Chính phủ ban hành Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Trong đó, về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Nghị định bổ sung quy định: Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức, viên chức.
Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nghị định số 69/2023/NĐ-CP đã bổ sung Điều 40a vào sau Điều 40 của Nghị định số 159/2020/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều kiện luân chuyển người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên.
Theo đó, người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên muốn được luân chuyển phải đạt các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1- Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt.
2- Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển.
3- Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.
4- Còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5- Có đủ sức khoẻ để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 149/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Chương trình đã đưa ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
1- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
2- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.
3- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
4- Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông.
5- Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Ngày 18/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.
Quyết định này quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tổ chức phối hợp liên ngành được tổ chức dưới các hình thức sau: Hội đồng, Ủy ban, Ban Chỉ đạo, Ban công tác.
Tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành.
Tổ chức phối hợp liên ngành không thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tổ chức phối hợp liên ngành không có con dấu hình Quốc huy.
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Trong đó, Thông báo nêu rõ các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/QĐ-TCTCCTTHC ban hành Kế hoạch hoạt động 4 tháng cuối năm 2023 của Tổ công tác này.
Mục tiêu của Kế hoạch là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách theo các văn bản, chương trình, kế hoạch đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành từ nay đến cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp; phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Tổ công tác trong hoạt động của Tổ công tác.
Tại Thông báo số 388/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục xử lý các "điểm đen" về tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến đường đèo dốc, nguy hiểm; trước mắt, ưu tiên cải tạo ngay các điểm đen, đường tránh nạn, hộ lan, biển cảnh báo, chỉ dẫn tại các vị trí xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, kể cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện giao thông, nhất là phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải. Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và TTATGT để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.
Bộ Công an duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và chuyên đề về kiểm soát tải trọng xe, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tất cả các trường hợp vi phạm; chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị (nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông) nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.