Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại; khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ phương án, cơ chế xử lý nợ xấu để khai thông dòng vốn trong nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa phù hợp với chính sách tiền tệ để tăng tổng cầu của nền kinh tế theo kế hoạch đề ra; tập trung đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân nguồn vượt thu cuối năm 2011, các khoản tạm dừng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2011; thúc đẩy giải ngân vốn ODA, FDI.
Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển thị trường trong nước, kích thích tiêu thụ, giảm hàng hóa tồn kho, thúc đẩy sản xuất; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tranh thủ cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn khi có phục hồi; kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu và hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng.
Chính phủ ban hành Nghị định 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.110.000 đồng, thay vì mức 876.000 đồng quy định tại Nghị định 52/2011/NĐ-CP.
Theo Nghị định 47/2012/NĐ-CP, sẽ nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng; trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công; trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
Trong đó, trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 1 liệt sĩ là 1.110.000 đồng/tháng (quy định cũ là 876.000 đồng).
Con đẻ còn sống của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mà bị dị dạng, dị tật nặng, không tự lực được trong sinh hoạt thì được trợ cấp 1.110.000 đồng/tháng (mức cũ 876.000 đồng); bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt được trợ cấp 622.000 đồng/tháng (mức cũ 491.000 đồng);...
Các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi sẽ được tính thực hiện từ ngày 1/5/2012.
Thời gian qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất để thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại – Du lịch Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Hưng Yên và các Bộ, ngành liên quan về vụ việc này.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương điều tra; nếu đủ căn cứ phải khởi tố vụ án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi gây rối trật tự công cộng và đánh người trong việc tổ chức cưỡng chế ngày 24/4/2012 tại Văn Giang, Hưng Yên.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan báo cáo đầy đủ kết quả thanh tra, kiểm tra, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ giải trình làm rõ vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng Hải.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ trước ngày 31/5/2012 phải có báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trong khi Thanh tra Chính phủ đang thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Tại Chỉ thị 17/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác trên địa bàn nghiêm túc thi hành án hành chính, không để tồn đọng các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có căn cứ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc đôn đốc thi hành án hành chính, thống kê, báo cáo kết quả thi hành án hành chính.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mở đợt cao điểm tấn công các loại tội phạm ma túy trên tuyến biên giới và các tuyến, địa bàn trọng điểm; tập trung xử lý các tụ điểm phức tạp về ma túy.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát biển chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, tăng cường phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả điều tra, bắt giữ các vụ sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy, phòng ngừa, xóa bỏ các tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, v.v...
Các cơ quan Y tế, Công Thương... và các lực lượng chức năng (Công an, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường) tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các chất gây nghiện, chất hướng thần; lưu ý việc phòng, ngừa, phát hiện tội phạm sử dụng tiền chất, nhất là từ nguồn dược phẩm trên thị trường để sản xuất ma túy tổng hợp.
Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu thực hiện đào tạo nghề để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người.
Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 7,5 triệu người, trong đó có 4,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020)" (Đề án 1956).
Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người, trong đó có 5,5 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956...
Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn đạt 70% trở lên). Đến năm 2020, tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 85% và 75% trở lên.
Hằng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực gia đình, hộ gia đình có người mắc tệ nạn xã hội.
Phấn đấu đến năm 2015 đạt 85% và năm 2020 đạt 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu, tạo điều kiện cho con, cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con, cháu là trai hay gái...
Công bố chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo
Tại Chỉ thị 18/CT-TTg, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo do Bộ, ngành quản lý thực hiện việc rà soát, đánh giá các điều kiện tổ chức đào tạo, chương trình và kế hoạch phát triển đào tạo; thực hiện tốt việc công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn thu, chi tài chính, đội ngũ giáo viên, giảng viên và sớm hoàn thành việc xây dựng, công bố chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo; đẩy mạnh đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học.
Đồng thời, chủ động tổ chức xây dựng và ban hành các cơ chế, quy định nhằm gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng, thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào công tác đào tạo nhân lực cho Bộ, ngành mình. Hình thành cơ quan chuyên trách giúp chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội thuộc phạm vi Bộ, ngành quản lý.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu chung là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược còn có mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 80% trên tổng số người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị vào năm 2020.
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các báo, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương mở ngay chuyên mục thông báo công khai danh sách các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, cần tuyên truyền nhân tố điển hình, gương người tốt việc tốt trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương phải chỉ đạo tăng cường tuần tra, xử phạt, liên tục hơn nữa, nặng hơn nữa đối với những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ trọng điểm, trong vận tải hàng hóa, hành khách bằng ô tô trên tuyến quốc lộ 1, vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy, tàu cánh ngầm và bến khách ngang sông.
Kiên quyết xử lý nghiêm, liên tục, đúng quy định các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đô thị như trông giữ xe trái phép, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông.
Lập hồ sơ đề nghị công nhận hát Then là Di sản văn hóa phi vật thể
Tại Thông báo số 195/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của dân tộc Tày khu vực Việt Bắc để đề nghị Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và các tỉnh phía Bắc hoàn tất hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2012.
Hoàng Diên