Thủ tướng yêu cầu siết chặt quản lý dịch vụ karaoke
Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 5910/VPCP-NC ngày 8/9/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình hình cháy và an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Xét báo cáo của Bộ Công an tại văn bản số 3149/BCA-V01 ngày 07/9/2022 về vụ cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở tỉnh Bình Dương và công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Đồng ý với đề xuất của Bộ Công an tại văn bản nêu trên. Đề nghị:
Bộ Công an chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; thực hiện có hiệu quả Công điện số 792/CĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát công tác cấp phép kinh doanh, hoạt động karaoke, tăng cường hướng dẫn, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các cấp đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke.
Đồng thời, tham mưu sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc cấp phép kinh doanh dịch vụ karaoke; bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke; quá trình cấp phép phải căn cứ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự của cơ quan chức năng có thẩm quyền; tăng mức chế tài xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam có các giải pháp quản lý an toàn điện (sau công tơ điện) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh rượu, bia tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, phòng chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke. Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, xử phạt nghiêm minh, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự.
Đồng thời, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke. Có chế tài xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện, hoạt động không phép.
100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…); chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương huy động toàn bộ hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc trong việc tuyên truyền, giám sát để hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trở thành hoạt động giải trí lành mạnh.
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Nghị quyết số 119/NQ-CP giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần (không bao gồm gói thầu xây lắp phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư), việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Sửa đổi cơ chế đặc thù khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Nghị quyết 119/NQ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 1 về cơ chế đặc thù khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như sau:
Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác:
- Trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; trình tự thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho Dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường
Về một số nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án.
Bộ Xây dựng hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các địa phương công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường
Về một số nhiệm vụ cụ thể của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, Nghị quyết 119/NQ-CP giao UBND các tỉnh có trách nhiệm "công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật", thay thế nhiệm vụ "Xây dựng, công bố giá các loại vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi…) đến chân công trình cho từng gói thầu/dự án thành phần, bao gồm vật liệu xây dựng tại các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; xây dựng, công bố chỉ số giá xây dựng hàng tháng để áp dụng riêng cho các gói thầu/dự án thành phần. Việc xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phải đảm bảo phù hợp yêu cầu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện và tiến độ thi công xây dựng, khả năng cung ứng và mặt bằng giá thị trường, phản ánh đúng mức độ biến động giá xây dựng trên thị trường khu vực xây dựng".
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan có nhiệm vụ "kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường theo quy định pháp luật"; thay thế nhiệm vụ "Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho từng gói thầu/dự án thành phần phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, nâng giá".
Bổ sung Điểm l vào Khoản 6 Điều 1: Trong quá trình thực hiện Dự án, các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình; Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa sai phạm.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 60/2022/NĐ-CP ngày 8/9/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam.
Đài Truyền hình Việt Nam có tên viết tắt tiếng Việt là THVN; tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Vietnam Television, viết tắt là VTV.
Đài Truyền hình Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí.
Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 1/2/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án quan trọng khác của Đài Truyền hình Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia; ban hành tiêu chuẩn cơ sở theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình và thời lượng phát sóng hàng ngày trên các kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Quản lý trực tiếp hệ thống kỹ thuật chuyên dùng của Đài Truyền hình Việt Nam để sản xuất nội dung; truyền dẫn tín hiệu trên hạ tầng viễn thông, internet băng thông rộng; phát sóng trên các phương thức truyền hình vệ tinh, mặt đất và mạng truyền hình cáp; cung cấp trên nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam và nền tảng số khác các chương trình, kênh chương trình ở trong nước và ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình địa phương về kế hoạch sản xuất các chương trình phát trên kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam; quản lý, quyết định các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của Đài Truyền hình Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng nền tảng truyền hình số (trực tuyến) ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số để phát huy sự tham gia, sáng tạo nội dung của khán giả.
Cơ cấu tổ chức của VTV
Đài Truyền hình Việt Nam có 28 đơn vị gồm: 1- Văn phòng; 2- Ban Tổ chức cán bộ; 3- Ban Kế hoạch - Tài chính; 4- Ban Kiểm tra; 5- Ban Hợp tác quốc tế; 6- Ban Thư ký biên tập; 7- Ban Thời sự; 8- Ban Khoa giáo; 9- Ban Truyền hình tiếng dân tộc; 10- Ban Truyền hình đối ngoại; 11- Ban Văn nghệ; 12- Ban Sản xuất các chương trình Giải trí; 13- Ban Thể thao; 14- Ban Biên tập truyền hình đa phương tiện; 15- Trung tâm Phim tài liệu; 16- Trung tâm Phim truyền hình; 17- Trung tâm Tư liệu; 18- Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; 19- Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; 20- Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam Bộ; 21- Các cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật; 22- Trung tâm Kỹ thuật truyền hình; 23- Trung tâm Mỹ thuật; 24- Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số; 25- Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng; 26- Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ truyền hình; 27- Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình; 28- Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình.
Các đơn vị quy định từ (1) đến (5) là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc; đơn vị quy định tại (6) là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và sản xuất chương trình; các đơn vị quy định từ (7) đến (23) là các tổ chức sản xuất chương trình; đơn vị quy định tại (24) là tổ chức sản xuất chương trình và cung cấp nội dung số đa nền tảng; đơn vị quy định tại (25) là tổ chức phát sóng chương trình; các đơn vị quy định từ (26) đến (28) là các tổ chức sự nghiệp khác.
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ việc thành lập, giải thể và tổ chức sắp xếp các đơn vị khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ban Thư ký biên tập được tổ chức 13 phòng; Văn phòng được tổ chức 08 phòng.
Đài Truyền hình Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 4 Phó Tổng Giám đốc.
Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Đài Truyền hình Việt Nam; các Phó Tổng giám đốc giúp việc Tổng giám đốc và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công.
Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc.
Kéo dài thời gian giữ chức đối với Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ
Tại văn bản 793/TTg-TCCB ngày 8/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Nguyễn Hữu Độ, sinh tháng 8 năm 1962, đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Công nhận 4 xã An toàn khu tại tỉnh Tây Ninh
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 8/9/2022 công nhận 4 xã An toàn khu tại tỉnh Tây Ninh. 4 xã được công nhận là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ gồm: Xã Tân Bình và xã Tân Lập thuộc huyện Tân Biên; xã Tân Thành thuộc huyện Tân Châu và xã Đôn Thuận thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Các xã An toàn khu trên được thực hiện chính sách ưu đãi do cấp có thẩm quyền phê duyệt./.