Nghệ An; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Nam Định.
Nhiệm vụ trên được giao theo Kế hoạch xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương phê duyệt.
Hiện nay, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định mô hình tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế hoạt động phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền.
Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị sau khi hoàn thiện sẽ được trình Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì việc rà soát lộ trình tái cơ cấu Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo minh bạch giữa các khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện, điều hành hệ thống và thị trường điện.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN sớm hoàn thành, công bố quyết toán năm 2011 theo quy định; tổ chức họp báo công bố giá thành điện đã được quyết toán và kết quả vận hành thị trường điện.
Tại Thông báo số 259/TB-VPCP, Bộ Tài chính cần khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét cụ thể tình hình, nguyên nhân lỗ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Thông báo số 259/TB-VPCP, Bộ Tài chính điều chỉnh quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, hoa hồng đại lý theo thẩm quyền cho phù hợp thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm về giá trong kinh doanh xăng dầu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, rà soát các tuyến đường thủy nội địa trọng điểm có lưu lượng phương tiện thủy lớn lưu thông qua cầu.
Nếu việc rà soát trên cho thấy có nguy cơ dẫn đến gây tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu phải tổ chức điều tiết ngay lưu lượng phương tiện, bảo đảm an toàn cho cầu.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các địa phương phải kiên quyết đình chỉ hoạt động các cảng, bến, khai thác cát, sỏi, khoáng sản ở sát mố cầu, trụ cầu, trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, không có phép hoặc có phép nhưng tiềm ẩn gây nguy cơ cao dẫn đến đâm va vào cầu vượt sông, gây mất an toàn cho cầu.
Kiểm tra việc phát triển du lịch tại các địa phương
Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch sẽ tổ chức ít nhất 3 đợt kiểm tra trong các tháng 8, 9, và 10/2012 về tình hình phát triển du lịch tại các địa phương. Hoạt động này được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch tại Thông báo số 252/TB-VPCP.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với các địa phương đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho khách du lịch, giải quyết tình trạng chèo kéo, cướp giật, lừa đảo khách du lịch đặc biệt là tại các trung tâm đô thị lớn.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương giải quyết vấn đề nâng giá, ép giá khách du lịch tại các điểm du lịch.
Hoàng Diên