Ảnh minh họa |
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" thực hiện theo hướng xác định Đề án này là một nội dung quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới; việc hỗ trợ lao động nông thôn học nghề cần xem xét đến tính đặc thù của các đối tượng học nghề là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số để có chính sách động viên, hỗ trợ phù hợp. Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong Quý III/2014.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách dạy nghề đối với người lao động theo hướng tích hợp chung các chính sách hiện hành về đào tạo nghề để thống nhất thực hiện, trong đó chú trọng ưu tiên hỗ trợ dạy nghề cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân; điều chỉnh mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho các đối tượng ưu tiên cho phù hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào đầu Quý I/2015.
Về việc sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề cấp huyện triển khai theo hướng sáp nhập các trung tâm nhằm giảm đầu mối quản lý nhưng không thực hiện đồng loạt, đại trà mà tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương. Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2014 về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm việc này tại một số địa phương trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, chuẩn hóa các chương trình đào tạo, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp; nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí việc làm của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ban Chỉ đạo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho biết, trong 4 năm (2010-2013), ngân sách Trung ương đã bố trí cho công tác dạy nghề lao động nông thôn trên 4.873 tỷ đồng, ngoài ra có 12 địa phương tự cân đối được ngân sách, nhiều địa phương bố trí thêm, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án cho hoạt động này.
Kết quả, đã có 1,615 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề, trong đó 1,5 triệu người đã học xong, gần 1,2 triệu người có việc làm mới, có thu nhập cao hơn. Mặc dù so với kế hoạch 4 năm chỉ đạt 85% song công tác dạy nghề tại các địa phương đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, thực hiện an sinh xã hội.
Phan Hiển